LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
2
3
2
8
Tin tức 21 Tháng Giêng 2021 9:50:00 SA

Những bông hoa đẹp ngành giáo dục Củ Chi

Trong không khí ngày xuân đang rộn ràng, náo nức, mọi người đang chào đón một năm mới với nhiều niềm vui và hy vọng. Hy vọng về một thế hệ trẻ Củ Chi tiếp nối truyền thống, xây dựng những con người mới vừa hồng, vừa chuyên, hội nhập quốc tế. Để có được điều đó, không thể không nhắc đến đội ngũ nhà giáo tự học, tự rèn, tận tụy với nghề giáo để ươm mầm tương lai. Trong những ngày xuân, chúng tôi đã được gặp gỡ những người luôn nhiệt huyết, đam mê và nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

 

Người giáo viên tận tụy vì trẻ thơ

Là một giáo viên mầm non, mình phải yêu nghề, yêu trẻ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Đó là chia sẻ của cô Hoàng Thị Phương Anh (41 tuổi), Trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2. Cô là một giáo viên tiêu biểu của huyện với 13 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, 10 năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Tốt nghiệp ra trường năm 1997, cô đã có đến 23 năm gắn bó cùng con trẻ nơi đây với bao kỷ niệm. Ngay khi ra trường, cô về công tác tại Trường Mẫu giáo Bông Sen 3B (nay là Trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2), lúc này cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học vẫn còn hạn chế, cùng với đó là những khó khăn và bỡ ngỡ khi vào nghề. Cô tâm sự: “Lúc mới vào nghề vô cùng khó khăn, vất vả, tôi mới 18 tuổi, không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, chưa biết cách dỗ các bé như thế nào. Có những lúc tưởng chừng mình bỏ cuộc vì chưa thích ứng được môi trường. Nhưng tôi suy nghĩ, nghề đã chọn mình thì mình phải làm được. Nhờ sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp và nỗ lực bản thân, nhìn các bé nhỏ, tôi đã lấy lại tự tin”. Sự nỗ lực của cô Phương Anh đã được đền đáp khi chỉ 02 năm sau đó, cô bắt đầu mạnh dạn đăng ký thi giáo viên dạy giỏi và đạt giáo viên dạy giỏi. Đây như là đòn bẩy để cô nỗ lực, tự tin vào bản thân có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên mầm non.

Xác định được vai trò, trách nhiệm của một giáo viên mầm non, cô luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học của mình, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cô không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhờ đó, các lớp do cô phụ trách đứng lớp luôn đạt kết quả tốt, các trẻ đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo. Với suy nghĩ, trẻ ở độ tuổi mầm non, tâm hồn còn non nớt, trong sáng như trang giấy trắng, giáo viên mầm non là người đầu tiên viết lên những trang giấy đó, cô luôn tìm ra những phương pháp đổi mới, áp dụng nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm truyền thụ kiến thức và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Cô chia sẻ: “Ngoài kiến thức về chuyên môn, điều quan trọng mà một giáo viên mầm non phải có là tình thương yêu, tính chịu khó, kiên trì, bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non rất hiếu động, tinh nghịch. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ, bản thân tôi phải luôn biết điều chỉnh cảm xúc, thực sự quan tâm các em và giữ hình ảnh một người giáo viên giàu lòng nhân ái”. Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, để tạo cảm giác gần gũi với các em, cô đã dựa vào sự hứng thú, kinh nghiệm của trẻ nhằm thiết kế giờ học, trò chơi phù hợp. Cùng với việc truyền tải những nội dung kiến thức cần đạt theo yêu cầu dành cho trẻ, cô cũng lồng ghép việc dạy kỹ năng sống cho học sinh của mình thông qua các hoạt động học và hoạt động vui chơi. Điều này còn được cô cụ thể hóa qua những sáng tạo trong việc làm đồ dùng dạy học. Bằng sự chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, cô đã đạt giải cao trong các hội thi đồ dùng dạy học tự làm hàng năm như: giải Nhất sản phẩm “Các con vật gần gũi”, giải Nhì sản phẩm “Bộ sưu tập từ đá cuội” và bộ sản phẩm “Một số đồ dùng dạy học giúp trẻ phát triển ngôn ngữ”, giải khuyến khích sản phẩm “Trò chơi vận động”. Cùng với đó, cô đã có nhiều sáng kiến hay trong giảng dạy như: phát triển thẩm mỹ cho trẻ 3 đến 4 tuổi, bắt đầu làm quen với chữ viết, biện pháp tạo mạnh dạn cho trẻ 5 - 6 tuổi trong giao tiếp….

Là giáo viên mầm non cho nên “Mình không chỉ dạy giỏi mà còn phải chăm sóc trẻ giỏi. Vào các giờ ăn, tôi thường động viên, khen ngợi, giúp trẻ tự ăn và ăn hết suất ăn của mình” - cô Phương Anh tâm sự. Qua đó, tỷ lệ trẻ đạt Bé khỏe ngoan lớp do cô phụ trách từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020 đều đạt 100%. Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, đổi mới các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp. Theo cô Phương Anh, để đạt được hiệu quả, bản thân người giáo viên khi làm việc gì cũng phải có kế hoạch cụ thể. Sau 01 tuần phải xem lại trong tuần mình đã làm được công việc gì và dự kiến cho kế hoạch tuần sau. Đặc biệt, sau khi áp dụng các phương pháp mới thì cần đúc kết lại để phát huy mặt được và khắc phục mặt chưa được. Nhưng điều quan trọng nhất đó là phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ thật sự thì mới làm được”.

Xuất phát từ lòng yêu thương con trẻ, cô Phương Anh luôn được đồng nghiệp và phụ huynh học sinh tin tưởng, quý mến. Nói về cô Phương Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường Trương Thị Cúc cho biết: “Cô Phương Anh là một giáo viên viên mà Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp rất tin tưởng, phụ huynh yêu mến. Cô đã cho thấy sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, tận tình trong giảng dạy và chăm sóc trẻ. Những thành tích của nhà trường hôm nay là nhờ đóng góp quan trọng của những giáo viên tận tụy như cô Phương Anh”.

Với sự tận tụy cùng những sáng kiến kinh nghiệm đã giúp cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Thành phố 4 lần, 13 năm liền Chiến sĩ thi đua cơ sở, 10 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Cô Phương Anh inh dự được tuyên dương “Trái tim người thầy” do Công đoàn Giáo dục Thành phố tổ chức năm 2019.

Người cán bộ quản lý tận tâm!

Trong những năm qua, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của Trường THCS Nhuận Đức không ngừng phát triển, trong sự phát triển đó cùng sự đồng lòng của  tập thể nhà trường, sự nỗ lực không ngừng của các em học sinh thì không thể không nhắc đến vai trò của người Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Hồ Văn Nghĩa. Với 31 năm công tác, giảng dạy, trong đó có đến 13 năm làm công tác quản lý của nhiều ngôi trường THCS khác nhau trên địa bàn huyện; thầy luôn tâm huyết, nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”. Thầy bộc bạch: “Là một trong những trường thuộc vùng xa của huyện, đa phần học sinh của trường là con của gia đình làm nghề nông hoặc công nhân điều kiện khó khăn, nên phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm lo cho các em. Vì vậy, trong công tác quản lý, tôi luôn suy nghĩ và đặt cho mình câu hỏi “Làm thế nào để nâng chất lượng giáo dục của nhà trường?”.

Bằng những kinh nghiệm và sự tâm huyết, với vai trò người đứng đầu đơn vị, thầy sắp xếp các tổ chuyên môn một cách hợp lý; phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với chuyên môn và khả năng của từng cán bộ, giáo viên. Hoạt động của các bộ phận trong nhà trường có kế hoạch cụ thể, phù hợp trong từng thời điểm. Thầy chỉ đạo toàn trường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy.

Thầy Hồ Văn Nghĩa cho biết: “Nhận thấy trước đây hoạt động khen thưởng chưa kịp thời để tạo khí thế thi đua trong giáo viên, học sinh. Nhà trường đã tổ chức nhiều đợt thi đua, khen thưởng trong năm. Đồng thời gắn các hoạt động thi đua với các ngày lễ lớn và tổ chức khen thưởng đột xuất vào các buổi sinh hoạt tập thể hàng tuần. Qua đó, giúp các em học sinh khá, giỏi phấn đấu thi đua đạt từng điểm số”. Sau mỗi đợt thi đua, học sinh được đăng tên và hình cá nhân trên bảng danh dự của nhà trường; được nhận bảng danh dự. Cha mẹ các em cũng được mời dự lễ phát thưởng. Qua đó tạo niềm vinh dự, tự hào với cha mẹ và niềm động viên lớn cho bản thân các em tiếp tục phấn đấu những đợt thi đua tiếp theo.

Đặc biệt, đối với các em học sinh trung bình, yếu, kém cũng có cơ hội xét chọn nhận giấy khen, nhận phần thưởng của nhà trường trao tặng khi các em có tiến bộ rõ rệt. Từ đó các em học sinh yếu, kém có cơ hội để khẳng định mình, đây là đòn bẩy tinh thần cho các em học sinh yếu, kém phấn đấu. Sau mỗi đợt thi đua, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và các em học sinh xác định kịp thời những hạn chế, yếu kém để kịp thời điều chỉnh nhằm nâng chất lượng dạy và học. Trường tổ chức phụ đạo vào những ngày thứ Bảy hàng tuần giúp học sinh củng cố kiến thức. “Thầy Hồ Văn Nghĩa đã xây dựng được tập thể đoàn kết thật sự trong cán bộ, giáo viên chúng tôi. Với cách lãnh chỉ đạo của thầy đã tạo động lực cho giáo viên, học sinh cùng thi đua dạy tốt, học tốt. Chúng tôi sẽ quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường hơn nữa”, thầy Võ Văn Phụng, giáo viên Trường THCS Nhuận Đức chia sẻ!

Bằng sự tìm tòi hướng đi mới, sáng tạo trong lãnh chỉ đạo của mình, cùng sự đoàn kết của tập thể, thầy Hồ Văn Nghĩa đã góp phần xây dựng chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2019; hiệu suất đào tạo đạt 95%, duy trì tốt nghiệp THCS đạt 100% cùng nhiều thành tích trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Trên đây là hai trong nhiều tấm gương cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu của huyện Củ Chi đang ngày đêm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Dẫu vẫn còn không ít những khó khăn, vất vả; song, đội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình, đóng góp quan trọng cho việc tạo nên những thế hệ tương lai có đầy đủ kiến thức, nhân cách làm người. Sự góp sức của các thầy, cô giáo sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để giáo dục Củ Chi từng bước hội nhập; xứng đáng với sự tin yêu, niềm hy vọng vào thế hệ trẻ của quê hương Đất Thép thành đồng.

Thu Hà

 


Số lượt người xem: 1115    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm