LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
6
9
1
1
Tin tức 25 Tháng Tư 2021 9:30:00 SA

Nhìn lại 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai tại khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện từ năm 2010. Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện (2010 – 2020), đề án đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Qua đó, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện Củ Chi đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Tập trung thực hiện đề án

Thực hiện đề án, hàng năm, huyện đã tập trung tuyên truyền và tư vấn học nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với người lao động. Trong đó, tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa không dây của Đài Truyền thanh huyện đến tận tổ nhân dân với các tin tức, bài viết về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình tự, thủ tục tham gia học nghề. Các ấp, khu phố lồng ghép tổ chức triển khai trong các cuộc họp ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố. Trong 10 năm qua, toàn huyện đã có 17.288 lao động nông thôn được tư vấn học nghề. Qua đó, phổ biến cho đoàn viên, hội viên và người lao động nắm bắt kịp thời các chính sách, ý nghĩa về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, trình tự, thủ tục tham gia học nghề và chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động, giới thiệu các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện, danh mục các nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với việc làm có hiệu quả để lao động nông thôn biết và lựa chọn ngành nghề đào tạo. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Cơ sở 2 (tại xã Trung An) tổ chức 32 sàn giao dịch việc làm miễn phí cho người lao động và các hội thảo định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhằm góp phần đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 85% theo quy định.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, rà soát, cập nhật, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo từng nghề, lồng ghép với các cuộc điều tra cung, cầu lao động của địa phương. Qua các đợt thống kê, tổng hợp đã có 17.288 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng, tổ chức và triển khai kế hoạch thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với nhu cầu của người dân. Hiện với điều kiện, nhu cầu học nghề thực tế trên địa bàn huyện, UBND huyện đã ban hành công văn kiến nghị bổ sung một số ngành nghề (17 ngành nghề), Trường Trung cấp nghề Củ Chi được cấp giấy chứng nhận về đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 7 ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp. Đồng thời, xây dựng 100% giáo viên cơ hữu đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và sư phạm dạy nghề.

Mỗi giai đoạn bằng nhiều giải pháp khác nhau trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã cho thấy kết quả đáng phấn khởi. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015 thực hiện đào tạo nghề cho 6.223 người, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã thực hiện đào tạo nghề cho 11.065 người. Mức thu nhập của người lao động sau học nghề luôn ổn định đã góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Nhiều mô hình hay, hiệu quả

Mô hình trồng lan rừng tại ấp 5, xã Phạm Văn Cội là một trong những mô hình hay, hiệu quả sau khi học nghề. Sau khi mở lớp học nghề, UBND xã Phạm Văn Cội đã phối hợp với Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho học viên liên kết tham gia thành lập Chi hội nghề nghiệp lan rừng do bà Nguyễn Hà Y Chiêu (ngụ tại ấp 5) làm Chi hội trưởng. Sau học nghề, bà Nguyễn Hà Y Chiêu đã áp dụng khoa học kỹ thuật, kiến thức đã học vào thực tế trong việc trồng, nhân giống lan rừng và mở rộng quy mô sản xuất từ 50m2 lên 300m2 áp dụng công nghệ cao trồng thành nhiều tầng. Sản phẩm của bà Y Chiêu đã tham gia phiên chợ nông sản của huyện và ký kết nhiều hợp đồng về nhân giống lan rừng cho các đơn vị trong và ngoài huyện. Bà chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lan Mokara, sau này nhờ học thêm các lớp nghề trồng lan rừng đã cho tôi nhiều kiến thức. Nhờ đó, tôi đã trồng 500 gốc lan rừng và tiếp tục nhân giống gần 2.000 gốc nên thu nhập của gia đình ngày càng tăng”.

Cùng với các nghề nông nghiệp phát huy hiệu quả, các mô hình nghề phi nông nghiệp đang ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả tích cực trong việc đào tạo nghề của huyện. Nổi bật phải kể đến mô hình kết cườm xã An Nhơn Tây. Sau khi học nghề kết cườm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tổ chức thành lập nhóm kết cườm với 16 hội viên. Các dì, các chị tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm các sản phẩm như: giỏ xách, móc khóa, bình hoa… với mẫu mã phong phú, đa dạng. Các chị đã tự nguyện đóng góp 8 triệu đồng để làm vốn mua nguyên vật liệu ban đầu và các chị chọn nhà chị nhóm trưởng làm địa điểm trưng bày và bán sản phẩm. Nhân dịp 20/10 và 20/11/2020, các chị đã làm và tiêu thụ được 195 sản phẩm gồm: 20 giỏ xách, 25 bình hoa, 150 móc khóa… Ngoài ra, các chị còn giới thiệu và bán sản phẩm từ người thân giới thiệu. Nhờ việc kết cườm, mỗi thành viên trong tổ kiếm thêm thu nhập nâng cao thu nhập cho gia đình. Chị Lê Thị Thanh Vân, tổ trưởng tổ kết cườm chia sẻ: “Sau khi học nghề kết cườm, tranh thủ thời gian, các chị tập trung tại nhà tôi để cùng nhau kết cườm. Ban đầu học thì kết móc khóa, bình hoa sau đó là túi xách. Việc học thêm một nghề mới giúp chị em có thêm thu nhập”.

Ngoài ra, hiện nay nghề nấu ăn đang thu hút nhiều chị em theo học để kiếm thêm thu nhập. Cùng với việc trang bị và nâng cao kỹ năng nấu ăn, các chị em có thể tự tin chuẩn bị những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho gia đình. Khi lớp học kết thúc, các chị em còn vận dụng những kiến thức học được để lập thành các nhóm nấu ăn, nhận các bàn tiệc nhằm phục vụ nấu ăn khi có lễ cưới, hỏi, hiếu hỷ... cho người dân có nhu cầu.

Việc triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả quan trọng. Từ việc phải chủ động tìm kiếm các lớp học nghề, nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân, xã hội. Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò đào tạo nghề nghiệp trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự nỗ lực với 10 năm chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho người lao động, đặc biệt là những lao động nông thôn thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên vùng Đất Thép Củ Chi hôm nay.

THU HÀ

 


Số lượt người xem: 623    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm