LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
0
4
0
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 01 Tháng Năm 2017 2:30:00 CH

Đình làng – nơi ghi dấu những móc son lịch sử

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, những ngôi Đình làng là nơi đón tiếp, nuôi giấu an toàn hàng trăm cán bộ cách mạng Trung ương và địa phương, nơi lên những phương án kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược của quân và dân ta. Cũng từ đó, phong trào cách mạng của huyện Củ Chi cũng như của Sài Gòn – Gia Định ngày ấy phát triển mạnh mẽ, ghi dấu nhiều dấu son lịch sử làm nên Củ Chi đất thép thành đồng.

 

Đình Tân Thông – trụ sở của Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Tân An Hội

Theo lịch sử Đình Tân Thông (ấp Chánh xã Tân Thông Hội), năm 1852, Đình được Vua Tự Đức phong ấn sắc Thần Thành Hoàng cùng các đình làng Nam bộ khác. Trong chiến tranh, Đình Tân Thông là nơi thờ vị Thần Thành Hoàng bảo vệ dân làng, thể hiện qua các cuộc lễ Kỳ Yên hàng năm. Đình Tân Thông cũng là nơi tập hợp những người có tư tưởng yêu nước, mượn Đình làm nơi hội họp, tuyên truyền và tổ chức các phong trào tham gia cách mạng. Với lợi thế là nơi tâm linh cùng với việc có rừng rậm bao quanh, Đình Tân Thông là nơi nuôi giấu không ít cán bộ cách mạng trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Buổi sáng, mọi người tản đi ra bưng để tránh tai mắt của địch, đến tối về lại Đình để sinh hoạt, tuyên truyền, tập hợp quần chúng tham gia khởi nghĩa. Theo ghi chép, Đình Tân Thông là nơi chi bộ lãnh đạo nhân dân tham gia Nam kỳ khởi nghĩa tại Bà Điểm đêm 22 rạng sáng 23/11/1940; là địa điểm tập hợp, tuyên truyền thanh niên trai tráng trong làng tham gia vào tổ chức Thiên địa hội để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945; là nơi tổ chức thành lập Thôn Bộ Việt Minh do ông Mai Văn Chức làm chủ tịch; là trụ sở của Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Tân An Hội. Là một trong những người gắn bó với lịch sử Đình Tân Thông từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng Ban quý tế Đình Tân Thông kể: “Trong đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, từ sân Đình, nhân dân tập hợp và kéo nhau ra Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 22) cưa cây cản đường không cho quân địch tiếp cận Bà Điểm, quyết bắt sống Đốc Phủ ca nhưng không thành công. Trong đợt này, làng Tân Thông có 18 người đã hy sinh. Năm 1954, dưới sự lãnh đạo chi bộ hoạt động tại Đình tiếp tục lãnh đạo nhân dân biểu tình tại Quốc lộ 1 đòi Pháp thi hành Hiệp định Giơ - ne - vơ do ông Liêu Bình Hương chỉ huy. Khi đó, Tiểu đoàn 63 của địch đã bắn xả làm 54 người hy sinh, trong đó có ông Liêu Bình Hương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đình tiếp tục là nơi các cán bộ lãnh đạo về trú đóng và là điểm trung chuyển lực lượng thanh niên yêu nước thoát ly theo cách mạng.

Vì thế, từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, Đình bị giặc tàn phá rất nặng nề, Đình chỉ còn giữ lại được chánh điện, mái đình sườn cây bị gãy đổ chỉ còn lơ thơ vài tấm ngói âm dương. Trong những chặng đường đấu tranh cách mạng đó nhân dân Tân Thông cũng đã một lòng đi theo Đảng và hy sinh máu xương để bảo vệ quê hương đất nước. 379 người con của vùng đất Tân Thông đã anh dũng hy sinh và làm nên trang sử hào hùng cho vùng đất Tân Thông.

Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm Đình – từ ngôi đình này ngày xưa ông đã thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Nhận thấy Đình đã xuống cấp, điện thờ chính đơn sơ chật hẹp và thiếu thốn mọi bề, nên ông đã vận động các nhà hảo tâm làm công đức góp tiền tu sửa Đình. Tháng 6/2009, Đình được khởi công xây dựng hoàn toàn mới trên nền cũ với kinh phí xây dựng hơn 30 tỷ đồng. Tổng thể công trình kiến trúc chính của Đình gồm có cổng đình, cổng tam quan, bức bình phong, sân đình, chánh điện, nhà hậu, các bia, miếu thờ gồm: Thủy thần, Thần Nông, đồng bào vì chiến tranh tử nạn, Sơn thần, Các bậc tiền nhân, Đài Liệt sĩ và hồ cây cảnh.

Với nhân dân địa phương và không ít khách thập phương, Đình Tân Thông đã trở thành điểm đến văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của cả vùng, đến với Đình chính là để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tri ân tổ tiên và các bậc thần linh, tiền hiền đã có nhiều công lao dựng nước, giữ nước.

Đình Cây Sộp - căn cứ cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ

Đình Cây Sộp cũng được vua Tự Đức phong ấn sắc Thần Thành Hoàng vào năm 1853.  Đình Cây Sộp có từ những năm đầu thế kỷ XIX, thuộc thôn Vĩnh An Tây (nay là ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi). Ngoài lưu giữ những giá trị thiết chế văn hóa làng xã truyền thống của người Việt Nam thời kỳ đi mở đất lập thôn, Đình Cây Sộp cũng từng là một căn cứ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.

Cũng trong đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, ông Lê Bình Đẳng vận động thanh niên làng Vĩnh An Tây (nay là ấp Cây Sộp), Nhuận Đức cùng đồng chí Hai Thông (xã Phú Hòa Đông) điều động thanh niên xóm ấp Cây Trâm đến quán đôi Tân Thông đốn ngã cây đường chặng đường ô tô trên Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 22) và giết tên tây Arnaud. Qua phong trào này giặc Pháp tập trung lùng sục ông Lê Bình Đẳng, khiến ông phải trú ở Đình Cây Sộp và đã được người tên Năm Nỗi tiếp tế chu đáo.

Đến năm 1945, quyết không cho giặc Pháp chiếm lấy Đình làm nơi đóng quân, nhân dân làng Vĩnh An Tây đã phá dỡ mái ngói Đình chỉ để lại cột chống, giàn kèo nơi chính điện. Đến tháng 12/1946, Ban tuyên truyền quận Hóc Môn chọn Đình Cây Sộp và bố trí đồng chí Có và đồng chí Ba Điệp tổ chức huấn luyện và đào tạo cán bộ tuyên truyền cho các xã Nhuận Đức, Tân An Hội, Trung Lập. Theo ghi chép, thời kỳ chống Pháp,  khu vực Đình là một khu rừng cây rậm rạp, có hệ thống địa đạo thông với các đường hầm xung quanh, là vị trí rất thuận tiện cho việc ém quân nên ông Tám Đẳng là Quận đội trưởng quận Hóc Môn đã sử dụng sân Đình làm căn cứ cách mạng, nơi hội họp để truyền mệnh lệnh cấp trên và đã huấn luyện 300 quân ở sân Đình Cây Sộp. Đình còn là nơi Chi đội 6, Chi đội 12 thường đến trú đóng.

Năm 1949, phong trào du kích phát triển khá mạnh. Đình Cây Sộp là nơi mà Tổ du kích do ông Lê Văn Rê làm đội trưởng đã đánh lô cốt địch. Đây là trận đánh đầu tiên thu được 3 thùng đạn, 3 súng trường. Với hệ thống giao thông thuận lợi bắt nguồn từ lộ 2 chạy dài vào Đình bằng đường hầm, đội du kích xã cũng đã chọn Đình là nơi đóng quân, là nơi du kích dẫn đường cho bộ đội chủ lực từ trên quân khu về hoặc khi đi đánh ngoại thành rút về căn cứ.

Sau Đồng Khởi năm 1960 đội du kích được xây dựng lớn mạnh đã củng cố lại căn cứ địa đạo ở khu vực Đình Cây Sộp và là nơi trú đóng của Đảng bộ xã Tân An Hội lúc bấy giờ. Năm 1959 - 1962 Mỹ, Diệm ra sức gom dân vào ấp chiến lược do địch kiểm soát, nhưng nhân dân ấp Cây Sộp kiên quyết bám trụ giữ vững địa bàn hoạt động. Đình Cây Sộp là vùng giải phóng ngay sát cơ quan đầu não của ngụy quyền chỉ cách Dinh quận gần 2 km. Đình trở thành nơi đầu tiên tập trung lực lượng thanh niên từ trong các ấp chiến lược thoát ly tham gia cách mạng. Ngoài ra, Đình Cây Sộp còn là địa điểm hội họp, lên sa bàn, bàn kế hoạch tổ chức các trận đánh Dinh quận Củ Chi và các vùng lân cận. Điển hình tháng 01/1966, tổ du kích do đồng chí Nguyễn Thị Nê, đội trưởng đội nữ du kích từ Đình Cây Sộp theo đường địa đạo vào tận căn cứ Đồng Dù, mang mìn vào đánh phá quân địch và rút lui an toàn. Đầu năm 1967 Mỹ mở rộng căn cứ Đồng Dù. Toàn bộ ngôi đình bị giặc Mỹ san bằng, nhân dân chỉ kịp mang hộp đựng sắc thần tản cư. Mãi đến năm 1972, Đình được nhân dân xây dựng tại khu vực sở cao su Balăng. Sau ngày giải phóng, năm 1979 người dân ấp Cây Sộp từ khắp nơi kéo về quê cũ làm ăn sinh sống, xây dựng xóm làng. Nhớ ngôi làng xưa, nhớ những chiến công, những hy sinh anh dũng của người dân nơi đây, người dân kẻ góp công người góp của dời Đình về lại nền đất xưa.

Theo những người dân nơi đây, điều làm nên những chiến tích không chỉ có lòng yêu nước, dũng cảm mà còn có sự chở che của Thần Hoàng Bổn cảnh - vị thần trong tâm linh của văn hóa khai thôn lập ấp của nhân dân ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chịu nhiều vết tích của chiến tranh, những ngôi Đình bị giặc tàn phá nặng nề ngày ấy nay vẫn còn giữ nguyên những giá trị lịch sử. Nếu trong chiến tranh, Đình là nơi tập hợp nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng thì ngày nay, Đình là nơi lưu giữ những giá trị thiết chế văn hóa làng xã truyền thống của người Việt Nam thời kỳ đi mở đất lập thôn, là nơi người dân tề tựu về cúng bái linh thần, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ mỗi khi đến Lễ Kỳ Yên. Với những giá trị lịch sử ấy, Đình Cây Sộp đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố vào năm 2006 và đến cuối năm 2016, Đình Tân Thông cũng được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố.

NGỌC THÙY


Số lượt người xem: 5338    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm