LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
3
0
6
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 01 Tháng Năm 2017 7:30:00 SA

Nước sạch về sau hơn 40 năm mong đợi

Củ Chi - vùng đất nơi gạt đi vỏ đạn, mảnh bom đã thấy đất hôm nay bát ngát trong màu xanh mơn mởn của cây trái, của những cánh rừng…Trong những ngày tháng 4 lịch sử, khắp huyện cờ bay phấp phới chào mừng sự kiện trọng đại 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017). Củ Chi đã thực sự thay da đổi thịt. Những bàn tay một thời chỉ quen cầm súng, cầm đao đánh giặc, nay bằng khối óc đã tạo nên những kỳ tích mới trong cuộc chiến chống đói nghèo để xây dựng một Củ Chi phát triển từng ngày và cũng những bàn tay ấy, đang hứng những dòng nước mát lành từ Đề án đưa nước sạch về nông thôn.

Một thời gian khó

Nói về những năm tháng sau chiến tranh, những bậc cao niên trong huyện không khỏi bùi ngùi. Dẫn chúng tôi ra xem vết tích cũ của một giếng nước, bà Tô Mỹ Lệ, một cựu giáo viên cấp 2, ngụ xã Phước Vĩnh An bồi hồi nhớ lại: sau ngày miền Nam giải phóng, mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn. Đâu cũng thấy hố bom, hố pháo. Hàng chục ngàn ngôi nhà cháy sập, hàng vạn héc ta ruộng vườn bị cày xới, mặt đất cỏ mọc tràn lan, trong lòng đất còn ẩn chứa nhiều bom mìn. Cả một vùng rộng lớn từ đây xuống tận Hóc Môn không còn một cây cỏ nào sống nổi. Bởi vậy, cả vùng này được gọi là vùng trắng…. Đôi mắt bà xa xăm hồi tưởng.

Hậu quả nặng nề của chiến tranh đã khiến cho nền kinh tế thuần nông của Củ Chi càng trở nên lạc hậu. Đời sống người dân vô cùng cơ cực, nhiều hộ luôn trong tình trạng phải cứu đói dài hạn. Một cái khổ khác của người dân Củ Chi khi đó là thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Chỉ nơi từng là giếng nước đào mà gia đình từng sử dụng trong nhiều năm sau giải phóng, bà Lệ kể: hồi đó, người dân miệt Bình Mỹ, Trung An, Phú Mỹ Hưng người ta hay dùng nước sông Sài Gòn, trên Thái Mỹ, Phước Hiệp thì dùng nước kênh Thầy Cai, múc lên rồi lắng lọc lại mà sử dụng. Biết là không sạch, nhưng không có nước thì không sống được, cũng không trồng cây, nuôi con gì được nên đành chấp nhận mà sử dụng. Ở trong xóm bà, vì xa nguồn nước sông, mà kênh rạch thì ngấm thuốc súng, hóa chất sau chiến tranh nên không ai dám sử dụng, bởi vậy bà con bỏ công sức giúp nhau đào giếng lấy nước. Bà nhớ như in cái giếng nước đầu tiên của nhà bà sâu chỉ cỡ 8 mét, gặp mùa khô thì cạn tới tận đáy mà đóng phèn vàng khè, muốn lấy nước phải dùng gầu để múc rất cực.

Rồi trong cuộc sống khó khăn đó, cùng với người dân thành phố, người dân Củ Chi quyết chung tay để bảo vệ thành quả của cách mạng, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Toàn huyện đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể các cấp, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước. Đồng thời thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước phá vỡ thế độc canh và sản xuất tự cung, tự cấp tiến tới sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Để cải thiện cuộc sống cho nhân dân, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã đến hỗ trợ Củ Chi. Bà Lệ lại kể, khi ấy, gia đình bà được tổ chức Unicef hỗ trợ cho một giếng nước khoan dùng máy bơm tay. Ngày giếng nước được bàn giao cho gia đình, 3 đứa con nhỏ của bà là những người vui nhất. Bởi từ đó thay vì phải dùng gầu để múc nước giếng đào, thì chỉ cần có ít dầu rồi gạt cần bằng tay là dòng nước đã chảy ra mát mắt. Nhưng không phải hộ dân nào cũng có được sự hỗ trợ như gia đình bà Lệ khi đó, hơn 99% người dân Củ Chi sinh hoạt bằng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Bởi vậy nhiều dịch bệnh xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, ghẻ lở….

Suốt hơn 40 năm sau ngày giải phóng, huyện Củ Chi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển nông - công - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hóa - thể thao. Người dân Củ Chi dần vượt lên đói nghèo, quê hương cũng từng bước thay da đổi thịt. Từ một nền kinh tế thuần nông, Củ Chi đã trở thành một huyện nông thôn mới với những thành tựu rất đáng ghi nhận trên bước đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhưng, trong suốt những năm tháng ấy, người dân Củ Chi vẫn phải sử dụng nguồn nước chưa hợp vệ sinh. Dù chất lượng nước có được cải thiện dần qua thời gian, từ nước sông sang nước giếng đào rồi nước giếng khoan, nhưng người dân chưa thật sự được sử dụng nước sạch.

Nước sạch về hòa trong niềm vui đất nước

Cho đến tháng 7/2015, khi Đề án cấp nước sạch cho người dân được triển khai trên địa bàn huyện. Dù muôn vàn khó khăn và thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền huyện Củ Chi vẫn kiên định mục tiêu phải đưa cho được nước sạch về với người dân. Hàng chục cuộc họp được tổ chức, hàng chục buổi lấy ý kiến người dân được triển khai và hơn 4.400 tỷ đồng đã được đầu tư... để thực hiện cho được mục tiêu đó. Chỉ trong 18 tháng (từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016), toàn huyện trở thành một đại công trình cấp nước sạch, để đến đầu năm 2017 này, 100% hộ dân toàn huyện đã được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Và để thực hiện cấp nước sạch cho người dân, đã có hơn 1.300km đường ống dẫn nước sạch và hơn 55.500 đồng hồ nước được lắp đặt trên địa bàn 15 xã – thị trấn; 12 trạm cấp nước được nâng cấp để cấp nước sạch liên tục cho 11.000 hộ dân; 486 bồn chứa nước tập trung đặt đều khắp 11 xã cùng với 365 thiết bị lọc nước hộ gia đình đã được thi công…. Đi đôi với công tác cấp nước sạch, chính quyền Củ Chi từ huyện đến xã, thị trấn cũng tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của nước sạch, từ bỏ thói quen dùng nước giếng và chuyển sang sử dụng nước sạch vào sinh hoạt hàng ngày.

Khó có thể nói hết niềm vui của những người dân khi sau hơn 40 năm mong đợi, nay nước sạch đã về. Trong câu chuyện của bà Lệ, cái ngày gia đình bà đấu nối đường ống nước sạch vào nhà để sử dụng là ngày vui lớn. Bà nói: Mừng lắm. Vui lắm. Vì từ nay chẳng phải lo thiếu nước, hay phải dùng nước phèn vào mùa khô hạn nữa. Còn bà Nguyễn Thị Thuận (ấp Chợ, xã Trung An) chia sẻ: Bao nhiêu năm chờ đợi, nay cũng được sử dụng nước sạch. Hồi trước cứ nghĩ được sử dụng nước sạch là chuyện xa xôi lắm, nhưng từ khi có nước sạch xài từ Tết tới nay mới thấy thật sự thiết thực và dễ dàng còn hơn dùng nước giếng.

Được biết, trong năm 2017 này, mạng đường ống nước sạch sẽ được triển khai lắp đặt trên địa bàn 3 xã là Nhuận Đức, Trung Lập Thượng và Phạm Văn Cội. Hòa chung trong niềm vui của đất nước trong những ngày tháng 4 lịch sử này, người dân tại 3 xã nói trên đang từng ngày mong đợi mạng đường ống nước sạch kéo về tận nhà. Đến thăm bà Đặng Thị Lành, một cựu chiến binh ngụ ấp Canh Lý, xã Nhuận Đức. Chỉ bồn nước sạch đặt trước nhà, bà Lành hồ hởi nói: Từ ngày có bồn nước sạch đặt ở đây, người dân xóm này phấn khởi lắm, vì đã có nước sạch. Mai này, nước sạch theo đường ống chảy về tận nhà thì lại càng mừng hơn. Từng một thời chiến đấu gian khổ, nay chứng kiến quê hương mình đổi thay từng ngày, người dân mà trong đó có cả tôi đã có nước sạch sử dụng thì đúng là cuộc sống đã tiến bộ, phát triển hơn rất nhiều rồi.

42 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng ngoại thành nghèo kiệt quệ vì chiến tranh, Củ Chi ngày nay đang vững bước trên con đường đô thị hóa; người dân Củ Chi một thời phải uống nước sông, nước mưa, nước giếng đào nhiễm phèn nay đã có nước sạch sử dụng. Lại càng phấn khởi hơn khi niềm vui có nước sạch đến ngay sau niềm vui nông thôn mới, sau chiến thắng giải phóng quê hương thì đây có thể coi là một thắng lợi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện Củ Chi.

THÚY AN

 

 


Số lượt người xem: 2519    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm