LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
4
0
6
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 27 Tháng Bảy 2016 8:15:00 SA

Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn là trách nhiệm của cộng đồng và toàn xã hội

Mỗi khi tháng 7 về, thật ý nghĩa và thiêng liêng biết bao khi cả nước đang hướng về các hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2016). Trong những ngày tháng 7 này, cả nước như thêm gắn bó với nhau hơn bởi đều có chung niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc về những người có công với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vì sự tồn vong của quốc gia dân tộc, vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân hôm nay.

 

Cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đề xuất và sau đó quyết định chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Người nhấn mạnh: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". Người cũng đã xin xung phong gửi một cái áo lụa, một tháng lương, số tiền từ một bữa nhịn ăn của Người và của toàn thể cán bộ, nhân viên Phủ Chủ tịch đóng góp vào nghĩa cử của toàn dân cho việc chăm sóc thương binh cả nước. Và trong lời kêu gọi nhân Ngày Thương binh toàn quốc, ngày 27/7/1948, Người viết: “… Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần…”  Từ đó hàng năm cứ đến ngày 27/7, Người đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được chính thức đổi thành Ngày Thương binh liệt sĩ.

 

Thấm nhuần và tỏa sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", 69 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình tiếp tục được hoàn thiện và thực hiện có kết quả. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, chỉnh trang nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm triển khai liên tục, rộng khắp. Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân.

 

Cùng với cả nước, phát huy truyền thống 69 năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi quan tâm thực hiện và phát triển sâu rộng trong toàn xã hội. Ngoài hỗ trợ về vật chất như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở, chăm lo đời sống, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát triển kinh tế gia đình; huyện còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, tổ chức nhiều hoạt động tri ân, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, huyện cũng triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào Đền ơn đáp nghĩa, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn huyện. Hơn hết, đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách... Bằng các nguồn kinh phí của Trung ương, thành phố, huyện, xã, thị trấn và đóng góp của nhân dân, toàn huyện đã nâng cấp hàng nghìn mộ liệt sĩ; chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ huyện, nhà bia, đền thờ liệt sĩ ngày một khang trang hơn; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng... Tổng trị giá các hoạt động tình nghĩa lên đến hàng trăm tỷ đồng, đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn tới các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm của nghĩa tình, của sự biết ơn và kính trọng đối với sự hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công còn bất cập; còn chậm trong việc hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hồ sơ xét duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách.... Và xót xa hơn khi còn đó những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống; vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính.

 

Thiết nghĩ, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn không còn là tình cảm mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Đảng và Chính quyền phải luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Chính vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

 

                                                                                                                      NGỌC THÙY

 


Số lượt người xem: 10042    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm