LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
0
0
0
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 26 Tháng Tư 2016 1:30:00 CH

Hiệu quả từ Chương trình xóa đói, giảm nghèo ở Củ Chi

Năm 1992, huyện Củ Chi chọn ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội làm điểm thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) bằng cách cho 10 hộ dân nghèo nhất trong ấp mượn vốn sản xuất. 23 năm qua, chương trình này không chỉ phát huy tốt hiệu quả ở nơi phát xuất, ở TP Hồ Chí Minh, mà còn lan rộng khắp cả nước…

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Củ Chi những năm 1990 Lê Thành Tâm nhớ lại: “Do nhiều nguyên nhân mà 15 năm sau ngày giải phóng, huyện Củ Chi gặp rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo, đói thời điểm ấy còn rất nhiều. Ở vùng kháng chiến, vùng sâu, vùng xa, có đến nửa số hộ thuộc diện nghèo, gia đình chính sách khó khăn, cần trợ giúp. Đó luôn là sự trăn trở thường trực của lãnh đạo huyện thời điểm đó…”.
Năm 1992, huyện Củ Chi chọn ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội làm điểm bằng cách giúp vốn cho hộ nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ vay 500 nghìn đồng. Trong số 10 hộ đầu tiên ở ấp Cây Sộp được vay tiền từ chương trình này (sau có tên chính thức là Chương trình (XĐGN) có gia đình ông Đỗ Văn Vân. Ông Vân nhớ lại: “24 năm trước, gia đình tôi nghèo lắm. Được địa phương hỗ trợ cho vay 500 nghìn đồng, vợ chồng tôi mua một đôi trâu nghé về nuôi. Trâu lớn, chúng tôi bán bớt một con để trả vốn, giữ lại một con nuôi nái… Giờ chúng tôi đã có của ăn, của để”.
Từ ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, chương trình đã nhân rộng ra nhiều địa phương khác ở Củ Chi. Ban Chỉ đạo chương trình từ xã đến huyện được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính là tham mưu cấp ủy cùng cấp chăm lo cho bà con trong diện nghèo. Vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, chương trình đã ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền không riêng ở Củ Chi mà đã lan tỏa rộng khắp các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Với phương châm “Giúp cần câu thay vì giúp con cá”, nguồn vốn dành cho chương trình lớn dần. Chương trình còn nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía xã hội, nhất là nội bộ bà con dòng tộc, họ hàng với nhau, khơi dậy và phát huy tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, người có giúp người khó. Trong cộng đồng dân cư cũng xuất hiện nhiều cách giúp nhau như: Cho mượn vốn; bán cho nợ tiền cây, con giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp không tính lãi; những hộ kế cận nhau có trách nhiệm giúp đỡ một hộ nghèo trong cộng đồng mình sinh sống thông qua hình thức liên kết vốn… Đáng quý hơn, nhiều hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay sau khi làm ăn có hiệu quả đã rút khỏi chương trình, đồng thời nhận giúp đỡ những bà con nghèo còn lại bằng vốn và kinh nghiệm sản xuất…
Trong giai đoạn 1992 - 2003, chuẩn thu nhập bình quân hộ nghèo ở huyện Củ Chi là 2,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài nguồn vốn của chương trình, các đoàn thể chính trị xã hội, các cá nhân hảo tâm cũng đã vào cuộc cùng chăm lo bà con nghèo bằng hình thức giới thiệu tín chấp để ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; tích cực giải quyết việc làm cho thanh niên trong độ tuổi, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp bà con nâng cao kiến thức, tay nghề trong sản xuất và chất lượng nông sản hàng hóa làm ra.
Giai đoạn 2004 - 2008, chuẩn thu nhập bình quân hộ nghèo ở Củ Chi là 6 triệu đồng/người/năm. Từ những kết quả bước đầu, Củ Chi tiếp tục nâng chất các tiêu chí về XĐGN để giúp cho bà con thoát nghèo một cách căn cơ hơn như miễn, giảm học phí cho con em trong diện hộ nghèo, tặng thẻ bảo hiểm y tế và sổ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo... Trong đó, chương trình tặng nhà tình thương đã giúp nhiều bà con nghèo có thêm điều kiện an cư lạc nghiệp.
Đến thời điểm này, toàn huyện Củ Chi còn 2.169 hộ nghèo (có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) và 8.864 hộ có thu nhập dưới mức 21 triệu đồng/người/năm, chỉ còn chiếm tỷ lệ tương ứng là 2,14% và 8,75% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Hơn 20 năm qua, đã có 6.447 căn nhà tình thương tặng cho hộ nghèo, giúp bà con an cư lạc nghiệp. Mỗi năm, toàn huyện giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động, trong đó có 4.000 lao động có việc làm mới…
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú nhìn nhận, kết quả nêu trên đã phản ánh đúng thực tế ở địa phương và điều đáng ghi nhận nhất là sự cố gắng vươn lên, không chịu đầu hàng số phận của bà con trong diện nghèo. Đó còn là sự quan tâm chia sẻ khó khăn; sự hỗ trợ, giúp đỡ hết sức thiết thực của thành phố với Củ Chi, một vùng đất vốn chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh… Hiệu quả của Chương trình XĐGN hơn 20 năm qua và sự giúp đỡ, hỗ trợ hết mình của thành phố là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh để Củ Chi thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2015 - 2020 giúp nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, mức hưởng thụ giữa các tầng lớp dân cư...
Giai đoạn 2009 - 2013, chuẩn thu nhập hộ nghèo tăng lên 12 triệu đồng/người/năm và giai đoạn 2014-2015, chuẩn thu nhập hộ nghèo là 16 triệu đồng/người/năm; hộ cận nghèo có thu nhập 16 đến 21 triệu đồng/người/năm…
24 năm thực hiện chương trình XĐGN tại Củ Chi, ngoài ý nghĩa chính trị chương trình còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc truyền khơi dậy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” “Tương thân tương ái, mình vì mọi người trong cộng đồng”. Không những vậy chương trình còn nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của xã hội bằng tinh thần trách nhiệm cùng chăm lo cho những mảnh đời có hoàn cảnh không may. Từ chương trình xóa đói giảm nghèo ở “Đất thép Củ Chi” đã có sức ảnh hưởng và lan tỏa ra cả nước, và đã có hàng vạn hộ nghèo được đổi đời từ chương trình. Chương trình XĐGN giờ đây trở thành nhiệm vụ của Đảng và nhà nước ta trong lãnh đạo xây dựng phát triển hôm nay.
 VĂN TÀI

Số lượt người xem: 3916    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm