LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
2
8
7
8
0
Tin tức 03 Tháng Năm 2017 2:40:00 CH

Chăm sóc sức khỏe tốt cho nhân dân cũng là sự tri ân

Củ Chi những ngày vừa giải phóng có thể nói là hoang tàn bởi bom đạn tàn phá. Cùng với công cuộc xây dựng lại cơ sở vật chất, phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền huyện Củ Chi đã không ngừng đầu tư, tạo điều kiện phát triển các cơ sở y tế, chăm lo đầy đủ về sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là chăm lo tốt nhất cho những người đã chịu nhiều tổn hại về sức khỏe trong chiến tranh, những người đã góp công bảo vệ quê hương, thống nhất đất nước.

Xây dựng và kiện toàn các cơ sở y tế

Những năm đầu thống nhất đất nước, ngành Y tế huyện bắt tay khắc phục hậu quả do chiến tranh, từng bước ổn định và phát triển. Sự thiếu thốn về nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng bộ và Chính quyền huyện đã không ngừng đề ra nhiều chính sách, đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho các cơ sở y tế. Với sự nỗ lực vượt qua những khó khăn của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối tượng chính sách và dân nghèo ngày càng được nâng cao. Năm 1995, ngành Y tế huyện bắt đầu khởi sắc và không ngừng đạt được những bước tiến vượt bậc so với các bệnh viện cùng tuyến. Cụ thể, từ năm 2004 đến cuối năm 2007, Trung tâm Y tế Củ Chi (nay là Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi) đã triển khai nhiều chương trình kỹ thuật điều trị cao như mổ chấn thương sọ não, tai biến, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình,… Thời điểm đó, Trung tâm Y tế Củ Chi được xem là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên thực hiện được các phẫu thuật kỹ thuật cao này. Và đến cuối năm 2007, được xem là bước ngoặt đánh dấu kết quả thực hiện các chính sách của huyện đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tháng 9/2007, huyện đã kiện toàn ngành Y tế với việc chia tách Trung tâm Y tế Củ Chi thành 3 đơn vị y tế: nâng cấp Trung tâm Y tế huyện thành Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi với quy mô 1.000 giường, nâng cấp Bệnh viện miễn phí An Nhơn Tây thành Bệnh viện huyện Củ Chi với quy mô 150 giường bệnh và thành lập Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Củ Chi để thực hiện tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm.

Mang y tế kỹ thuật cao đến gần với người dân

Năm 2017, qua 10 năm từ ngày chia tách Trung tâm Y tế huyện, người dân Củ Chi không chỉ thụ hưởng được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, từ 100% trạm y tế xã – thị trấn đạt chuẩn Quốc gia, từ các cơ sở y tế tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á với quy mô 1.000 giường bệnh, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân; mà người dân huyện còn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn từ việc xây mới và đưa vào hoạt động Bệnh viện huyện Củ Chi với quy mô 300 giường bệnh cùng các trang thiết bị y tế và kỹ thuật chuyên môn cao vào những tháng đầu năm 2016. 

Để Bệnh viện huyện Củ Chi đi vào hoạt động, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người dân 6 xã phía Bắc, ngoài đầu tư xây mới hạ tầng bệnh viện, huyện còn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao, kiện toàn bộ máy nhân sự, cùng nhiều chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ đến công tác tại bệnh viện, tạo điều kiện để các bác sĩ học tập nâng cao tay nghề, y đức, dồn mọi nguồn lực có thể để phát huy cả nội lực và ngoại lực. Đáp lại sự đầu tư của huyện, vượt qua nhiều khó khăn, tập thể cán bộ, y bác sĩ đã phấn đấu và gặt hái được nhiều thành công khi liên tiếp thực hiện được nhiều cas cấp cứu cứu sống bệnh nhân, áp dụng các kỹ thuật chuyên môn cao để điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điển hình bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu cứu sống thai phụ vỡ thai ngoài tử cung, vết thương phúc mạc ruột thừa ở bệnh nhân lớn tuổi, nhồi máu cơ tim, vết thương phức tạp bìu do tai nạn lao động; thực hiện nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như phẫu thuật Phaco, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng, tái tạo dây chằng chéo trước gối, kết hợp xương, mổ lấy thai, mổ nội soi ổ bụng….

Là bệnh nhân đầu tiên phẫu thuật thay khớp gối tại bệnh viện, bà Lê Thị Huy, ngụ ấp Xóm Trại xã An Nhơn Tây cho biết, bản thân bà bị đau khớp gối đã nhiều năm và cũng đã khám ở nhiều nơi. Tuy nhiên chỉ giảm bớt đau chứ không khỏi hẳn, đi lại sinh hoạt rất khó khăn. Thấy vậy, bà không đi các bệnh viện tuyến trên nữa mà đến khám thường xuyên tại Bệnh viện huyện Củ Chi từ lúc chưa xây mới đến nay. Bệnh viện được xây mới, cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế hiện đại, bà được chẩn đoán thoái hóa khớp gối và cần tiến hành thay khớp gối thì mới có thể đi lại bình thường, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. “Khi ấy tôi cũng hoang mang, cũng không tin tưởng lắm vì nào giờ bệnh viện chưa thực hiện được những phẫu thuật như vậy. Tuy nhiên qua thăm khám nhận thấy sự tận tình của bác sĩ cũng như sự thay đổi của bệnh viện về cung cách phục vụ, về trang thiết bị tại đây, tôi đã đồng ý phẫu thuật và giờ chân đã hết đau, đi lại thuận tiện hơn”, bà Huy chia sẻ.

Hay như bà Dương Thị Xiêm, ngụ ấp Phú Hiệp xã Phú Mỹ Hưng cũng là bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp gối tại bệnh viện. Mặc dù gia đình phản đối việc bà phẫu thuật thay khớp gối tại bệnh viện nhưng bà vẫn quyết định thực hiện, bởi qua thực tế những gì bà thấy và cảm nhận được sự thay đổi của bệnh viện qua những trường hợp được phẫu thuật trước đó, bà hết lòng đặt niềm tin vào bệnh viện.

Như là sự tri ân

Theo Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, Thạc sĩ – Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang: "Khi đảm nhận vai trò là quản lý của một bệnh viện được xây dựng trên vùng giải phóng cũ – nơi có hơn 50% gia đình là diện chính sách – nơi người dân đã chịu nhiều thương tổn trong chiến tranh, tôi luôn quan niệm phải làm thế nào để có thể chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất, phải làm sao để đưa các kỹ thuật chuyên môn cao đến với người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là những thương binh, những người có công, những gia đình chính sách. Bởi khi làm được điều đó, có thể nói phần nào đã tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ ý nghĩ đó, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng bệnh viện đã triển khai nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, cho gia đình chính sách như phẫu thuật đục thủy tinh thể cho người cao tuổi, chương trình khám và điều trị tại nhà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, đưa đón các Mẹ từ bệnh viện về nhà và ngược lại… Sắp tới đây, bệnh viện sẽ mở rộng triển khai chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người dân khi có nhu cầu và đặc biệt ưu tiên cho các gia đình chính sách và hộ nghèo".

Có thể thấy, Bệnh viện huyện Củ Chi đã góp phần tạo nên bức tranh tươi đẹp về ngành Y tế huyện, về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là những người có công với cách mạng, những gia đình chính sách. Vươn lên từ những vết tích của chiến tranh, ngành Y tế Củ Chi 42 năm sau giải phóng nay đã thay màu áo mới. Những đổi thay của ngành Y tế trong những năm qua, trong đó có Bệnh viện huyện Củ Chi là minh chứng cho sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Đảng và chính quyền huyện Củ Chi trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giờ đây, người dân Củ Chi đã có thể thụ hưởng được các thành tựu y tế kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe, các gia đình chính sách được chăm lo không chỉ về vật chất mà còn được chăm lo cả về sức khỏe ngay tại địa phương mình.

Ngọc Thùy


Số lượt người xem: 2222    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

Tìm kiếm