LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
4
7
0
5
4
Tin tức 05 Tháng Sáu 2019 6:00:00 CH

HÀNH TRÌNH CỨU NƯỚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Đã 50 năm kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng trong lòng các thế hệ nhân dân Việt Nam, Người vẫn còn sống mãi. Nhìn lại hành trình cứu nước 108 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta đều khắc sâu trong tâm khảm những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với lòng biết ơn vô hạn đối với công ơn trời biển Bác đã dành cho đất nước ta, dân tộc ta và nhân dân ta.

 

Cách đây 108 năm, Bác Hồ của chúng ta đã ra đi từ Bến Cảng Sài Gòn vào ngày 5/6/1911 trên con tàu Latouche Tréville với tên gọi là Văn Ba và bắt đầu bằng công việc phụ bếp. Mỗi ngày, người thanh niên Văn Ba phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá. Vị lãnh tụ của chúng ta không chỉ vượt qua các thách thức thông thường ấy mà còn làm việc một cách nhọc nhằn, vất vả, đầy hiểm nguy nhưng vẫn không quên tự học, đầu tiên là học tiếng Pháp. Những ngày tháng sau đó, vẫn cái tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã vượt trùng dương, qua 4 châu lục, gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; ròng rã, kiên trì chịu đựng gian khổ, hiểm nguy; đạp bằng chông gai, thử thách; lướt qua phong ba, bão tố trong suốt 30 năm bôn ba không ngơi nghỉ để mục đích cuối cùng là trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến.

Vậy đó, trái tim nhân hậu thấm đẫm cần lao và tinh thần vượt gian khó ở Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn và cao cả. Có lẽ chính từ sự sâu sát đời sống của nhân dân lao động ở các nước, nên Người đã tiếp cận bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin một cách rất tự nhiên và hoàn toàn đồng cảm. Bởi Người đã chia sẻ quan điểm của Lenin bằng góc nhìn của một người vô sản, điều mà nhiều người khác không có, khi họ vẫn đứng trên lập trường của người trí thức hoặc tiểu tư sản. Chính từ đây, Người thực sự hiểu được nguyện vọng của người vô sản cần gì, muốn gì, có thể làm gì và khi liên hệ với nhân dân trong nước, Người đã tìm được cách thức để vận động, giác ngộ đồng bào tham gia cách mạng, điều mà những nhà cách mạng theo các khuynh hướng khác không làm được.

Như vậy, đôi bàn tay vất vả của Hồ Chí Minh trong hành trình đi tìm đường cứu nước không đơn giản là để tự kiếm sống, để học tập, để tồn tại, để tìm kiếm các cơ hội hoạt động cách mạng mà chính là một bước thâm nhập quan trọng để thực sự tìm ra con đường và cách thức cứu nước. Tức là, cùng với đôi bàn tay vất vả là gánh nặng sơn hà và Người đã nâng đất nước lên một tầm cao mới chính từ đôi bàn tay vất vả đó. Nhìn lại hành trình gian nan, vất vả của Văn Ba – Nguyễn Tất Thành rồi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau này, ta mới có thể thấu hiểu được vì sao Người đã tìm ra được con đường cứu nước thực sự cho dân tộc mình!

Mỗi chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động và thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân tộc, đã dành cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân mà không gợn chút riêng tư để đất nước hôm nay trọn niềm vui độc lập tự do và đổi mới phát triển. Càng nhớ Bác Hồ, mỗi người chúng ta hôm nay càng phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, mọi người dân của huyện Củ Chi cần đẩy mạnh học tập và làm theo Bác. Đó chính là tình cảm, là trách nhiệm; phải nỗ lực phấn đấu góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương Củ Chi thân yêu!

Kiều Ngân


Số lượt người xem: 1425    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm