LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
6
1
1
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 11 Tháng Ba 2011 3:50:00 CH

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT THỰC HIỆN CHUYỂN DICH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP 5 NĂM (2006 – 2010) VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH 5 NĂM (2011 – 2015)

Ngày 11/3/2011, UBND huyện Củ Chi tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn từ năm 2006 – 2010 và triển khai kế hoạch từ năm 2011 – 2115. Đồng chí Tô Từ Nguyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện chủ trì hội nghị.

                Đến dự về phía lãnh đạo thành phố có đồng chí Lê Thanh Liêm – Giám đốc Sở nông nghiệp – Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo Hội nông dân, Hội làm vườn – Trang trại, các Trung tâm, Chi cục thuộc Sở nông nghiệp – Phát triển nông thôn thành phố. Lãnh đạo huyện có đồng chí Nguyễn Văn Bu – Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Trưởng Ban dân vận Huyện ủy, lãnh đạo các đoàn thể, phòng ban, thành viên Ban chỉ đạo huyện, các đồng chí Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND và Chủ tịch Hội nông dân 21 xã – thị trấn, các chủ nhiệm Hợp tác xã và 5 nông dân tiêu biểu.

Tại Hội nghị này ngoài đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Củ Chi, còn có phần giao lưu với các điển hình về chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân của huyện giai đoạn này là 9,45%/năm, giá trị sản xuất năm 2005 là 57,993 triệu đồng/ha đến nay là 114,6 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi sau 5 năm, vượt chỉ tiêu so kế hoạch chuyển đổi 52,8%. Huyện cũng thực hiện vượt các chỉ tiêu chủ yếu về diện tích trồng hoa kiểng, cây ăn trái, đồng cỏ chăn nuôi, rau an toàn, giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có hiệu quả. Nhiều mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế rất cao như trồng lan cắt cành có thu nhập bình quân trên 600 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi nhím với qui mô 100 cặp giống bố mẹ cho thu nhập 1,5tỷ đồng/năm; mô hình trồng rau muống nước cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm… Trình độ kỹ thuật và quản lý trong nông nghiệp được nâng cao qua các chương trình huấn luyện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Nhiều giống cây, con chất lượng cao được áp dụng vào sản xuất sau khi đã được kiểm định, quản lý nguồn gốc xuất xứ, nông dân ứng dụng qui trình thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất, chất lượng và tính an toàn trên nông sản ngày được nâng cao…                        

Để thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt kết quả, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, nhất là ở 5 xã điểm, Huyện tập trung chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ nông dân trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi mới, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, xây dựng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh, từng bước giúp nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP, hỗ trợ trong sơ chế và  tiêu thụ nông sản phẩm. Hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, phòng chống lụt bão, triều cường, hạn và phòng chống cháy nổ. Xây dựng các mô hình đạt hiệu quả cao ở các xã qua các mô hình trồng lan Mokara của hộ chị Tuyết ở xã Hòa Phú; mô hình trồng lan Dendro và Catleya của hộ anh Dũng ở Thị Trấn Củ Chi. Nhiều mô hình nuôi bò sữa chất lượng cao của xã Tân Thạnh Đông, mô hình trồng rau muống nước theo tiêu chuẩn VIỆT GAP ở ấp 1 xã Bình Mỹ và hợp tác xã Thỏ Việt ở xã Thái Mỹ, mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch ở ấp An Hòa xã Trung An, mô hình trồng rau ăn quả của HTX rau an toàn Nhuận Đức, mô hình nuôi cá kiểng của hộ ông Dũng ở ấp Xóm Mới xã Trung lập Hạ…..

               Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 5 năm qua việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng còn những tồn tại, hạn chế như các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao còn chậm được nhân rộng. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác chuyển đổi thực hiện còn chậm, một số công trình thi công dang dở đã gây thiệt hại cho sản xuất của người nông dân. Việc ký kết tiêu thụ nông sản qua hợp đồng và  nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao vẫn còn hạn chế. Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp cần được bổ sung, thay đổi theo hướng có lợi cho người sản xuất như: Mức hỗ trợ lãi vay, thời gian thu hồi vốn, thời gian gối đầu giữa 2 lần vay; việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 105 của UBND thành phố, chưa thật sự khuyến khích nông dân chuyển đổi. Giá cả vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp luôn biến động theo hướng bất lợi cho người sản xuất nông nghiệp. Việc tổ chức sản xuất theo hợp đồng chưa phát triển được nhiều, ngoài sữa bò và bắp giống có hợp đồng tiêu thụ ổn định, các sản phẩm còn lại vẫn tiêu thụ theo truyền thống.

               Tiếp tục thực hiện chương trình này trong 5 năm tới (2011 – 2015 ), huyện Củ Chi đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu như đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trên 7%; giữ ổn định đất nông nghiệp 24.000ha, nâng tỉ lệ ngành chăn nuôi lên 50 - 55%. Duy trì và phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng tuyển chọn và nâng cao chất lượng giống kết hợp chăn nuôi trang trại với qui mô phù hợp, tổng đàn bò sữa 60.000 con. Nâng diện tích gieo trồng rau an toàn lên 9.000 ha; nâng giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp đạt từ 150 - 200 triệu/ha/năm. Đồng thời xây dựng các đề án phục vụ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp như đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, đề án phát triển rau an toàn, đề án phát triển hoa - cây kiểng - cá cảnh, đề án ứng dụng cơ giới hóa nông nghiêp… nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu nhiệm vụ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, phát triển mạng lưới thú y cơ sở, sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP đi đôi với xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

            Phát biểu tại hội nghị các đồng chí lãnh đạo thành phố, huyện đã đề cập đến những tồn tại hạn chế cũng như định hướng cho thời gian tới trong quá trình thực hiện chương trình này, huyện Củ Chi cần đánh giá đúng thực chất hiệu quả của người nông dân qua chuyển đổi; chú trọng đến việc hỗ trợ cho bà con nông dân về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, bình ổn giá vật tư nông nghiệp; làm tốt công tác kết hợp giữa 4 nhà là nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông để giúp bà con an tâm phát triển sản xuất. Ngoài hai cây con chủ lực là con bò sữa, rau an toàn, Củ Chi cần chú trọng phát triển mô hình trồng cây ăn trái và kết hợp với du lịch sinh thái một cách hiệu quả. Tiếp tục phát triển và nhân rộng những mô hình, HTX hoạt động có hiệu quả trong nội bộ bà con. Bên cạnh đó, từ huyện đến các xã – thị trấn cần làm tốt công tác qui họach sử dụng đất gắn với phát triển và xây dựng nông thôn mới, chú trọng đến qui hoạch những vùng nuôi trồng những cây con gì cho phù hợp; những xã đô thị hóa, đất còn xen kẻ trong khu dân cư  chú trọng đến việc sản xuất nông nghiệp mang tính đô thị hóa.

            Nhân dịp này, UBND huyện Củ Chi đã trao 45 giấy khen cho 12 tập thể và 33 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện trong 5 năm qua.

(Thu Chung, 11/03/2011)

 


Số lượt người xem: 6146    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm