LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
2
6
4
8
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 20 Tháng Tư 2012 3:35:00 CH

TRUNG LẬP HẠ PHÁT HUY MẠNH MẼ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HÔM NAY

Xã Trung Lập Hạ là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Trung Lập Hạ đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Trung Lập Hạ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Truyền thống cách mạng hào hùng của đảng bộ và nhân dân trong xã đã được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới hôm nay. 5 năm liền (2005 – 2011). Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh nhiều. Năm 2011, Trung Lập Hạ dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.

 

NHỚ VÀ TỰ HÀO…

Cuộc chiến tranh nào cũng đầy ác liệt và đau thương, đánh đổi biết bao sự mất mát và hy sinh về người và của của dân tộc Việt Nam. Trên đất Củ Chi nói chung, Trung Lập Hạ nói riêng, trong những tháng năm dài thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giày xéo trên mảnh đất này, đất và người Trung Lập Hạ cũng đã phải trải qua bao gian khổ, hy sinh mất mát về người và của cải vật chất. Chiến tranh kết thúc, Trung Lập Hạ đã có 544 người con hy sinh anh dũng, 82 người bị thương tật; có 32 bà mẹ được nhà nước trao tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau ngày giải phóng, ngày 6/11/1978, Trung Lập Hạ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Trung lập Hạ được tặng thưởng, truy tặng 652 huy chương các loại. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân quân xã đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt mỹ.

BỨC TRANH TRUNG LẬP HẠ HÔM NAY

Trở lại Trung Lập Hạ những ngày đầu tháng tư lịch sử, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay trên vùng đất một thời còn bao gian khó bởi bom đạn ác liệt của chiến tranh. Sau 37 năm giải phóng, xã Trung Lập Hạ  anh hùng giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới được dệt nên bởi bàn tay của những con người cần cù, chịu thương chịu khó nơi đây. Dưới đồng ruộng, lúa trĩu bông. Trên các chân đất màu là màu xanh của bắp, rau các loại, là sắc màu của những vườn lan mokara cắt cành hứa hẹn nhiều tiềm năng. Dọc theo các tuyến đường bê tông dẫn vào các khu dân cư, nắng vàng chói chang trên những ngôi nhà tường xây khang trang, đẹp đẽ. Xe cộ tấp nập, điện sáng đến tận từng nhà dân. 90% số hộ đã có nhà xây kiên cố, 100% số hộ có tivi, xe máy, nhiều hộ đã sắm được ô tô. Trụ sở UBND xã cũng được xây dựng khang trang trên khu đất cao ráo, bề thế. Bí thư Đảng ủy xã – Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Thế mạnh của vùng quê Trung Lập Hạ là người dân giàu kinh nghiệm làm nông, cần cù, sáng tạo. Những năm qua nhân dân tập trung trồng các loại cây có đầu ra tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế cao như rau ăn lá, ăn quả an toàn, lúa năng suất cao, bắp lai, trồng măng tây, hoa lan,…kết hợp với phát triển chăn nuôi như con bò sữa, heo, cá kiểng,…. Nhờ đó bà con đã có điều  kiện vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no”. Trung Lập Hạ được chọn là 1 trong năm xã điểm của Huyện trong việc chuyển đổi từ năm 2006. Nhờ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế từ huyện, thành phố như: chương trình khuyến nông, hỗ trợ vốn dài hạn cho nông dân cơ giới hóa đồng ruộng trong khâu làm đất, thu họach, vận chuyển; sử dụng nguồn quỹ quốc gia phát triển kinh tế địa phương nên việc chuyển dịch kinh tế giữa trồng trọt và chăn nuôi có nhiều tiến bộ. Từ việc người dân quen với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu thì nay chuyển sang các lọai cây, con có giá trị kinh tế cao hơn, tập trung thành từng vùng sản xuất, thành lập 11 tổ hợp tác để hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, tòan xã đã chuyển đổi 530/788 ha đất lúa năng xuất thấp sang trồng, nuôi các loại cây, con khác, đạt gần 58%. Điển hình : cây lúa năng suất cao cho năng suất đạt từ 4,5 – 5 tấn/ha so với trước đây chỉ đạt từ 1,5 – 2 tấn/ha. Cây bắp lai đạt 7 tấn/ha, lãi bình quân 10-15 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình cây rau ăn lá cho thu nhập bình quân 295 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi bò sữa khép kín, trồng lan mokara cắt cành đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Nhiều gia đình nông dân từ nghèo chuyển lên thành khá giả. Xuất hiện nhiều mô hình, nhiều gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Như hộ nông dân Việt Minh Dũng ấp Xóm Mới với mô hình nuôi cá kiểng. Hiện nay, với diện tích nuôi cá 2.500 m2, mỗi đợt cách nhau 3 tháng, ông cho xuất đến 100 ngàn con. Thu nhập hàng năm gần trên 100 triệu đồng. Mô hình nuôi cá kiểng của ông còn được trạm khuyến nông Huyện làm nơi tham quan trao đổi học tập kinh nghiệm. Hộ nông dân Dương Hồng Sơn, ông Nguyễn Văn Mẫn ấp Xóm Mới với mô hình trồng lan Mokara cắt cành. Hiện nay, trong vườn lan của hai ông có đến hơn 7000 gốc, giá mỗi cành từ 5 đến 10 ngàn đồng. Thu nhập mỗi năm từ khoảng 200 triệu đồng. Còn mô hình nuôi bò sữa của ông Nguyễn Thanh Tuyền, ấp Gia Bẹ. ban đầu từ 5 con, phát triển dần lên đến 18 con bò sữa và tự trồng cỏ cho bò ăn. Hàng tháng lãi từ con bò sữa, ông có từ 12 triệu đồng/tháng. Hiện nay mức thu nhập bình quân trên đầu người của người dân Trung Lập Hạ là trên 14 triệu đồng/năm. Hiện xã còn 600  hộ gia đình có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, chiếm tỉ lệ 16% so với năm 2007 tỉ lệ hộ nghèo là 32%. Đánh dấu sự đi lên trong lao động xây dựng, Trung Lập Hạ tiếp tục có những họach định phù hợp trong phát triển kinh tế và mang theo những kỳ vọng mới. Ngoài giữ vững giá trị sản xuất nông nghiệp, Trung Lập Hạ còn chú trọng thu hút công nghiệp ở vùng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới. Xã thu hút công ty may Sài Gòn 2 trú đóng trên địa bàn. Xã còn là khu giáp ranh với khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Đây là lợi thế cho xã trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn xã.

Các chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng khởi động từ năm 1997 làm bộ mặt nông thôn của xã sạch đẹp hơn. Xã vận dụng một cách hiệu quả phương châm”Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ năm 2005 đến nay, nhân dân hiến 68.500m2 đất và hoa màu, trị giá trên 7,8 tỷ đồng. Hệ thống đèn chiếu sáng dân lập có 357 bộ bóng đèn được gắn trên 34 tuyến đường, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Và với trên 7 tỷ đồng cho 2 công trình xây mới trụ sở UBND và trạm y tế xã đã đưa vào sử dụng. Là vùng đất nông nghiệp nên xã tập trung đầu tư hệ thống kênh, thủy lợi. Tòan xã có hệ thống thủy lợi với 24 tuyến kênh hòan chỉnh, khép kín việc thủy lợi hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tuyến kênh tưới ở ấp cũng lần lượt được bê tông hóa. Đã có trên 6000m kênh nội đồng được làm bêtông với kinh phí 771 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Bắc Sinh - Chủ tịch UBND xã nói: “Được huyện chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, Trung Lập Hạ đã tranh thủ mọi nguồn đầu tư của cấp trên, đồng thời vận động nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, tạo bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp”. Trung Lập Hạ đổi thay vượt bậc trên các lĩnh vực, kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, đời sống người dân khởi sắc, xã không ngừng chú trọng đầu tư lĩnh vực xã hội; quyết tâm không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ bỏ học. Toàn xã có 3 trường cấp 1, 1 trường cấp 2, 1 trường mẫu giáo và 6 phân hiệu ở 6 ấp. Chất lượng giảng dạy của giáo viên được nâng cao. Công tác xóa mù chữ và phổ cập cấp 1,2,3 đều đạt chuẩn. Số trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 100%. Hiệu suất đào tạo tại bậc tiểu học, THCS không ngừng nâng lên mổi năm, đạt trên 92%. Điều này giúp con em nhân dân nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo ra nhiều lớp trẻ có tri thức phục vụ quá trình đổi mới của địa phương. Sự nghiệp y tế phát triển, trạm y tế được xây dựng khang trang. Về mạng lưới y tế, xã có 1 trạm y tế với đội ngũ bác sĩ, y sĩ, y tá và nữ hộ sinh cùng với 6 tổ chức y tế cộng đồng ở 6 ấp. Trạm có trang thiết bị khá tốt, thuốc men đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các chương trình y tế quốc gia, khám trị bệnh, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến. Sự nghiệp văn hoá thông tin không ngừng phát triển. Sáu ấp trong xã có văn phòng ấp, hệ thống truyền thanh, tủ sách pháp luật. Việc cưới, việc tang, lễ hội thực hiện theo nếp sống mới, 4 ấp được công nhận là ấp văn hóa nhiều năm liền; 2 ấp còn lại đạt danh hiệu ấp văn hóa năm 2011; hơn 92% hộ được công nhận là gia đình văn hoá. Việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện xuyên suốt. Mỗi năm trung bình xã đã vận động xây tặng 6 căn nhà tình thương, 4 căn nhà tình nghĩa hỗ trợ cho những gia đình còn nghèo, khó khăn về nhà ở. Đời sống vật chất tinh thần ngày càng đầy đủ, nâng cao. Cuộc sống của người dân Trung Lập Hạ  ấm no, hạnh phúc và văn minh hơn. Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa thì việc giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn xã luôn ổn định. Qua vận động tốt phong trào quần chúng, người dân ý thức hơn trong việc cùng địa phương giữ gìn an ninh trật tự. Qua mỗi năm, tình hình phạm pháp trên địa bàn xã giảm. Tỉ lệ phá án cũng chiếm tỉ lệ cao. Lực lượng công an, quân sự luôn phấn đấu tuần tra kiểm soát để tạo niềm tin nơi người dân, giúp mọi người an tâm trong cuộc sống tại địa phương.

Nhìn chung, để có được những thành tựu trên, nguyên nhân chủ yếu là xã biết phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi gợi được những tiềm năng vật chất lẫn tinh thần trong nhân dân. Đảng bộ xã đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng và kiên định… Hầu hết cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm trong lãnh đạo quần chúng. Nét nổi bật trong lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ và chính quyền xã là biết vận dụng Nghị quyết của Đảng vào hiện thực cuộc sống, mọi việc đều dựa vào sức dân là chính. Với những kết quả đạt được như thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.  Thành quả sau 37 năm xây dựng và phát triển cũng là nền tảng để Trung Lập Hạ tiếp tục phấn đấu và có được những kết quả to lớn hơn trong xây dựng nông thôn mới của  những năm tiếp theo, đưa vùng đất đã từng bị chiến tranh tàn phá thành vùng đất màu mỡ, phì nhiêu vươn mình trong sự đổi mới chung của huyện nhà.

KIỀU NGÂN


Số lượt người xem: 6670    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm