LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
5
5
8
7
TIN TỨC SỰ KIỆN 21 Tháng Giêng 2012 2:35:00 CH

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU CHO NHÂN DÂN

Trong những năm trở lại đây, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện Củ Chi đã có nhiều thay đổi. Người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế, sức khoẻ nhân dân được cải thiện đáng kể. Có được những kết quả đó là nhờ Củ Chi đã làm tốt công tác xã hội hoá y tế, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, trong đó có Đề án xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010 theo Quyết định 370/2002/QĐ-BYT của Bộ y tế.

Chuẩn quốc gia về y tế xã được xây dựng dựa trên các mục tiêu của chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010 đã được Chính phủ phê duyệt phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cho y tế xã. Theo Quyết định 370 của Bộ Y tế, đạt “Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010” phải đạt 10 tiêu chí (10 chuẩn), gồm: xã hội hóa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; vệ sinh phòng bệnh; khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; nhân lực, chế độ chính sách; kế hoạch, tài chính cho trạm y tế xã; thuốc thiết yếu và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý... Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, cùng với sự quan tâm đầu tư về nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã - thị trấn và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành Y tế huyện đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về triển khai, thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã; tham mưu với UBND thành phố ban hành kế hoạch về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, thành lập các đoàn kiểm tra, thẩm định công nhận chuẩn. Đến năm 2011, toàn huyện có 21/21 xã-thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Từ khi triển khai thực hiện đề án chuẩn quốc gia về y tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cũng như trình độ của cán bộ y tế tại các trạm từng bước được nâng cao, thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe cho bà con tại cơ sở. Đến nay đã xây mới hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở 20 trạm y tế theo chuẩn quốc gia, riêng trạm y tế Tân Thông Hội đang tiến hành thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tất cả các trạm y tế đều được trang bị máy vi tính, kết nối Internet và các máy móc hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh như: máy điện châm, máy phun khí dung, máy thử đường huyết đơn giản, kính hiển vi, nồi hấp tiệt trùng, máy nghe tim thai, máy phun thuốc diệt muỗi… Ngoài ra, một số trạm y tế cũng được trang bị máy siêu âm và máy xét nghiệm đơn giản. Tổng số cán bộ trạm y tế là 155 người, 80% trạm y tế đảm bảo các chức danh về bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng trung học, cán bộ y học cổ truyền, dược tá. 100% xã - thị trấn đều có nhân viên y tế ấp - khu phố.

Điển hình như trạm y tế xã Phạm Văn Cội là một trong những trạm y tế nhiều năm liền được công nhận đạt chuẩn quốc gia (từ năm 2006 đến 2011), có nhiều đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã. Theo bác sĩ Lê Thị Cúc-Trưởng trạm y tế xã: Từ khi xây dựng trạm y tế đạt chuẩn, số lượng người dân địa phương đến khám và điều trị các bệnh thông thường tăng lên rõ rệt. Tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh trong năm 2011 là gần 8.600 lượt người, trung bình mỗi ngày trạm khám chữa bệnh cho từ 20 đến 30 bệnh nhân. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, điểm nổi bật của trạm y tế xã Phạm Văn Cội là thực hiện tốt các chương trình phòng chống bệnh không lây. Từ năm 2010 xã Phạm Văn Cội  được chọn là xã điểm phòng chống tăng huyết áp và năm 2011 được chọn làm xã điểm xây dựng cộng đồng dân cư không thuốc lá. Trạm đã tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tác hại của thuốc lá, hướng dẫn bệnh nhân thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được trạm rất chú trọng. Cán bộ y tế của trạm và cộng tác viên y tế ở các ấp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe. Trạm thường xuyên thực hiện công tác này bằng nhiều hình thức phong phú như: truyền thông nhóm tại cộng đồng, phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, cấp phát tờ rơi, tờ bướm, áp phích,… do vậy, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe được nâng lên. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt chương trình hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ có con nhỏ mà tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể từ 3,6% năm 2005 giảm còn 0,8 % năm 2011. Tất cả những nỗ lực của tập thể cán bộ y tế trạm đều nhằm mục đích duy trì và phát huy hiệu quả trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đâu cho nhân dân địa phương.

Có thể nói, chính nhờ có trạm y tế đạt chuẩn, nhiều bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các chị em phụ nữ có điều kiện thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bệnh truyền nhiễm, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Điển hình như: Trạm y tế xã Phước Thạnh được công nhận đạt chuẩn từ năm 2007, với 8 biên chế, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y tá trung học, 1 y sĩ, 1 dược tá, 3 nữ hộ sinh trung cấp (trong đó có cán bộ đông y), 1 nữ hộ sinh sơ cấp. Về cơ sở vật chất, trạm vừa được xây mới, đưa vào hoạt động từ tháng 4/2010 và được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trạm y tế Phước Thạnh là 1 trong số 3/21 trạm được trang bị máy siêu âm tổng quát và siêu âm sản có bác sĩ đã được học chuyên khoa về siêu âm. Chị Mai Thị Thu Trang ở ấp Chợ mang thai tháng thứ 8 cho biết: Đây lần đầu tiên mang thai nên chị rất lo lắng vì chưa có hiểu biết về cách chăm sóc thai nhi. Nhưng từ khi đến khám thai định kỳ tại trạm chị được cán bộ y tế nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn nhiều kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, theo dõi thai nhi... thiết bị máy móc được trang bị khá tốt nên chị và nhiều bà con cũng cảm thấy an tâm hơn khi đến khám và điều trị tại tuyến xã. Không chỉ hoạt động tốt về mặt tây y, mà trạm còn phát huy tối đa hoạt động y học cổ truyền. Trạm đã xây dựng được vườn thuốc nam với trên loại 60 cây thuốc, có cán bộ chuyên trách y học cổ truyền khám, điều trị, bắt mạch kê toa, nhất là những căn bệnh mãn tính, nhức mỏi, đau thần kinh tọa... Các chương trình phòng chống lao, phòng chống các rối loạn do thiếu hụt iốt, phòng chống bệnh phong, HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần,… đều được thực hiện tốt và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, trạm còn lồng ghép các buổi truyền thông phòng chống dịch bệnh với các cuộc họp của đoàn thể và cùng bà con đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, phát động bà con nuôi cá 7 màu để diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết; hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ,… với phương chăm: phòng là chủ yếu, phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Bác sĩ Tô Thị Tuyết Mai-Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện cho biết: Hiện tại toàn huyện có 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hiện có 19/21 trạm có bác sĩ, còn 2 trạm là trạm y tế Bình Mỹ và Trung Lập Thượng hiện chưa có bác sĩ biện chế, bác sĩ được tăng cường từ Trung tâm y tế dự phòng. Từ khi thực hiện Đề án chuẩn quốc gia về y tế, mạng lưới y tế ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng chất cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số trạm y tế xã đạt chuẩn vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, do chưa được trang bị các thiết bị cận lâm sàng như máy xét nghiệm, siêu âm... nên gặp khó trong khám và chữa bệnh cho nhân dân. Những trạm được xây dựng lâu năm đã bắt đầu xuống cấp. Mặt khác, biên chế của mỗi trạm chỉ có từ 6 đến 10 cán bộ, nhưng phải làm rất nhiều mảng công tác, cán bộ y tế phải chịu nhiều áp lực. Ngoài ra, do người dân còn có tâm lý muốn khám và điều trị ở những bệnh viện lớn nên dù chỉ mắc các bệnh cảm, ho thông thường họ cũng đến bệnh viện lớn mà ít đến trạm để khám và điều trị. Việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp khó khăn do quy định phân tuyến khám bảo hiểm y tế. Hiện nay, trạm y tế chỉ ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm đối với Bệnh viện huyện, số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi thì không được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm. Vì vậy, tình trạng quá tải tại bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi vẫn tiếp diễn mặc dù trạm y tế đã được đầu tư, nâng cao chất lượng kể từ khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng có thể nói rằng, hầu hết các trạm y tế xã-thị trấn đã mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động. Việc thực hiện Đề án chuẩn quốc gia về y tế xã đã có tác động không nhỏ đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện. Thông qua đề án này, đội ngũ cán bộ y tế được tiếp cận với những kiến thức mới, được nâng cao trình độ chuyên môn. Các trạm y tế xã-thị trấn lấy các tiêu chí của chuẩn quốc gia về y tế làm mục tiêu phấn đấu, thực hiện tốt quy chế chuyên môn, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo. Đây chính là động lực tạo điều kiện thuận lợi để ngành y tế huyện tiếp tục thực hiện thành công đề án xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

ĐẶNG THẢO


Số lượt người xem: 7957    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm