LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
7
3
1
3
TIN TỨC SỰ KIỆN 02 Tháng Hai 2017 2:40:00 CH

Tỏa ngát hương thơm cho đời

Cuối năm, dù tất bật, hối hả với công việc, nhưng những người nông dân chân chất và đầy ý chí làm giàu vẫn rạng rỡ nụ cười. Nụ cười ấy còn tươi tắn hơn khi trong tháng 11/2016 họ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen ghi nhận những thành quả trong lao động sản xuất cũng như những cống hiến của họ cho cộng đồng, cho xã hội. Gặp gỡ họ, mỗi người có một câu chuyện riêng nhưng đều chứa đựng một nghị lực lớn lao, sự quyết tâm, năng động và đầy ắp nghĩa tình của người nông dân kiểu mới trong nền kinh tế thị trường.

 

ANH NÔNG DÂN "MÁT TAY" NUÔI CÁ BỘT

"Mô hình làm ăn của những người khác nhanh nhất cũng mất vài tháng nhưng mô hình của tui chỉ có 5 đến 6 ngày đã có thu nhập”. Đó tưởng chừng là câu nói vui nhưng là thật của nông dân Nguyễn Hồng Nghĩa, ngụ ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp khi nói về công việc sản xuất cá bột giống của mình.

Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình bao đời gắn bó với ao cá, với mô hình ươm, nuôi các loài cá nước ngọt như cá trê, cá trắm, cá tra, cá hường, cá sặc, cá rô… Qua những năm tháng chăm sóc đàn cá của gia đình, anh nhận thấy con cá trê lai từ cá trê vàng đồng và cá trê phi có nhiều ưu điểm như khả năng phát triển tốt, thịt ngon, số lượng sản xuất nhiều, giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng nên anh quyết định chuyển hướng sang sản xuất cá bột giống từ loài cá này. Nghĩ và làm, năm 2000, chàng thanh niên ở tuổi 22 Nguyễn Hồng Nghĩa quyết định tách khỏi công việc của gia đình để bắt đầu sự nghiệp cho riêng mình. Anh mượn gia đình 3.000 m2 đất để làm ao hồ và đầu tư vốn khoảng 2 đến 3 triệu đồng để sản xuất. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, những kiến thức trong Trường Trung cấp Thủy sản mà anh theo học 2 năm không áp dụng vào thực tế được bao nhiêu. Anh tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nhưng không phải ai cũng nhiệt tình hướng dẫn. Lần sản xuất đầu tiên anh chưa có kinh nghiệm nên cá bột chết nhiều, thu nhập không được bao nhiêu. Không những vậy, thị trường tiêu thụ chưa có nên anh phải chở cá bột xuống các tỉnh miền Tây để bán. Tuy gian nan nhưng anh không nản chí. Trong một thời gian dài anh rong rủi khắp các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp để học hỏi kinh nghiệm của những người chuyên sản xuất cá bột giống ở đây. Ở mỗi nơi anh học được một chút kiến thức, đúc kết thêm một chút kinh nghiệm quý giá mà trong sách vở không sao có được để về áp dụng vào mô hình của mình. Rồi những ngày gian nan, vất vả của anh cũng được bù đắp khi các lần sản xuất sau đó số lượng cá bột được nhiều hơn và cho thu nhập ngày càng cao. Hiệu quả nhất là năm 2005, anh nuôi được đàn cá bố mẹ cho trứng đạt và thuận mùa. Một đêm anh sản xuất khoảng 9 triệu con, bán với giá 7 đồng/con  thu được 63 triệu đồng. Sau những năm sản xuất hiệu quả, anh tích lũy vốn, mở rộng quy mô. Hiện nay, anh có 10.000m2 đất, trong đó, anh dành 6.000m2 đất để sản xuất cá bột giống, cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 tỷ con cá bột/năm. Sản phẩm của anh cung cấp rộng khắp thị trường các tỉnh miền Tây và được thương lái xuất khẩu sang cả nước bạn Campuchia. Sau khi trừ các khoản chi phí đã đem về thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng/năm.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề này nhưng anh cũng không bao giờ dám cho mình là người thành công và đầy kinh nghiệm. Bởi lẽ, mô hình này tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng làm không dễ. Quy trình sản xuất ra cá bột còn tùy vào điều kiện thời tiết, nguồn nước, chất lượng đàn cá bố mẹ; kỹ thuật tạo giống và quá trình chăm sóc... Anh cho biết, thời gian sản xuất chỉ mất 5 đến 6 ngày nhưng quãng thời gian đó phải theo sát và chính xác từng công đoạn thì số lượng cá bột có được mới như mong muốn. Gắn bó được với nghề này đòi hỏi người nuôi phải có sự tỉ mỉ, có ý chí, sự quyết tâm, lòng kiên trì và chịu được vất vả, còn chưa kể đến những rủi ro, thất bại. Đó là lý do mà anh Nghĩa chỉ dám hướng dẫn nghề này với những người thật sự muốn làm.

Giờ đây, nhớ lại những ngày gian khó, những khoảng thời gian thất bại tưởng chừng muốn buông xuôi, anh càng thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những người nông dân khao khát vươn lên nhưng còn bộn bề khó khăn. Với sự chân thành, một nghĩa cử cao đẹp và cả sự đáp trả ân tình với mảnh đất, lòng người, anh đã nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, con giống, vật tư cho những hộ nông dân muốn gắn bó với nghề này. Giờ đây, bước đầu sản xuất họ cũng đã thành công. Điển hình như hộ ông Kiệt ở ấp Trà Cú, xã Thuận Mỹ Hòa, huyện Thạnh Hóa và hộ ông Trai ở xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Còn ở trên địa bàn huyện Củ Chi anh đã hỗ trợ cho trên 5 hộ nông dân, trong đó anh đã hỗ trợ kỹ thuật, vốn, tư liệu sản xuất và thuốc thủy sản cho các hộ nông dân Nguyễn Hồng Nhân, Nguyễn Hồng Đức, Lê Trường Hận, Lâm Si Nê…

Ghi nhận những việc làm của nông dân Nguyễn Hồng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp, Phạm Văn Tâm cho biết: “Trong thực hiện chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang giống cây trồng có giá trị kinh tế cao thì mô hình của anh Nghĩa đã chọn đúng định hướng của xã là tận dụng nguồn nước kênh Đông để nuôi trồng thủy sản. Từ thành công của bản thân, anh cũng đã tích cực định hướng cho các hộ nông dân khác nắm bắt kịp thời mô hình chuyển đổi hiệu quả để áp dụng mang lại thu nhập cao cho gia đình”. Và chúng tôi nhận thấy thêm một điều đáng trân trọng, quý báu không gì so sánh bằng là dù anh được công nhận gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, thành phố hay trung ương; được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong đó có cả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhưng đối với anh phần thưởng lớn nhất là anh đã vượt lên chính mình và ngày ngày là một con ong chăm chỉ đem đến những mật ngọt, hương thơm cho người, cho đời.

LÀM GIÀU TRÊN VÙNG ĐẤT THÉP

Tuy không được sinh ra và lớn lên trên vùng Đất Thép thành đồng, nhưng chính nơi đây đã khởi nguồn và cho anh nông dân sản xuất nấm và kinh doanh cây kiểng giỏi Nguyễn Thanh Phúc một cuộc sống khấm khá.

Rời quân ngũ năm 1984, anh không về Quãng Ngãi mà chọn xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi làm quê hương thứ hai của mình. Năm 1989, với kiến thức học được tại trường Trung cấp Nông nghiệp anh quyết định lập nghiệp bằng nghề trồng hoa kiểng. Bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ lạ, anh gặp không ít khó khăn. Công việc ban đầu không mấy suông sẻ. Do anh chưa có kinh nghiệm nên khi thí nghiệm ươm, ghép giống mới đôi lúc không thành công, tốn kém nhiều chi phí; sâu bệnh cũng gây thiệt hại cho anh không ít. Dù vậy, anh không chùn bước, anh chịu khó nghiên cứu học tập những mô hình mới, trồng và ươm giống cho ra những sản phẩm đạt chất lượng. Anh còn nhận chăm sóc bảo dưỡng cây xanh cho các công ty, xí nghiệp, trồng cây kiểng cho các công trình nên anh có thu nhập đáng kể.

Đến thăm anh vào những ngày cuối tháng 11/2016, khi anh vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong khu vườn rộng 4.000m2 chúng tôi thấy các loài hoa kiểng đã đâm chồi tươi tốt sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017. Anh phấn khởi cho biết, năm nay anh sẽ cung cấp cho thị trường Tết các loại hoa kiểng như vạn thọ, trúc mây, trúc Hawai, cây đại phú... và hy vọng sẽ có một mùa bội thu.

Bên cạnh vườn cây kiểng, chúng tôi còn thấy những gian nhà được che chắn kỹ càng. Thỉnh thoảng, những làn khói trắng tỏa lên rồi tan vào khoảng không. Biết chúng tôi tò mò, anh cười và nói đây là khu vực sản xuất phôi nấm linh chi đỏ. Anh đến với nghề trồng nấm linh chi đỏ là một cái duyên. Tuy mối lương duyên đó có nỗi buồn, nhưng đã đem đến cho anh thêm một hướng đi mới trong nỗ lực vươn lên làm giàu. Anh nhớ lại, năm 2012, vợ anh bị bệnh ung thư. Nghe mọi người nói nấm linh chi đỏ có thể chữa được bệnh của vợ nên anh đã tìm mua loại thảo dược này. Quá trình đó, anh bắt đầu tìm hiểu cách sản xuất nó. Anh không chỉ tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, mà còn vào Khu Công nghệ cao để học kỹ thuật trồng nấm của các kỹ sư nơi đây. Nhờ đó, ngay lần sản xuất đầu tiên anh đã thành công. Lúc ấy, với diện tích 200m2, anh trồng hơn 10.000 phôi nấm. Sau 5 tháng anh thu hoạch được 120 kg nấm, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Sau thành công đó, anh mở rộng diện tích và quy mô sản xuất lên 1.000 m2. Năm 2014, anh thành lập Công ty TNHH dịch vụ giải pháp Phúc Nguyên, trụ sở tại Quận Gò Vấp để tiêu thụ loại nấm này. Năm 2015, anh tiếp tục đầu tư 3 tỷ đồng để trang bị các máy móc thiết bị sản xuất khép kín theo công nghệ nhà kính nhằm đưa ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn. Hiện nay, anh không trực tiếp sản xuất nấm linh chi đỏ mà làm phôi rồi giao lại cho các hộ nông dân khác, sau đó anh thu lại sản phẩm. Vốn là người ham học hỏi, thời gian còn lại anh tìm hiểu và sản xuất nấm bàu ngư. Dù quy mô chưa lớn, mỗi ngày anh chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 70kg nhưng đã cho anh thêm một nguồn thu nhập. Anh cho biết từ việc sản xuất, kinh doanh sau khi trừ chi phí một năm bình quân thu nhập khoảng 450 triệu đồng. Chị Đỗ Thị Ngọc Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Văn Cội rất tâm đắc với mô hình kinh tế của anh. Chị cho biết: "Mô hình trồng nấm của anh Phúc là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Phạm Văn Cội. Nó là mô hình áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực trồng nấm hướng đến sản phẩm sạch, nghĩa là trồng nấm trong nhà màng kính nhằm giảm tối thiểu vi khuẩn, mầm bệnh xâm nhập vào nấm".

Nhấp một ngụm nước trà linh chi đỏ cùng chúng tôi, anh chia sẻ, dù giờ đây vợ anh không còn nữa nhưng mỗi lần nghĩ lại anh thầm cám ơn chị ấy đã bên cạnh và chia sẻ với anh trong những ngày đầu gian khó. Rồi sau chị ấy, anh không bao giờ quên những người đã dìu dắt anh trên con đường tìm kế sinh nhai. Đó chính là động lực lớn lao để hôm nay anh sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian qua, anh đã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức dạy nghề cho lao động ở địa phương. Anh đã hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho 30 hộ, tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan học tập mô hình; tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại địa phương. Anh và gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hỗ trợ vốn cho 03 hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 15 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Văn Cội, chị Đỗ Thị Ngọc Phương cũng cho biết thêm: "Anh Phúc là người có tính cộng đồng cao, luôn hướng đến những người dân nghèo trên địa bàn xã. Anh hướng dẫn nghề cho những hộ nông dân có nhu cầu. Anh giải quyết việc làm cho những người quá tuổi lao động, những em học sinh trong dịp nghỉ hè như đóng bọc mùn cưa để làm phôi nấm hoặc thu hoạch nấm cho anh...".

Dù cuộc sống đã bớt lo toan chuyện cơm, áo, gạo, tiền, nhưng trong anh vẫn khát khao lao động. Tương lai anh sẽ mở rộng mô hình trồng nấm, tạo thương hiệu sản phẩm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tâm huyết với công việc, nghĩa cử cao đẹp trong tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong lao động sản xuất, anh đã đại diện cho hình mẫu người nông dân tiêu biểu của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Ngọc Thủy


Số lượt người xem: 2279    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm