LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
4
7
0
4
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 23 Tháng Tư 2012 3:30:00 CH

HÁT VỀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Những mất mát do chiến tranh dễ gì xóa được. Rừng cây dù có bị tàn phá thì thời gian cũng xanh tốt trở lại, nhà tan cửa nát thì bàn tay con người có thể xây dựng lại, nhưng nỗi đau của những người mẹ thì làm sao có thể lành. Trong chiến tranh, các mẹ đã hy sinh những đứa con do mình đứt ruột đẻ ra cho Tổ quốc; đã giáo dục con cái vì nước quên mình, mang hết tài năng, trí tuệ và chính cuộc sống của mình cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Hơn ai hết, mẹ hiểu mất mát trong chiến tranh là không thể tránh khỏi, để đất nước được đứng lên thì những người con trai, con gái kiên trung của các mẹ phải ngã xuống. Khi đất nước giải phóng, dù trên môi mẹ vẫn nở nụ cười nhưng lại tuôn trào dòng nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc hay là nước mắt mất mát trong ngày đoàn tụ? Chiến tranh kết thúc, mẹ lại tiếp tục hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, nhưng mấy ai biết rằng, mẹ lặng lẽ chôn giấu nỗi đau riêng mình.

Những ngày tháng tư rực lửa, chúng tôi làm cuộc hành trình về thăm những bà mẹ Việt Nam anh hùng ở vùng quê đất thép. Thắp nén nhang tưởng nhớ vong linh các anh hùng liệt sĩ, các mẹ kể cho chúng tôi nghe về những người chồng, người con của mình đã mãi ra đi nằm yên dưới lòng đất mẹ vì quê hương đất nước.

Đến với xã luôn làm tốt công tác chính sách – Trung Lập Thượng, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Xong năm nay 87 tuổi ở ấp Sa Nhỏ, một trong bốn Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên tổng số 60 Mẹ Việt Nam anh hùng của xã.

Chồng mẹ hy sinh sau cơn bạo bệnh vào năm 1950, một mình mẹ phải tảo tần nuôi 4 người con khôn lớn trong thời li loạn. Năm 1962, người con đầu lòng của mẹ thoát li gia đình vào bộ đội rồi năm 1963, 1964 hai người con kế tiếp cũng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ở tuổi 87 nhưng giọng nói của mẹ vẫn còn trong trẻo và nhớ như in ngày tiễn các con lên đường nhập ngũ. Một mình gánh vác chuyện gia đình và làm công tác hậu phương cảnh giới, nuôi bộ đội. Mẹ cũng từng bị địch bắt đến ba - bốn lần. Chúng giam cầm, tra tấn, bắt mẹ phải khai địa điểm cách mạng nhưng mẹ thà hy sinh chứ không khai bất cứ gì. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, mẹ phải vĩnh biệt hai người con là Đặng Văn Lân (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4) và Đặng Văn Long (du kích). Nỗi đau chưa nguôi thì một năm sau, nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi mẹ nhận được tin báo người con thứ ba của mẹ cũng đã nằm sâu dưới lòng đất trong một trận càn của giặc.  

Kéo chiếc khăn lao vội những giọt nước mắt lăn dài trên những đường nét nhăn nheo, mẹ kể tiếp: “Ba người con hy sinh là nỗi đau thương mất mát to lớn nhất trong đời mẹ nhưng không vì vậy mẹ khuất phục. Lòng căm thù giặc đã biến thành hành động. Gạt nước mắt đau thương, mẹ tham gia công tác ở địa phương, đào hầm nuôi dấu bộ đội, tiếp lương tải đạn để bộ đội an tâm đánh giặc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước”. Thắp những nén nhang lên bàn thờ, mẹ nói: “Các con của mẹ đã vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất gần 50 năm rồi nhưng mỗi khi có dịp lễ tết được chính quyền đoàn thể đến thăm là mẹ tưởng chừng như các con của mẹ đang quay quần bên mẹ, mẹ thấy được an ủi phần nào để vui sống những ngày còn lại”.

Rời Trung Lập Thượng, chúng tôi ngược về vùng Bình Mỹ thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba ở ấp 4A. Mẹ có chồng, hai con trai cùng hy sinh năm Mậu Thân 1968. Cả ba đều được công nhận là liệt sĩ. Nhớ lại quá khứ đau thương, mẹ không cầm nước mắt: “Chồng và con đều nhập ngũ, chồng là chi ủy viên chi bộ xã, con là Lữ Văn Trổ là tiểu đội trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, con thứ 5 là Lữ Văn Hợp là tiểu đội phó dân quân Việt Nam. Cả ba cùng tham gia chiến đấu tại Bình Mỹ. Năm 1968 khi bị giặc thả bom khắp xóm, chồng và hai người con của mẹ đều hy sinh. Mãi mấy năm sau, mẹ mới hay tin là chồng và con đều mất trong trận càn quét đó”. Nén lại đau thương, với lòng căm thù giặc sâu sắc, mẹ tiếp tục nuôi giấu cán bộ cho đến khi hòa bình thống nhất.

Anh Lữ Thanh Bình - con trai út của mẹ cho biết: “Mẹ thương chị em tui lắm, mọi việc trong nhà một tay mẹ làm hết, chị em tui chỉ lo học cho giỏi là mẹ vui rồi. Tôi để ý không biết bao nhiêu lần giữa đêm khuya mẹ không ngủ được, mẹ trăn trở, khóc thầm. Nhiều hôm gió to, mẹ đốt đèn, thắp hương khấn ba và mấy anh phù hộ cho hai chị em tôi được khỏe mạnh và may mắn trên đường đời”.

Hiện tại, mẹ Nguyễn Thị Ba đang sống cùng vợ chồng người con trai út và 6 đứa cháu nội đầm ấm bên nhau. “Mẹ rạng người hạnh phúc khi thấy con cháu thành đạt và có công ăn việc làm ổn định. Nhưng món quà hạnh phúc nhất chính là mẹ luôn canh cánh bên lòng tìm thấy hài cốt của chồng và người con thứ 5 của mình. Được vậy thì dù có nhắm mắt mẹ cũng yên lòng” – mẹ nói trong nước mắt.

Chiến tranh kết thúc đã 37 năm, mà hôm nay đâu đó dưới những mái nhà hằng đêm vẫn hiện lên trong giấc mơ của mẹ niềm hạnh phúc tìm được chồng, được con của mẹ còn nằm nơi rừng sâu núi thẳm. Chúng con - thế hệ trẻ hôm nay xin gửi ngàn lời cảm ơn về sự hy sinh cao cả của các mẹ. Mẹ đã cho thế hệ trẻ hôm nay biết bao điều phải nghĩ, phải nhìn lại mình... phải học tập và rèn luyện, phải sống sao cho xứng đáng với công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Chúng con xin nguyện khắc sâu những câu chuyện kể về những người mẹ Việt Nam anh hùng, những người mẹ đã phải chịu nhiều đau thương mất mát nhất trong cuộc chiến để chúng con được sống trong hòa bình hôm nay. Chúng con xin được hát mãi về những bà mẹ Việt Nam anh hùng:

Hát mừng những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng.
Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời.
Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ
Là biết mấy chờ mong mỏi mòn từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại…
 

BÍCH NGÂN


Số lượt người xem: 7702    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm