LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
4
8
8
3
4
1
Tin tức 20 Tháng Giêng 2020 9:55:00 SA

CÔNG TRÌNH THANH NIÊN Ý NGHĨA: TẬP SÁCH NHỮNG CÂU CHUYỆN MẸ KỂ

Trong những ngày xuân ấm áp, mọi người lại hướng về gia đình, nơi đó có những người mẹ. Mùa xuân này càng thêm ý nghĩa khi Tập sách Những câu chuyện Mẹ kể được đoàn viên, thanh niên ghi lại. Những câu chuyện của Mẹ về những người chồng, người con đã hy sinh vì nền độc lập đang làm cho mùa xuân của sự tự do, hòa bình hôm nay càng thêm ý nghĩa, đáng trân trọng biết bao.
LẮNG NGHE MẸ KỂ!
Chiến tranh là sự tàn phá, mất mát và đau thương! Mất mát lớn nhất là mất mát về con người, đau thương lớn nhất là nỗi đau của người Mẹ mất con, người vợ mất chồng. Củ Chi “Đất Thép thành đồng”, mảnh đất có hàng ngàn liệt sĩ nằm lại với biết bao người mẹ mỏi mắt chờ mong. Tính đến tháng 12/2019, mảnh đất này đã có 2.110 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - những người phụ nữ đã hiến dâng cho Tổ quốc, cho quê hương những người thân yêu nhất. “Tuổi trẻ Củ Chi luôn tự hào với truyền thống quê hương, tri ân những người Mẹ đã hy sinh chồng, con để cho mùa xuân yên bình hôm nay. Chúng tôi đã quyết tâm thực hiện công trình thanh niên “Những câu chuyện Mẹ kể” ghi lại những câu chuyện từ chính các Mẹ kể giúp đoàn viên, thanh niên càng thêm trân trọng hòa bình, hạnh phúc đang có hôm nay”, đồng chí Phạm Thị Thùy Linh, Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn chia sẻ! Để công trình thực hiện hiệu quả, Huyện đoàn đã triển khai kế hoạch thực hiện công trình thanh niên “Những câu chuyện Mẹ kể” đến tất cả các cơ sở Đoàn. Từ đó, các cơ sở Đoàn thành lập các tổ để thực hiện rà soát những Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và còn khỏe để có thể trò chuyện, trao đổi kể chuyện. Đồng thời, thực hiện chụp hình ảnh các Mẹ, biên soạn những câu chuyện do Mẹ hoặc người thân nuôi dưỡng Mẹ kể lại. Gặp gỡ, trò chuyện 36 người mẹ là 36 câu chuyện khác nhau về cuộc đời, những ký ức, kỷ niệm về người chồng, người con đi mãi không về. Trong ánh nắng ấm áp, các bạn đoàn viên xã An Nhơn Tây đã đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phơi ngụ tại ấp Xóm Trại. Năm nay, Mẹ đã đón 90 cái Tết của đời người, vẫn hình dáng ấy, mái tóc bạc cùng với bộ đồ bà ba, Mẹ ngồi trò chuyện với các bạn trẻ. Mẹ kể: “Lúc trước, Mẹ mở cái quán nhỏ để bán nước cho người dân đi làm ruộng về ghé ngang làm ngụm nước để lấy lại sức. Đó cũng là nơi Mẹ đã gặp được người chồng làm quân y của mình trong một lần hành quân đi ngang ghé vào uống nước”. Mẹ nói: “Ông ấy đi bộ đội mấy tháng mới về một lần rồi hôm sau lại đi ngay. Sinh ra được đứa nào ông cũng dẫn đi luôn, có đứa nào ở dài lâu đâu. Thời đó, tụi nhỏ mê đi đánh giặc lắm, cứ đợi lớn thì cha nó về dắt đi”. Rồi chồng và hai người con yêu quý của Mẹ đã ra đi mãi, hy sinh vì Tổ quốc. Tuy câu chuyện Mẹ kể không được trọn vẹn vì tuổi đã cao nhưng các bạn phần nào hiểu được nỗi đau mất con, mất chồng mà Mẹ đã trải qua. “Khi được đến thăm tận nhà, chính tai nghe các Mẹ kể lại những câu chuyện thời chiến tranh ác liệt, những cơ duyên đưa Mẹ đến với cách mạng hay nỗi đau về người chồng, người con đã ra đi mãi mãi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thì tôi càng thấm thía hơn nữa những mất mát, hy sinh của các Mẹ dành cho quê hương, đất nước” bạn Nguyễn Thanh Thảo, Bí thư xã đoàn An Nhơn Tây xúc động! Còn câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thông, xã Tân Thạnh Tây được các bạn trẻ ghi lại một cách đầy đủ, súc tích. Mẹ kể cho các bạn trẻ nghe về câu chuyện đau thương khi phải chứng kiến những người thân quen ra đi trước họng súng của quân thù. Hàng ngày, Mẹ phải chứng kiến những người dân trong xóm từng người ra đi, nhà cửa bị đốt cháy, gà, vịt, trâu, bò bị bắn chết... Cũng vì những cuộc càn quét đó mà người con thứ hai của mẹ ra đi vĩnh viễn, Mẹ kể: “Nó đi thông báo có giặc càn quét, báo cáo cán bộ nên chuyển nơi họp, rồi nó chạy ra thì bị bắn chết”. Giọng Mẹ run run, đôi mắt nhìn vào xa xăm hồi tưởng ngày nhận được tin con mất. Mẹ trầm ngâm bảo: “Hai tụi nó (hai người con lớn) đều đi học, thế rồi có một ngày thằng lớn nó nhờ người quen về nhà lấy đồ khi đó mẹ mới biết là nó đã quyết định đi chống giặc rồi”. Câu chuyện của Mẹ Huỳnh Thị Lơ, xã Tân An Hội lại kể chính bản thân mình tham gia cách mạng. Vượt qua đau thương khi chồng và con hy sinh, Mẹ đã cùng tham gia chiến đấu. Cuốn sách đã ghi lại lời Mẹ kể rằng: “Khi Mẹ còn ở trong ấp chiến lược, quân ta và quân giặc đang đánh nhau, Mẹ cùng với ba người khác nhận nhiệm vụ khiêng xác giặc Mỹ. Có một lần, do số lượng giặc chết nhiều, Mẹ cùng với ba cô khiêng băng-ca xác một lính Mỹ. Bên quân ta và quân giặc đang đánh nhau rất quyết liệt, đi một đoạn thì Mẹ và các cô phải nằm sát xuống chờ cho đạn bay ít lại. Mẹ cảm giác được khoảng một gang tay thôi, đạn đang bay lướt qua người. Chiếc nón lá của Mẹ đã thủng nhiều lỗ vì đạn. Rồi Mẹ và các cô tiếp tục đi. Nhưng viên đạn đã trúng vào người của lần lượt ba cô kia và chỉ còn một mình Mẹ sống sót cho trận khiêng xác giặc đến vùng Trảng Lắm năm đó”. Những câu chuyện cứ tuôn theo hồi ức của các Mẹ, từ đó các bạn đoàn viên ghi lại để viết nên tập sách “Những câu chuyện Mẹ kể”. Vẫn biết chiến tranh là mất mát, hy sinh, nỗi đau đó với những người Mẹ vẫn còn vẹn nguyên. Nghe câu chuyện kể của Mẹ, các bạn trẻ lại thầm cảm ơn vì có những người mẹ hy sinh tất cả để cho tuổi trẻ hôm nay có được mùa xuân của sự ấm no, yên bình và hạnh phúc.
HOÀN THÀNH TẬP SÁCH VỀ CÂU CHUYỆN MẸ KỂ!
Với sự chung sức của 42 cơ sở đoàn trong việc thực hiện công trình thanh niên tập sách “Những câu chuyện Mẹ kể” đã ghi lại những dòng ký ức của các Mẹ một cách súc tích và ngắn gọn nhất. Đối với nhiều Mẹ do tuổi cao, sức yếu, những đoạn kể không còn liền mạch, đứt quãng, có khi nhớ, khi quên nhưng từng câu nói của các Mẹ đều chất chứa nỗi đau và niềm tự hào về những người chồng, người con đã ra đi vì quê hương, tổ quốc. 36 câu chuyện của 36 người Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện là những lời kể về cuộc đời, về những cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp độc lập tự do dân tộc của chính các Mẹ và người chồng, người con của mình. Tập sách đã hoàn thành với tổng kinh phí thực hiện trên 95 triệu đồng. Tập sách hoàn thành như lời tri ân của tuổi trẻ Củ Chi hôm nay đến quý Mẹ Việt Nam anh hùng. Để tập sách ra đời, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện đã nỗ lực sưu tập tư liệu, hình ảnh, lắng nghe, ghi chép về những câu chuyện Mẹ kể, từ đó biên tập để có một ấn phẩm trân trọng tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng. Những câu chuyện của các Mẹ là kho tư liệu quý báu để các cơ sở đoàn giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Những người Mẹ mang họ, tên khác nhau nhưng các Mẹ lại có chung nỗi đau, một sự vĩ đại đến bất tử mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những ngày xuân ấm áp, các Mẹ vẫn lặng lẽ nhớ về những kỷ niệm, những dòng ký ức sâu thẳm trong tiềm thức. Dù đớn đau, mất mát, nhưng các Mẹ vẫn luôn tự hào bởi các con Mẹ đã chiến đấu cho đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc. Những câu chuyện Mẹ kể trong những ngày Tết đến, Xuân về đang sưởi ấm, hun đúc ý chí xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp của thế hệ trẻ hôm nay.
THU HÀ

Số lượt người xem: 1522    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm