LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
6
5
5
2
Tin tức 12 Tháng Tư 2022 3:15:00 CH

Dấu ấn Củ Chi: hành trình vượt bão COVID-19

Làn sóng dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta xuất hiện vào ngày 29/4/2021. Cuối tháng 5/2021, ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Củ Chi và nhanh chóng lan rộng tại 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trong khoảng thời gian đối phó với dịch CoViD-19, trải qua 3 lần giãn cách xã hội liên tiếp; sản xuất kinh doanh, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề; điều kiện nhân lực, vật lực của huyện còn nhiều khó khăn.
Nhưng với tinh thần quật cường của “Đất Thép thành đồng”, cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, Thành phố, sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung sức của Nhân dân Củ Chi đã kiên cường đi qua những tháng ngày giông bão.

Chủ động, sáng tạo trong cuộc chiến chưa có tiền lệ
Cuối tháng 5/2021, 02 ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại xã Bình Mỹ. Từ đây, cuộc chiến với CoViD-19 bắt đầu trên vùng Đất Thép!
Trước kẻ thù vô hình, Đảng bộ, chính quyền huyện đã thể hiện rõ quyết tâm phòng, chống và đánh thắng CoViD-19. Quyết tâm này được thể hiện xuyên suốt, với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc và tinh thần đoàn kết tuyệt vời của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện.
Mỗi ngày, cuối giờ chiều, phòng họp của UBND huyện và Huyện ủy luôn sáng đèn. Các cuộc họp trực tuyến với TP và 21 pháo đài xã, thị trấn diễn ra liên tục nhằm nắm chắc tình hình và triển khai nhanh các chỉ đạo mới sát với tình hình dịch bệnh.
Chỉ trong vòng 5 tháng, huyện ban hành và triển khai thực hiện 917 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh. Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch CoViD-19 huyện liên tục xuống địa bàn, nhất là các “điểm nóng” để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, động viên lực lượng cơ sở, đồng thời cùng thực hiện 3 tại chỗ để cùng toàn huyện chống dịch. Được sự phân công của Huyện ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy bám sát xã, thị trấn, ngày ngày chỉ đạo trực tiếp mọi mặt hoạt động phòng, chống dịch.
Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ với kẻ thù vô hình, mọi biện pháp phòng, chống dịch phải rất sáng tạo và sát với tình hình địa phương thì mới mang lại kết quả.  Và 07 chiến lược phòng, chống dịch bệnh CoViD-19 đã ra đời. Đó là:
Chiến lược về thông tin tuyên truyền;
Chiến lược về chốt chặn và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội;
Chiến lược về truy vết, xét nghiệm thần tốc;
Chiến lược về cách ly, chăm sóc điều trị F0 với phương châm không coi F0 là bệnh nhân và bằng mọi giá không để F0 chuyển nặng;
Chiến lược về tiêm vaccine nhanh và an toàn;
Chiến lược về đảm bảo tốt an sinh xã hội;
Chiến lược phòng, chống, kiểm soát dịch CoViD-19 kết hợp thực hiện nhiệm vụ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa cuộc sống Nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Cùng với đó, huyện thực hiện các chiến dịch mở rộng vùng xanh phòng, chống dịch CoViD-19 trên địa bàn huyện Củ Chi (từ ngày 15/8 đến ngày 25/8/2021), chiến dịch “10 ngày thần tốc” và “5 ngày truy quét, diệt gọn” (từ ngày 15/8 đến ngày 30/8)… Tất cả cho thấy sự sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực rất lớn để đẩy lùi dịch CoViD-19, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
 
Huy động tổng lực, nỗ lực vượt bậc
CoViD-19 với biển chủng Delta nhanh chóng lan rộng. Cả hệ thống chính trị và Nhân dân Củ Chi càng đoàn kết, quyết tâm chiến thắng.
Để truy vết, dập dịch, toàn huyện thực hiện Chiến dịch thần tốc lấy mẫu test nhanh tầm soát SARS-CoV-2 cho tất cả các hộ dân để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sát cánh cùng lực lượng của huyện luôn có các y, bác sĩ, sinh viên y khoa từ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cán bộ, chiến sĩ quân y Trường Quân sự Quân đoàn 4 hỗ trợ hết mình.
Xét nghiệm đến đâu, huyện truy vết đến đó, phong tỏa, chốt chặn các khu vực nguy cơ, giữ chặt các “vùng xanh” không để dịch xâm nhập trở lại. Thời gian cao điểm dịch bệnh cũng là khi huyện chưa hoàn thành việc bao phủ vaccine phòng CoViD-19 cho toàn dân, có 321 chốt phong tỏa khu vực có dịch, chốt kiểm soát phòng, chống dịch được thành lập, kiểm soát chặt người ra, vào các chốt; hình thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp, từ khu dân cư đến xã, huyện. Sau khi 100% người dân đã tiêm mũi 1 vaccine phòng CoViD-19, huyện từng bước nới lỏng các chốt kiểm soát để tạo thuận lợi cho cuộc sống của Nhân dân.
Trong làn sóng thứ 4 của dịch CoViD-19, 21 pháo đài xã, thị trấn đều chung một khí thế và quyết tâm cao độ. Từ bộ máy lãnh đạo đến các cán bộ, công chức, các ấp, khu phố và mỗi người dân đều nỗ lực rất lớn nhằm cắt đứt các chuỗi lây lan, kéo giảm vùng càng, cam, đỏ, bảo vệ chặt các vùng xanh và chăm lo tốt cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
Những ngày căng mình chống dịch, lực lượng công an, quân sự, chiến sĩ K02 Bộ Công an, bộ đội Sư đoàn bộ binh 9 kiên cường bám trụ tại các chốt kiểm soát, tuần tra trên các tuyến đường, hỗ trợ khu cách ly tập trung. Lực lượng y tế không quản ngại nguy hiểm, khó khăn nhanh chóng, sẵn sàng đến nơi có ca mắc CoViD-19 mới để kịp thời cấp cứu người bệnh khi có yêu cầu. Đồng hành trên tuyến đầu, lực lượng tình nguyện viên không quản ngại vất vả để hỗ trợ trực chốt, lo công tác hậu cần, phục vụ an sinh xã hội v.v…
Hưởng ứng lời kêu gọi từ những tâm thư của đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Thanh Phong, hơn 4.000 lượt tình nguyện viên đã xông pha cùng địa phương chống dịch và chăm lo an sinh xã hội. Dù không phải trong thời chiến, nhưng trước dịch bệnh, ý thức và tinh thần hợp tác người dân Củ Chi lên rất cao. Thực hiện giãn cách xã hội, Nhân dân Củ Chi tuân thủ nghiêm quy định không đi ra đường khi thật sự không cần thiết, sau 18 giờ trên các tuyến đường không có người dân đi lại tùy tiện. Nhiều, rất nhiều những tấm lòng người dân Củ Chi sáng ngời trong khó khăn của dịch bệnh, đó là góp tiền tiết kiệm để ủng hộ quỹ mua vaccine, hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đồng bào khó khăn, hỗ trợ thực phẩm, nước uống tại các chốt kiểm soát… Các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dù khó khăn, vất vả, vẫn dành tình cảm, ủng hộ kinh phí chăm lo cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, chăm lo sữa cho người già và trẻ em.
Ngay từ khi dịch chưa xuất hiện trên địa bàn, huyện đã chuẩn bị xây dựng các khu cách ly tập trung và khi có ca bệnh, các khu này nhanh chóng được đưa vào sử dụng để thực hiện chủ trương tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 là thời gian cao điểm của dịch bệnh với ca bệnh tăng cao mỗi ngày. Để tăng cường hiệu quả điều trị, huyện thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân CoViD-19 Củ Chi số 01. Đây là Bệnh viện “không đồng ngân sách” được thi công, lắp đặt với kinh phí 30 tỷ đồng, có đầy đủ thiết bị y tế hiện đại, với quy mô 200 giường bệnh. Toàn bộ kinh phí do các đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ, cùng các đồng chí lãnh Thành phố, huyện vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm và con em Củ Chi hỗ trợ. Bệnh viện được sửa chữa, cải tạo từ trường học chỉ trong vòng thời gian 2 tuần, thần tốc đưa vào hoạt động chữa bệnh cứu người.
Dù dịch bệnh căng thẳng, chiến dịch tiêm vaccine phòng CoViD-19 được huyện thực hiện nhanh và an toàn, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Thành phố đề ra. Công tác tiêm vaccine phòng CoViD-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tổ chức an toàn, đúng thời gian quy định.
 
Cùng Nhân dân vượt mất mát, khó khăn trong dịch bệnh CoViD-19
Cơn bão dịch bệnh CoViD-19 quét qua, nhiều mất mát, khó khăn ập đến. Không chỉ khó khăn về vật chất mà còn có mất mát về con người.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm rõ từng hoàn cảnh để có sự hỗ trợ hợp lý, hợp tình trong hoàn cảnh dịch bệnh với tổng kinh phí chi hỗ trợ 3 đợt gần 683 tỷ đồng.
Trung tâm an sinh huyện được thành lập và đã tiếp nhận những đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân với trị giá ước khoảng 126 tỷ đồng. Huyện vận động ước đạt 1,4 tỷ đồng chung tay ủng hộ sữa để chăm lo trẻ em và người già có hoàn cảnh khó khăn.  
Để hỗ trợ người dân nhanh chóng, chính xác hơn, huyện sáng tạo mô hình “Bản đồ an sinh xã hội”. Ngoài ra, các mô hình đi chợ thay, mô hình “Chuyến xe yêu thương”, “Gian hàng 0 đồng”, “Bếp ăn yêu thương”, ATM oxy…  hoạt động sôi nổi.
Nghĩa tình Củ Chi còn thể hiện rõ nét qua nghĩa cử với người mất vì CoViD-19 và việc chăm lo chu đáo cho thân nhân, gia đình họ.
 
Tự hào Củ Chi!
Sau thời gian quyết liệt chống dịch, ngày 31/8/2021, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với Quận 7 và huyện Cần Giờ, Củ Chi được Thành phố công nhận là một trong ba quận, huyện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh trở thành huyện “vùng xanh”. Và từ ngày 19/9, Củ Chi được Thành phố cho thí điểm thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Củ Chi sau nhiều tháng vất vả, hy sinh phòng, chống dịch CoViD-19.
Để tạo động lực phục hồi và phát triển trở lại, huyện phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Du lịch Thành phố tổ chức thành công 03 chuyến tham quan, du lịch xanh để tri ân, động viên lực lượng tuyến đầu của 312 pháo đài phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.  
 
Tiếp tục đổi mới và phát triển sau đại dịch COVID-19
Ngay sau nới lỏng giãn cách xã hội, huyện phát động 02 đợt thi đua 90 ngày và thi đua 54 ngày khôi phục kinh tế, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, năm 2021, huyện vẫn thu ngân sách đạt chỉ tiêu pháp lệnh được giao và tăng trên 21% so với năm 2020, vượt nghị quyết đề ra 7%. Huyện đạt 17/21 chỉ tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; là huyện dẫn đầu phong trào thi đua của cụm thi đua các huyện ngoại thành TP.
Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, dù trong giai đoạn phục hồi và vẫn còn những khó khăn nhất định, huyện vẫn thu xếp để số người được hỗ trợ nhiều hơn, với số kinh phí cao hơn năm trước. Tổng kinh phí chăm lo tết trên địa bàn huyện ước tính hơn 80 tỷ đồng.
Tiếp tục trên hành trình đổi mới và phát triển, huyện phối hợp Học viện Cán bộ Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện (diễn ra vào ngày 19/02/2022). Hội thảo định hướng phát triển huyện Củ Chi trở thành Thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là nhu cầu thiết yếu hiện nay nhằm khai thác và phát triển một cách hiệu quả lợi thế, tiềm năng ở vùng đất cửa ngõ Tây Bắc của Thành phố, giàu truyền thống cách mạng - Đất Thép thành đồng.
 
“Cơn bão” dịch bệnh chưa ngưng, chưa thể tổng kết thật sự đầy đủ toàn diện nhưng điều chắc chắn là những gì Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Củ Chi đã trải qua và thực hiện đạt được trong năm 2021, cũng như những kết quả đạt được của quý đầu của năm 2022 đã thể hiện rõ sự thống nhất cao từ chủ trương đến hành động, khơi dậy sức mạnh toàn dân. Đặc biệt niềm vui từ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi và cá nhân đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nhuận Đức và đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùngnhiều tập thể, cá nhân khác được đề xuất Trung ương, Thành phố và huyện khen thưởng trong công tác phòng, chống dịch CoViD-19.   
Với tinh thần “trong đấu tranh anh dũng, trong lao động anh hùng”, Củ Chi đang khát vọng và quyết tâm cất cánh, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xây dựng quê hương Củ Chi ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.
 
Thúy An

Số lượt người xem: 927    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm