LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
1
5
6
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 06 Tháng Mười 2011 3:15:00 CH

TRIỆU PHÚ NHÀ NÔNG VÕ VĂN HẦU

 

Trong chuyến công tác về xã Phước Thạnh vào cuối tháng 9 vừa qua, có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi được biết: Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã không ngừng phát triển, từ phong trào trên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần không nhỏ trong phong trào giảm hộ nghèo tại địa phương; trong số đó có tấm gương của ông Võ Văn Hầu năm nay 48 tuổi – một nông dân “chính tông” nhà ở ấp Vườn Trầu.  
Bắt đầu lập nghiệp với 30 cao đất ruộng của người thân cho vào năm 1985, ông trồng lúa và xen canh cây đậu phộng. “Lúc đó, làm đâu thua đó, mùa nào cũng thất, gia đình khó khăn dữ lắm. Trồng lúa thì chỉ đủ ăn, hoa màu thì huề hoặc lỗ vốn. Tôi với bà xã phải đi làm thuê cho người ta mà cũng hỏng lo được cho hai đứa nhỏ ăn học. Khó khăn như vậy nhưng tôi không nản lòng mà quyết chí phải làm ăn sao cho khắm khá để lo cho gia đình, không để các con thua thiệt”. Ông kể như vậy. Để vựt dậy kinh tế gia đình, ông bỏ trồng đậu phộng do không có lời và chăm chút cho ruộng lúa. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật như áp dụng phương pháp sạ theo lịch né rầy, chương trình quản lý dịch hại trên lúa gọi tắc là (IPM), áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng giống chất lượng… nên vụ lúa năng suất cũng cao, bình quân đạt từ 4 đến 5 tấn/ha. Ngoài thời giờ làm lúa, lúc rảnh rỗi, ông đi đây đó tìm tòi học hỏi mô hình làm kinh tế hiệu quả của bà con. Do được Hội nông dân xã tư vấn, năm 1998 ông chọn mô hình qua hợp đồng với Công ty Giống cây trồng miền Nam trồng bắp lai. Lúc đầu nhận bắp giống về trồng, ông cũng lo nhưng do thời điểm đó, ít người trồng bắp, giá cả ổn định nên có lời nhiều. Cứ mỗi năm hai vụ lúa, một vụ bắp xen canh nhưng vụ nào cũng ăn chắc. Nhờ lúa, nhờ bắp nên gia đình có của ăn của để. Các con ông được học hành đàng hoàng.
Ngoài ngôi nhà ba gian được xây vào 1995, ông còn sắm cả máy cày, dùng để cày ruộng và cày thuê cho bà con, có thêm đồng vô cho gia đình. Sau đó ông còn mua thêm đất ruộng, nâng tổng số diện tích đất ruộng của gia đình lên 1,6 ha và vẫn trồng xen canh 2 vụ lúa một vụ bắp lai như hiện nay. Thấy mình làm như vậy vẫn chưa đủ, cần phải làm thêm một việc gì đó. Sau thời gian tìm hiểu thị trường thấy mô hình nuôi bò sữa đang được nhân rộng khắp huyện, ông quyết định đầu tư vào con bò sữa. Năm 2003 – lúc này, ông tìm đến nhiều hộ bà con lân cận để tìm hiểu. Oâng kể “Thấy bà con nuôi, tôi mê lắm, nhưng cũng hơi lo hỏng biết mình có làm được hay không? Vậy là tôi tham gia các buổi tập huấn do Trạm khuyến nông, Hội nông dân tổ chức, rồi đi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc bò sữa ở những người đi trước. Ban đầu tôi nuôi 3 con, sau thời gian chăn nuôi thấy hiệu quả kinh tế từ con bò sữa là không nhỏ, vì vậy tui nhân đàn bò sữa lên ngày một nhiều hơn. Hiện nay đàn bò sữa của tôi đã lên đến 17 con, trong đó có 10 con cho sữa với 150 ký sữa một ngày. Thấy tôi tất bật như vậy, nhiều bà con nói vui là tôi quá tham lam, cái gì cũng làm, làm riết rồi già trước tuổi. Nhưng nông dân mà, làm ăn được thì cứ làm, miễn sao lao động chân chính và có kinh tế gia đình ổn định là được rồi”.
Nhờ trồng lúa, trồng bắp lai và nuôi bò sữa mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên dưới 500 triệu đồng. Cuộc sống gia đình giờ đây đã khắm khá hơn, từ trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi đến vật dụng sinh hoạt gia đình đều được sắm sửa đầy đủ. 3 năm trước ông mua cả máy vắt sữa và năm rồi ông còn sắm máy phát điện. Ông vui vẽ cho biết: ”Xã hội bây giờ ngày một phát triển, nhà nông bây giờ cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa mới có ăn, chứ cứ con trâu đi trước cái cày đi sau thì làm sao khá được. Như gia đình tôi, trong chăn nuôi bò sữa, so việc vắt sữa bằng tay với vắt sữa bằng máy, thì vắt sữa bằng máy khỏe hơn nhiều, mà bò cũng tiết sữa nhiều hơn nữa. Theo tôi để ý thấy, thì cứ 1 con, mỗi lần vắt sữa bằng máy cho thêm từ nữa ký đến ký sữa so với vắt bằng tay. Nhà tôi 10 con, vắt bằng máy mỗi ngày kiếm thêm cả chục ký sữa chứ đâu có ít”.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Võ Văn Hầu còn là một trong những người đóng góp đáng kể cho chương trình xóa đói giảm nghèo của xã. Từ tiệm tạp hóa nhỏ, ông bàn với vợ mua thêm phân tro về bán chịu cho bà con, đến vụ thu hoạch xong mới hoàn trả vốn mà không hề lấy đồng lãi nào. Năm nào cũng vậy, ông bán thiếu cho bà con hơn cả trăm triệu đồng. Được hỏi vì sao anh lại làm như thế, anh chia sẻ: ”Thì hồi đó, mình cũng nghèo khó như bà con vậy. Làm mà hỏng có vốn, cứ tới vụ bón phân phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn, làm vậy sao có lời. Thời khó khăn của mình đã qua, giờ giúp gì được cho bà con thì giúp”.
Chính vì thế, thời gian qua mô hình sản xuất của gia đình ông Võ Văn Hầu đã được bà con học hỏi, nhân rộng và được Hội nông dân huyện biểu dương, khen thưởng. 8 năm liên tục ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, 2 năm cấp thành phố. Ông xứng đáng là tấm gương sáng về sự năng động, chí thú làm ăn để nhiều nông dân trong huyện học tập và làm theo.
THU CHUNG

Số lượt người xem: 4418    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm