LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
7
3
4
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 10 Tháng Hai 2012 8:55:00 SA

NGUYỆN GẮN BÓ, XOA DỊU NỖI ĐAU BỆNH TẬT CHO DÂN NGHÈO

Tham gia công tác tại trạm y tế xã đã hơn 10 năm, bác sĩ Trần Văn Nhỡ được đồng nghiệp nhận xét là một người rất nhiệt tình, luôn gương mẫu đi đầu trong công tác chuyên môn. Không những vậy, anh được bệnh nhân yêu mến, quý trọng bởi sự ân cần, chu đáo, hết lòng, hết sức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bác sĩ Trần Văn Nhỡ sinh năm 1968, ở xã An Nhơn Tây. Năm 1990, khi tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y II, anh về công tác tại một trạm y tế thuộc tỉnh Bình Dương (quê vợ). Làm việc được 3 năm thì gia đình anh trở về Củ Chi sinh sống. Đời sống của gia đình anh lúc bấy giờ cũng gặp không ít khó khăn. Cả hai vợ chồng đều là y sĩ nên anh quyết định mở hiệu thuốc, vừa để trang trải cuộc sống, vừa phụ giúp vợ chăm sóc hai con nhỏ. Năm 2001, khi đời sống gia đình đã ổn định hơn, hai con cũng đã đến tuổi đi học, anh xin làm lại tại trạm y tế xã An Nhơn Tây vì… “nhớ nghề”.

Không quản ngại khó khăn, luôn luôn phấn đấu học hỏi, rèn luyện tay nghề, nên chỉ sau vài năm anh đã trở thành một y sĩ giỏi. Tuy nhiên, khó khăn chung của các trạm y tế khi đó là không có bác sĩ, trang thiết bị y tế cũng không được trang bị đầy đủ, nên rất khó để đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Mặc khác, An Nhơn Tây là một xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, người dân ít có điều kiện được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vì vậy trạm y tế xã chính là nơi gần gũi, thuận tiện nhất để họ tìm đến khi ốm đau, bệnh tật. Thế nên, anh muốn học chuyên tu lên bác sĩ  để nâng cao chuyên môn, từ đó có thể góp phần chăm sóc tốt hơn cho người bệnh. Năm đầu tiên thi rớt, nhưng với quyết tâm cao anh đã thi đậu vào trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào năm 2006. Tốt nghiệp đại học sau 4 năm miệt mài học tập, anh tiếp tục tham gia công tác tại trạm y tế xã. Cũng có không ít người tác động: Nhiều năm công tác trong ngành, đã có bằng bác sĩ thì tại sao anh không xin vào làm tại các bệnh viện, nơi có môi trường làm việc tốt hơn, lương cao hơn? Nhưng anh không làm vậy, đơn giản chỉ vì “cái tình”. Cái tình thứ nhất là đối với Trung tâm y tế dự phòng, với đồng nghiệp, đã tạo mọi điều kiện để anh tham gia học tập và thành danh. Cái tình thứ hai là tình cảm đối với bà con nhân dân nơi này, nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi mãnh đất anh hùng nghèo khó. Anh nguyện gắn bó, đem hết công sức để cống hiến, xoa dịu nỗi đau bệnh tật cho những người dân nghèo quê mình. Đó cũng chính là cái tâm, cái đức của người thầy thuốc.

Anh chia sẽ: Tôi sinh ra và lớn lên ở Củ Chi, vì vậy tâm nguyện lớn nhất của tôi là sau khi học tập về sẽ phục vụ cho nhân dân của địa phương mình. Đã là bác sĩ, dù làm việc ở bệnh viện lớn hay ở trạm y tế xã thì cũng cùng một mục đích là khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hơn nữa, y tế cơ sở rất cần thiết đối với người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là đối với người nghèo. Vì vậy, với tôi việc khám, chữa bệnh cho người nghèo ở địa phương mình hay tư vấn kịp thời cho bệnh nhân hướng điều trị tốt nhất, chính là niềm vui của người làm nghề thầy thuốc.

Với tinh thần trách nhiệm cao, năng lực công tác tốt, năm 2011 anh được chuyển công tác về trạm y tế xã Phú Mỹ Hưng với nhiệm vụ mới là trưởng trạm. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, trạm khám và điều trị cho 25 bệnh nhân (trong đó chủ yếu là khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế) và thực hiện nhiều chương trình y tế quốc gia khác. Người ít, công việc lại nhiều, nên bác sĩ Nhỡ ngoài việc trực tiếp khám bệnh, còn phải phụ trách thêm các chương trình khác như: phòng chống HIV/AIDS, tâm thần, người cao tuổi… cũng như bố trí lịch làm việc sao cho nhịp nhàng, hợp lý và thuận lợi cho anh em thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ thế, anh còn tích cực tham gia công tác khám bệnh ngoại viện như: khám sức khỏe cho công nhân lao động, học sinh, khám nghĩa vụ quân sự.

Là một trạm trưởng trạm y tế xã, anh xác định phải luôn cố gắng học tập, trau dồi đạo đức, tác phong nghề nghiệp, đặc biệt là thực hiện tốt 12 điều y đức và lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Chính sự tin tưởng của cấp trên, vì sức khỏe của người dân là động lực thúc đẩy anh tiếp tục nâng cao y đức của người thầy thuốc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và nâng cao chất lượng khám chữa và điều trị bệnh ban đầu cho nhân dân. Vừa là thầy thuốc tận tuỵ, hết lòng vì nhân dân anh vừa là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, cùng vợ chăm sóc gia đình, nuôi dạy hai cậu con trai khôn lớn.

Nói về sự tận tụy trong công việc của bác sĩ Nhỡ, bác sĩ Tô Thị Tuyết Mai-Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện cho biết: Không chỉ là một bác sĩ có chuyên môn, Bác sĩ Nhỡ còn là một người rất nhiệt tình trong công tác và luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp lúc khó khăn. Điều đáng quý nhất ở bác sĩ nhỡ chính là việc tự nguyện ở lại trạm y tế của xã Phú Mỹ Hưng, một xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của huyện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.

Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Người thầy thuốc giỏi, cứu người đã được mọi người quý trọng nhưng đối với những người như bác sĩ Nhỡ tình nguyện gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng đặc biệt khó khăn lại càng đáng được quý trọng hơn. Bác sĩ Trần Văn Nhỡ cùng với đồng nghiệp của mình đã vượt nhiều khó khăn để cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo. Họ thật sự là những lương y, người mẹ hiền của bệnh nhân.

ĐẶNG THẢO

 

 


Số lượt người xem: 4775    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm