LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
8
6
3
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 27 Tháng Giêng 2017 2:15:00 CH

Tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Những ngày cận tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017, Củ Chi rợp cờ hoa và nắng vàng. Một mùa xuân nữa lại về trên vùng Đất Thép thành đồng. Mùa xuân năm nay, bức tranh nông thôn Củ Chi được tô thêm nhiều gam màu sáng bởi trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nền nông nghiệp của huyện từng bước được tái cơ cấu lại và phát triển với tốc độ cao theo hướng nông nghiệp đô thị; năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng lên. Cuộc sống của người dân nông thôn mới huyện Củ Chi ngày càng đủ đầy hơn.

Nông nghiệp từng bước nâng cao hiệu quả

Ông Lê Văn Thúa, Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế huyện, Phó Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện cho biết: “Trong thời gian qua, huyện tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Năm 2016, mặc dù có nhiều bất lợi về thời tiết nhưng huyện kịp thời có những giải pháp ứng phó nên nông nghiệp tiếp tục duy trì sự phát triển. Các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra. Để phát triển ngành nông nghiệp, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Huyện hỗ trợ hình thành các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hỗ trợ liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm làm ra. Huyện cũng tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng chăn nuôi tập trung; tập trung xây dựng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông nội đồng, thủy lợi cũng đã góp phần cho nông nghiệp phát triển. Trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn chỉ khoảng 10% nhưng nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân."

Đến nay, huyện đã thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu như tăng số lượng và chất lượng đàn bò sữa, hoa kiểng, đồng cỏ chăn nuôi, rau an toàn, giảm diện tích lúa kém hiệu quả. Huyện giảm diện tích từ 9.542 ha đất trồng lúa kém hiệu quả xuống còn 4.841 ha để chuyển sang trồng cỏ, rau và cây ăn trái; diện tích đất trồng cỏ hiện nay 3.540 ha; đất trồng rau 2.072 ha (tăng 1.191 ha); cây ăn quả 3.941 ha (tăng 1.470 ha), cây hoa kiểng 585,5 ha (tăng 530,29 ha). Các cây trồng nhiệt đới đều phát triển được trên đất Củ Chi. Cây ăn trái đang chuyển dịch theo mô hình kết hợp du lịch sinh thái khá phổ biến đối với các vùng chuyên canh cây ăn trái như xã Trung An, Bình Mỹ. Gần đây, bưởi da xanh trồng trên vùng đất nhiễm phèn có chất lượng và năng suất cao. Tổng đàn trâu bò 98.323 con, trong đó 76.284 con bò sữa, năng suất sữa đạt 5,5 tấn/con/chu kỳ (tăng 2 tấn/con/chu kỳ), tổng đàn heo 202.397 con. Bò thịt, bước đầu được chú ý phát triển. Tổng diện tích nuôi thủy sản 258 ha/năm. Nông dân đang chuyển sang nuôi theo hướng cá giống và cá cảnh - cá thịt. Cá cảnh có xu hướng gia tăng quy mô và chủng loại, hiện có 40 điểm nuôi với diện tích 21,5 ha sản xuất khoảng 24 triệu con các loại và 30 triệu cá bột. Trên địa bàn huyện hiện có các cơ sở nhân giống lươn, ếch, cá trê vàng, cá lăng. Một số loài thủy sản đang được nông dân chú trọng phát triển là cá sặc rằn, cá thác lác, cá trê vàng, lươn,... Không những vậy, trình độ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp được nâng cao qua các chương trình huấn luyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Nhiều giống cây, con chất lượng cao được áp dụng vào sản xuất sau khi đã được kiểm định, quản lý nguồn gốc xuất xứ. Nông dân ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất. Chất lượng và tính an toàn trên nông sản ngày được nâng cao.

Thu nhập cho người dân được nâng cao

Trong cái nắng ấm áp của đất trời, chúng tôi dạo quanh các nẻo đường trên quê hương được 2 lần đón nhận danh hiệu anh hùng. Đó đây, mùa xuân đang khoác chiếc áo mới trên những vườn lan, hoa kiểng, luống rau và trên nụ cười rạng rỡ của những người nông dân đã gắn phần đời của mình với đồng đất quê hương. Được sự khuyến khích của chính quyền, người nông dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập. Nếu như năm 2005, giá trị sản xuất bình quân từ 56,7 triệu đồng/ha thì năm 2010 đạt 120,8 triệu đồng/ha, đến cuối năm 2015 đạt 272 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế rất cao như các mô hình trồng lan cắt cành có thu nhập bình quân trên 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Mô hình trồng rau cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm. Mô hình vườn cây ăn trái cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm…

Trong các mô hình trồng lan hiệu quả ở Củ Chi phải kể đến mô hình trồng lan của chị Trần Ngọc Tuyết ở xã Hòa Phú. Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn thành phố, từ cái tình gắn bó với ruộng đồng và niềm đam mê hoa lan, chị Tuyết kiên trì học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng lan, mạnh dạn khởi nghiệp với 500 gốc lan trên mảnh đất nhỏ của gia đình. Đến nay, chị đã trồng lan trên diện tích 4,5 ha với hơn 180.000 cành. Vườn lan của chị hiện là một trong những mô hình hoa lan đẹp của thành phố, hàng năm tiếp đón rất nhiều đoàn đến tham quan học tập kinh nghiệm. Không những vậy, nhận thấy thị trường hoa lan rất tiềm năng nhưng các hộ sản xuất hoa lan thì nhỏ lẻ không đủ cung ứng cho thị trường, nên chị vận động bà con trong xã và huyện cùng nhau thành lập Hợp tác xã hoa lan. Hiện nay, Hợp tác xã hoạt động ổn định và cung cấp hoa lan cho các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Dám nghĩ, dám làm và đương đầu với những khó khăn để có được thành quả ngọt ngào như hôm nay, nông dân Trần Ngọc Tuyết đã được tặng Huân chương lao động hạng ba vào cuối năm 2016.

Trong khi nghề nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn nhưng nông dân Phạm Văn Vũ, ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi vẫn đứng vững. Anh là nông dân sản xuất giỏi và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào cuối năm 2016. Anh đến với nghề nuôi bò sữa rất sớm từ năm 1995, khi đó chương trình quốc gia về nuôi bò sữa được triển khai nhiều ở huyện Củ Chi. Sau hơn 20 năm, đàn bò sữa của anh Vũ đã có 50 con, trong đó có hơn hai phần ba số con đang cho sữa, năng suất sữa khá cao. Sau nhiều năm chăn nuôi, giờ trang trại của anh Vũ là một trong những trang trại nuôi bò sữa hiệu quả, gần như toàn bộ khâu cho ăn, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại và vắt sữa đều được cơ giới hóa, nhất là hệ thống vắt sữa đã sử dụng hoàn toàn bằng máy móc, vừa đảm vệ sinh vừa tăng thêm lượng sữa mà lại tránh được bệnh viêm vú cho bò. Anh cho biết: "Để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của công ty thu mua sữa, người nông dân phải biết cải tạo, nâng cao chất lượng sữa, mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa vào trong chăn nuôi để thay thế sức lao động của con người. Xuất phát từ tình hình nêu trên, tôi đã từng bước áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi. Bắt đầu từ năm 2003, tôi áp dụng máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, xây dựng hầm biogas để giảm ô nhiễm môi trường. Năm 2013, tôi áp dụng hệ thống làm mát cho đàn bò, sử dụng máy trộn thức ăn TMR. Tôi đã cải tạo chuồng trại; cải tạo đồng cỏ; cơ cấu lại đàn bò cho hợp lý, mạnh dạn loại thải những con bò có năng suất thấp, tận dụng những con bò còn sinh sản để chuyển qua cho lai hướng thịt. Hiện nay, tôi đã lai tạo được 5 con và 2 con đã sinh sản và thấy con bò BBB giai đoạn đầu có hướng phát triển rất tốt. Tổng đàn bò của tôi có 50 con, trong đó có 21 con cho sữa, trung bình mỗi ngày vắt được hơn 300 kg sữa. Hướng tới tôi sẽ cải tạo nâng chất đàn bò để có năng suất sữa cao hơn".

Những thành quả này giúp người dân vững tin hơn vào sự đổi mới của quê hương mình. Hy vọng, từ cảm nhận của sự thay đổi trong mùa xuân này sẽ là nguồn động lực, nguồn sức mạnh giúp người dân vững tin hơn vào sự đổi mới của quê hương mình trong quá trình nâng chất các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới mà huyện đang thực hiện và những mùa xuân sau sẽ còn kể tiếp nhiều câu chuyện vui từ các xã nông thôn mới.

NGỌC THỦY


Số lượt người xem: 2013    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm