LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
8
7
0
0
TIN TỨC SỰ KIỆN 27 Tháng Tư 2016 1:35:00 CH

Vang mãi lời ca “Củ Chi đất lửa hoa hồng”

41 năm đã trôi qua nhưng sâu trong ký ức của những người lính, người dân vùng đất Củ Chi vẫn còn vẹn nguyên những hình ảnh mất mát, đau thương của những người chiến sĩ vì nước quên thân; những hình ảnh mưa bom bão đạn mà giặc Mỹ đã dội xuống vùng đất này. Để giành độc lập dân tộc, giải phóng Củ Chi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đất Củ Chi đã nhuộm biết bao xương máu của những người lính anh hùng. Và có những người lính, tuy không trực tiếp cầm súng chống giặc nhưng họ đã hun đúc, động viên tinh thần những người lính vượt qua khói súng, bom đạn mà đứng lên đấu tranh, quyết đuổi sạch quân thù. Đó chính là những người lính văn công, những người nhạc sĩ cách mạng - họ đã đánh giặc bằng những lời ca tiếng hát. Và người tôi muốn nhắc đến ở đây là nhạc sĩ Quốc Thạnh – người đã sáng tác bài hát “Củ Chi đất lửa hoa hồng”. Bài hát không chỉ được sử dụng làm “vũ khí tinh thần” để kêu gọi ủng hộ kháng chiến, cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ trong kháng chiến mà bài hát ấy còn được dùng làm nhạc hiệu Đài truyền thanh huyện Củ Chi từ khi thành lập cho đến hôm nay.

 

VŨ KHÍ SẮC BÉN
Nhạc sĩ Quốc Thạnh tên thật Trần Văn Chao, sinh năm 1937, hy sinh năm 1970 tại chiến trường Campuchia khi đang làm nhiệm vụ. Quê quán ấp Hậu, xã Tân An Hội. Sinh ra trong thời lửa đạn, ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Lúc đầu ông hoạt động cách mạng bí mật tại địa phương sau phát hiện ông có năng khiếu về ca hát, sáng tác nên năm 1960 ông vào đoàn văn công huyện Củ Chi, sau đó là Trưởng Đoàn văn công T4 thuộc khu Sài Gòn – Gia Định. Tại đây ông đã có những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời khi cùng các anh em nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân, chiến sĩ trên khắp chiến trường Củ Chi. Với rất nhiều những khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt cộng với tính mạng luôn bị đe doạ bởi bom, mìn pháo kích nhưng ông và Đoàn vẫn nỗ lực đem đến những tiết mục hay để cổ vũ chiến sĩ. Sống trong lòng địch, ngày ngày chứng kiến cảnh địch càn quét, bắn phá; chứng kiến những đau thương, mất mát của đồng bào; chứng kiến những nghị lực, tinh thần kiên cường của những người con đất thép, càng hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước của ông. Năm 1964, nhạc sĩ Quốc Thạnh đã viết nên ca khúc “Củ Chi đất lửa hoa hồng”. Từ đó, những người lính văn công đã có thêm “đứa con tinh thần” phục vụ chiến sĩ trên mặt trận.
Bài hát “Củ Chi đất lửa hoa hồng” mang mục đích chính trị rõ ràng, nhưng lời nhạc không chỉ là những câu khẩu hiệu khô khan. Bài hát của ông mang giai điệu hào hùng, lời ca mộc mạc và gần gũi, nên dễ dàng đi vào lòng người. Nhạc của ông còn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại với âm hưởng hào hùng, lạc quan yêu đời.
“Là dân Củ Chi diệt thù ta cứ đi, băng qua lửa đạn hiểm nguy ta sợ gì?” là câu mở đầu cho bài hát Củ Chi đất lửa hoa hồng thể hiện tinh thần lạc quan, quyết tâm diệt được giặc thù của tác giả. Nói về bài hát, ông Nguyễn Tấn Lập hay còn gọi là Bảy Lập – người trực tiếp hát và dạy hát cho các chiến sĩ cho biết lời bài hát là những câu từ hết sức bình dị nhưng lại phản ánh rất chính xác tình hình lúc bấy giờ. Dù xung quanh là những hố bom do Mỹ tàn phá nhưng người dân Củ Chi vẫn không hề nao núng, quyết trồng trọt, sản xuất trên chính mảnh đất đầy rẫy bom đạn của kẻ thù. Dù đạn pháo rơi đầy nhưng những mầm lúa vẫn vươn mình cao lớn. Thế nhưng đó không chỉ đơn thuần là miêu tả những đọt mì, mầm lúa mà qua đó nhạc sĩ dùng hình ảnh đó để nói về sự kiên cường, anh dũng của các chiến sĩ, của người dân Củ Chi đất thép “giết giặc Mỹ bằng pháo bom của Mỹ, đất hoa hồng Củ Chi bao nhiêu thôn xóm bấy nhiêu chiến công oai hùng” hay như “bám lòng đất già trẻ gái trai đánh Mỹ” và “giục ta đi lửa thù ta quyết chí, lấy máu Mỹ Ngụy nhuộm đất hoa hồng Củ Chi”. Ông Bảy Lập nghẹn ngào kể “Anh Quốc Thạnh biết tôi có chút kiến thức về âm nhạc nên anh đưa bài hát còn trên giấy vở học sinh để tôi đàn Măngđôlin dạy cho anh em hát. Tôi cất giọng hát nhưng nhỏ nhẹ quá, anh Quốc Thạnh liền khều vai tôi nói liền, hát vậy sao được, bài này là phải ca cho hùng hồn, khí thế lên chứ. Cổ vũ anh em đi đánh giặc mà hát vậy thì tinh thần đâu mà đánh. Tôi là một trong những người hát đầu tiên và nhớ mãi lời bài hát đến hôm nay. Sau đó, khi dạy bài hát này cho các anh em cũng như phục vụ cho chiến sĩ thì mọi người rất thích và dễ nhớ. Mỗi lần bài hát được vang lên là trong mắt mỗi người lính, người dân đều ánh lên niềm tự hào, quyết tâm giành lấy độc lập. Từ đó, bài hát được phổ biến có nhạc và lời như hiện nay mà dân Củ Chi mình ai cũng biết hát và hay hát. Và sau này bài hát này làm nhạc hiệu cho Đài truyền thanh huyện. Mỗi lần nghe đài là mỗi lần tôi lại nhớ về một thời khói lửa đầy niềm tin và quyết thắng cũng như rất nhớ anh Quốc Thạnh. Nếu như anh Quốc Thạnh còn sống chắc hẳn sẽ rất vui!” Có thể nói, trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, nhạc sĩ Quốc Thạnh là cán bộ văn nghệ trực tiếp lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng ông luôn lạc quan, tin vào sự nghiệp giải phóng đất nước sẽ giành thắng lợi, đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
LỜI CA CÒN MÃI NGÂN VANG
Sống trên quê hương Củ Chi, chúng ta không khó để nghe được bài hát “Củ Chi đất lửa hoa hồng”. Bài hát ấy luôn được các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ca ngợi về con người Củ Chi tại các đêm liên hoan văn nghệ quần chúng, tại các buổi họp mặt ôn lại truyền thống cách mạng hay thậm chí bài hát còn được sử dụng rộng rãi tại các chương trình lớn của thành phố. Bài hát đã trở thành một trong những bài hát trong kho tàng các bài hát cách mạng, bài hát về vùng đất Củ Chi anh hùng. Và mỗi ngày, mọi người dân Củ Chi lại được lắng nghe những giai điệu hào hùng của bài hát “Củ Chi đất lửa hoa hồng” – nhạc hiệu của Đài Truyền thanh huyện Củ Chi qua hệ thống loa không dây trên địa bàn huyện. Chắc hẳn khi nghe bài hát ấy, trong lòng mỗi người dân Củ Chi luôn cảm thấy tự hào, kiêu hãnh vì là người con đất thép, luôn rạo rực một tình yêu con người, yêu quê hương đất thép.
Chúng tôi lần theo chỉ dẫn của ông Bảy Lập đến thăm gia đình nhạc sĩ tại ấp Hậu xã Tân An Hội. Tiếp chúng tôi là vợ và người con gái lớn của ông. Nhắc đến người cha đã hy sinh, mắt cô Trần Thị Ngọc Diệp – con gái lớn của ông ngân ngấn nước mắt: “Mỗi lần nghe bài hát Củ Chi đất lửa hoa hồng mà ba tôi đã sáng tác, trong lòng tôi rất xúc động, vừa đau nỗi đau mất đi người thân, đau vì ba đã bỏ lại vợ và 2 con ra đi khi tôi mới 10 tuổi, nhưng đồng thời tôi lại cảm thấy tự hào vì ba đã viết nên ca khúc thật hay và hào hùng; nhắc nhớ chúng tôi về những công lao mà ba và những người chiến sĩ khác đã hy sinh cho Tổ Quốc”. Thế nhưng, đối với gia đình nhạc sĩ không chỉ là nỗi đau mất người thân mà nỗi đau vẫn hiện hữu từ ngày nhạc sĩ ra đi chính là gia đình chưa tìm được hài cốt để mang về quê nhà. Mặc dù gia đình đã nhiều lần tìm kiếm, đã dùng nhiều biện pháp nhưng kể từ ngày ấy đến hôm nay vẫn còn là vô vọng. Bà Nguyễn Thị Ái – vợ cố nhạc sĩ luôn mong mỏi sẽ tìm được hài cốt nhạc sĩ và mang về quê hương an táng, để ông được gần vợ gần con. Khi ấy thì gia đình mới có thể an tâm được.
Dù nhạc sĩ Quốc Thạnh không trực tiếp cầm súng chiến đấu, không trực tiếp băng mình qua mưa bom bão đạn, không lập những chiến công như giết giặc hay bắn rơi máy bay nhưng ông đã chiến đấu hết mình trên mặt trận tư tưởng như lời Bác Hồ đã nói “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chiến công của ông là những lời ca tiếng hát, là bài hát “Củ Chi đất lửa hoa hồng”. Những lời ca ấy sẽ là sử sách giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của quê hương đất thép. Vì thế, sẽ không là quá đáng nếu như tên nhạc sĩ Quốc Thạnh được đặt tên cho một Nhà văn hóa hay con đường tại xã Tân An Hội anh hùng; sẽ không là quá đáng nếu như tên của ông được nhắc đến nhiều hơn hoặc xuất hiện trong những câu chuyện kể về một thời kháng chiến, về những người lính văn công bởi ông đã để lại cho đời những lời ca hào hùng, mang đậm tính kiên cường anh dũng của người dân Củ Chi. Khi ấy nỗi đau mất mát của gia đình ông – những người ở lại sẽ được vơi bớt đi mà chỉ còn là niềm tự hào mỗi khi nhắc đến người, tự hào là dân Củ Chi.
“Là dân Củ Chi diệt thù ta cứ đi
Băng qua lửa đạn hiểm nguy ta sợ gì?
Là quê hương Thành đồng chống Mỹ
Đất lửa hoa hồng là đất anh hùng Củ Chi”

NGỌC THÙY


Số lượt người xem: 6898    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm