LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
4
0
1
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 10 Tháng Mười 2011 3:10:00 CH

TIẾP THÊM SỨC MẠNH ĐỂ VƯỢT NGHÈO HIỆU QUẢ.

 

Cuộc vận động “Vì người nghèo” là một trong những phong trào nhằm phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, cùng chung tay chăm lo và giúp đỡ cho người nghèo tạo thêm nguồn động lực giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhiều chương trình chăm lo cho người nghèo:
Trong nhiều năm qua, cuộc vận động Vì người nghèo mang đậm tính nhân văn sâu sắc đã được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần thiết thực vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết chăm lo cho đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.
Huyện đã huy động hàng chục tỷ đồng để chăm lo cho các chương trình người nghèo, xây dựng và trao tặng trên 4 ngàn căn nhà tình nghĩa, trên 5 ngàn căn nhà tình thương cho các hộ gia đình chính sách, dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Gắn liền với việc chăm lo về nhà ở, huyện còn chăm lo về sức khỏe cho các hộ nghèo như tặng bảo hiểm y tế, phối hợp các bệnh viện Thành phố, huyện khám sức khỏe cấp thuốc miễn phí cho bà con, vận động các cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài huyện thăm, tặng quà dịp lễ tết.
Song song đó, Mặt trận Tổ quốc, các ngành đoàn thể từ huyện đến các xã thị trấn còn chăm lo cho học sinh nghèo hiếu học các bậc học. Trong đó nổi bật có học bổng Nguyễn Hữu Thọ của Mặt trận Tổ quốc, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội liên hiệp phụ nữ, hay học bổng Lương Định Của của Hội nông dân,…. Ngoài tặng học bổng, các đơn vị còn tặng xe đạp, quần áo, sách vở, cặp sách,… cho các em, giúp các em có thêm điều kiện đến trường.
Riêng trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo tăng hộ khá, thông qua nhiều biện pháp chăm lo thiết thực, huyện đã nhận được sự ủng hộ đóng góp rất lớn của các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Qua hoàn thành tiêu chí 3 triệu đồng/người/năm, từ năm 2003 đến nay, huyện tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí 6 triệu đồng/người/năm, rồi đến tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều phương pháp như hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, giúp kinh nghiệm làm ăn sản xuất cùng với ý chí vươn lên thoát nghèo, huyện đã đưa nhiều hộ ra khỏi chương trình xóa đói giảm nghèo và đến nay toàn huyện còn khoảng 14 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,68% so với tổng số hộ dân.
Vượt lên chính mình:
Với 6.500m2 đất, những năm trước kia, ông Đặng Văn Lệ (ấp Trung, xã Tân Thông Hội” chuyên trồng hoa màu và chăn nuôi bò sinh sản, thu nhập luôn bấp bênh. Năm 1998, sau chuyến tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa có hiệu quả ở Gò Vấp, ông mạnh dạn bán con bò ta cùng với số vốn 10 triệu đồng vay thêm từ hội nông dân, ông mua 2 con bò sữa về nuôi. Nhờ chí thú làm ăn, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại đúng cách, từ việc bán sữa, ông đủ trang trải trong gia đình và trả vốn vay cho Nhà nước. Với 40 con bò sữa trong đó có 14 con đang cho sữa, mỗi ngày ông kiếm được trên 2 triệu đồng từ việc bán sữa bò. Sau khi trừ đi mọi chi phí, ông còn lời khoảng 1 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi bò sữa, ông còn tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùng quế, thu hoạch mỗi tháng một lần khảng 50 ký trùng với giá mỗi ký là 30 ngàn đồng. Còn phân trùng thải ra được các công ty cây xanh và hợp tác xã sản xuất rau an toàn mua. Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Cũng theo ông Lệ, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và tiết kiệm chi phí cho gia đình, ông xây hầm biogas để lấy chất đốt nấu ăn.
Tại xã Trung Lập Thượng có chị Võ Thị Đèo ngụ tại ấp Đồng Lớn cũng là một trong những gương điển hình đã vượt qua khó khăn từ chính đôi tay và sức lao động của mình. Chị nhớ lại: “Tôi lập gia đình chỉ với đôi bàn tay trắng, được cha mẹ cho 0,8 ha ruộng để sản xuất nhưng chỉ làm được một vụ lúa bắp bênh chỉ đủ ăn. Những năm Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi mỗi năm vợ chồng tôi làm được hai – ba vụ cũng chẳng khấm khá bao nhiêu. Tôi nghĩ nếu mình chỉ canh tác lúa thì khó mà khá được, vợ chồng tôi nghĩ cách chuyển đổi cơ câu cây trồng vật nuôi để xem có khá hơn hay không. Vợ chồng tôi áp dụng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi”. Cũng theo chị Đèo cho biết, từ 2 con heo nái và 20 heo thịt lúc đầu, nhờ siêng năng làm ăn, biết cách chăm sóc, phòng bệnh trên đàn heo, đến nay gia đình chị có 5 heo nái và hơn 40 heo thịt. Ngoài nuôi heo, chị còn nuôi thêm bò sữa và trồng cỏ nuôi bò trên mảnh đất 4000m2. Trừ đi mọi chi phí, gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ đã vượt qua cái nghèo thông qua cuộc vận động “Vì người nghèo” với đôi bàn tay và khối óc của chính mình. Sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương đã tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, vất vả, từng bước cải thiện đời sống, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền, cùng chung tay xây dựng địa phương văn minh hiện đại.
BÍCH NGÂN

Số lượt người xem: 4312    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm