LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
3
0
8
2
Tin tức 02 Tháng Giêng 2020 9:55:00 SA

CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TỪNG BƯỚC ĐI VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

Sau 10 năm thực hiện Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn huyện Củ Chi đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hàng Việt phát triển, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
NÂNG CAO NHẬN THỨC NGƯỜI TIÊU DÙNG
Nhận thức rõ ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo cơ quan Thường trực, bộ phận chuyên môn, các ngành liên quan xây dựng triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động này trong cả hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện; thường xuyên củng cố, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của mỗi đồng chí, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo. 21 xã, thị trấn của huyện thành lập Ban vận động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ban chỉ đạo của huyện và Ban vận động các xã, thị trấn xây dựng Quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên. Huyện tập trung quán triệt cho toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động, nắm rõ mục đích yêu cầu của cuộc vận động để có nhận thức đúng và hành động đúng, đồng thời làm nòng cốt, gương mẫu trong thực hiện, thể hiện qua việc mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu công tác của đơn vị, vật dụng sinh hoạt của gia đình và cá nhân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị đã đưa nội dung cuộc vận động thành một trong những nội dung trọng tâm để tuyên truyền tại đơn vị mình. Đặc biệt công tác tuyên truyền chú trọng cả hai phía là người dân và các doanh nghiệp; đối với người dân thì vận động khi đi mua sắm ưu tiên dùng hàng Việt Nam, còn doanh nghiệp thì vận động nên chú trọng vào chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý nhằm tạo sự hài hòa giữa người sản xuất và tiêu dùng. 10 năm qua, từ huyện đến xã, thị trấn; ấp – khu phố đã tổ chức 5.371 cuộc vận động nhân dân hưởng ứng tích cực cuộc vận động này với hơn 462.050 lượt người tham dự. Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức 06 cuộc thi tiểu phẩm tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 03 buổi hội diễn văn nghệ với đề tài “Người Việt chuộng hàng Việt”; tổ chức Hội thi ảnh “Tôi yêu hàng Việt Nam” cấp huyện có 98 tập thể, cá nhân dự thi, với 490 ảnh…. Qua công tác tuyên truyền, tâm lý dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn huyện đã có những bước chuyển biến tích cực. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối. Người dân trên địa bàn huyện đã có những thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Nếu như trước kia trong tiêu dùng chị Phạm Thị Hương, ngụ Khu phố 6, Thị trấn Củ Chi thường mua sắm hàng ngoại nhập thì nay chị đã dần thay đổi thói quen này. Chị chia sẻ: “Trước đây trong gia đình tôi có tâm lý thích đồ ngoại bởi vì tôi nghĩ là chất lượng tốt. Nhưng từ khi có những thông điệp của Tổ Hội phụ nữ cũng như tìm hiểu trên báo, đài khuyến khích sử dụng hàng Việt thì tôi bắt đầu tìm hiểu chất lượng hàng Việt. Sau khi tìm hiểu tôi thấy hàng Việt chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp với kinh tế gia đình nên tôi đã dùng hàng Việt từ đó cho đến nay”.
XÂY DỰNG VĂN HÓA KINH DOANH, CUNG CẤP NGUỒN HÀNG DỒI DÀO CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG
Trước đây, tâm lý của người tiêu dùng khi đi mua sắm là e ngại về giá thật và ảo nên thường mặc cả, trả giá, đôi khi dẫn đến tình trạng không thuận mua vừa bán giữa người kinh doanh và người tiêu dùng. Do vậy, cùng với tuyên truyền thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, việc xây dựng văn hóa kinh doanh cũng được huyện quan tâm thực hiện. Huyện tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương của các cửa hàng, các chợ truyền thống. Vận động các tiểu thương kinh doanh hàng hóa phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, ưu tiên bán hàng hóa Việt chất lượng cao. Trong xây dựng các chợ truyền thống trở thành chợ văn minh, an toàn, hiện đại, huyện chú trọng xây dựng các tiêu chí tiểu thương kinh doanh văn minh, lịch sự khi giao tiếp với khách hàng, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng… và từng bước đã tạo được niềm tin của khách hàng khi mua sắm tại các chợ. Là chợ truyền thống của huyện, trong thời gian qua, Ban Quản lý chợ Củ Chi tập trung thực hiện kế hoạch xây dựng chợ văn minh hiện đại của huyện gắn liền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Ban quản lý chợ Củ Chi cho biết: “Qua thời gian thực hiện nhận thức của tiểu thương có sự chuyển biến rõ rệt, thái độ ứng xử cũng thay đổi vui vẻ hơn và hạn chế tình trạng nói thách giá hàng hóa”. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, huyện đã có nhiều giải pháp, cách làm hay nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng mà trước khi có cuộc vận động chưa được quan tâm chú trọng. Có thể nói, một trong những cách làm để đưa cuộc vận động đi vào cuộc sống có hiệu quả trong 10 năm qua chính là chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Với hoạt động chính là phân phối hàng tiêu dùng, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Củ Chi luôn xây dựng chiến lược phân phối tập trung vào hàng Việt Nam có chất lượng, giá cả hợp lý. Hợp tác xã đã hợp tác với Saigon Co.op thành lập kho trung chuyển hàng hóa để phục vụ bà con cũng như 21 cửa hàng Co.op smile trên địa bàn huyện. Được thành lập từ năm 2010, Siêu thị Co.opmart Củ Chi là một địa điểm phân phối hàng Việt đáng tin cậy. Tại đây, cơ cấu hàng hóa Việt bày bán ngày một tăng lên đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn các mặt hàng Việt. Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Củ Chi cho biết: “Trước khi thực hiện cuộc vận động này, danh mục hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam chỉ chiếm 70% trong danh mục kinh doanh của hệ thống Sài Gòn Co.op. Nhưng sau khi thực hiện cuộc vận động này đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90% trong danh mục bán hàng. Song song phân phối hàng Việt, Sài Gòn Co.op cũng đã tổ chức phát triển hàng hóa mang thương hiệu Co.op với đa dạng về chủng loại phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Tỷ trọng nhóm hàng này chiếm 5 đến 7% so với danh mục hàng hóa đang kinh doanh và mức độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10 đến 15%. Phát triển hàng Việt hơn nữa, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các cửa hàng tiện ích. Hiện nay, toàn huyện có 58 cửa hàng tiện ích. Các cửa hàng tiện ích góp phần cung cấp sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ với giá cả hợp lý. Nhằm ổn định hàng hóa và giá cả, huyện cũng phát triển điểm bán hàng bình ổn. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện hiện có 402 điểm bán hàng bình ổn gồm 69 điểm bán hàng bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 07 điểm bán hàng bình ổn mùa khai trường; 05 điểm bán bình ổn các mặt hàng sữa. Đặc biệt, có 321/352 cơ sở y tế tham gia bán nhóm thuốc chữa bệnh bình ổn giá..... Các cửa hàng tiện ích, điểm bán bình ổn đã phát triển và phủ kín khắp trên địa bàn huyện một lần nữa khẳng định sự nỗ lực vươn lên khẳng định uy tín chất lượng đối với người tiêu dùng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Có thể nói, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp chưa quan tâm chủ động đúng mức đến công tác nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa, mà chủ yếu tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu nên đã để ngỏ thị trường trong nước tạo cho sản phẩm ngoại thâm nhập cũng như chi phối thị trường nội địa. Cùng với đó tâm lý sính dùng hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã dẫn đến sản phẩm của nhiều doanh nghiệp trong nước thua ngay trên sân nhà. Một lần nữa, các phiên chợ hàng Việt đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm đã có thương hiệu, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. 10 năm qua, huyện đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức 15 phiên chợ trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 50 -70 doanh nghiệp tham gia thuộc các ngành hàng: điện tử, hàng dệt may, giày dép, trang sức, hóa mỹ phẩm, thực phẩm,... Mỗi phiên chợ thu hút khoảng hơn 5.000 lượt khách tham quan và mua sắm với doanh thu từ 300-500 triệu đồng/phiên. Nhằm duy trì công tác bán hàng lưu động phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện, huyện phối hợp Sở Công thương Thành phố và các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn của thành phố tổ chức các đợt bán hàng lưu động phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện. Trong 10 năm, huyện phối hợp Tổng Công ty thương mại Sài Gòn, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố tổ chức 1.331 đợt bán hàng lưu động tại 21 xã - thị trấn trên địa bàn huyện. Các đợt bán hàng lưu động cung cấp nhóm hàng thiết yếu với giá cả bình ổn, có khuyến mãi đến công nhân và người lao động nghèo của huyện đã góp phần bình ổn thị trường, ổn định đời sống công nhân và lao động nghèo. Người tiêu dùng có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, tư vấn, tìm hiểu, lựa chọn mua sắm hàng Việt nhiều hơn so với trước khi có cuộc vận động. Bình quân mỗi đợt bán hàng cung cấp khoảng từ 80 đến 100 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, doanh thu bình quân mỗi đợt khoảng 10 – 20 triệu đồng. Cùng với đó, là một huyện nông nghiệp, huyện Củ Chi có nhiều sản phẩm nông nghiệp phục vụ người tiêu dùng. Trong thời gian qua, thực hiện cuộc vận động này và để tăng thu nhập cho gia đình, hộ nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp như đầu tư máy móc trang thiết bị sản xuất, nuôi trồng theo quy trình sản xuất tốt. Hiện nay các sản phẩm địa phương như bánh tráng, hoa lan, cây kiểng, bò sữa, sữa bò, cá kiểng... được người tiêu dùng trong và ngoài huyện đánh giá cao, có khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong thời gian qua còn nhiều rào cản khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp. Huyện tổ chức lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua đó, huyện đã nắm bắt được tình hình hoạt động cũng như nhu cầu cần hỗ trợ của các đơn vị và đã có những giải quyết kịp thời giúp các đơn vị an tâm sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt bằng, thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân huyện còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giai đoạn 2009-2019, huyện phối hợp các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện tổ chức 06 lễ ký kết hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp theo chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp của Thành phố, cho vay 2.571,2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho 177 cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Với đặc thù là huyện nông nghiệp nên trong các đợt ký kết, các ngân hàng cũng chú trọng hỗ trợ vốn cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Đây là điểm sáng, nổi bật để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào thực tiễn cuộc sống.
TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH LÀNH MẠNH, AN TOÀN
Song song đó, các ngành và địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã kiểm tra 5.390 vụ thuộc các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Vệ sinh an toàn thực phẩm, lĩnh vực giá, văn hóa xã hội, Thuốc Thú y, Kiểm lâm, Phòng cháy chữa cháy, Tài nguyên-Môi trường, phế liệu, Hội chợ, Khoa học – công nghệ, khí dầu mỏ hóa lỏng, bán hàng đa cấp, vận động chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, pháo và đồ chơi trẻ em…. Công tác kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Kết quả kiểm tra 4.737 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 353 lượt cơ sở. Kiểm tra 3.667 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, qua đó phát hiện vi phạm và xử lý 168 cơ sở vi phạm. Ban quản lý chợ truyền thống thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá, vận động tiểu thương trưng bày và bán hàng Việt Nam của các cơ sở có uy tín và sản phẩm đạt chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa được bày bán tại các sạp để tránh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc nhất là trong dịp lễ, tết. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại chợ. Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho thấy cuộc vận động đã có sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn huyện Củ Chi một lần nữa tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc được phát huy. Cuộc vận động này đã, đang và sẽ là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam trong lòng người tiêu dùng.
YÊN NHUNG

 


Số lượt người xem: 1282    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm