LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
1
8
9
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 17 Tháng Tư 2016 11:40:00 SA

Gặp gỡ “Kiện tướng” đào hầm địa đạo

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, ký ức về thời oanh liệt của tuổi trẻ lại ùa về với những người lính năm xưa. Ký ức những đêm cùng nhau cuốc đất, đào hầm địa đạo để góp phần làm nên thắng lợi cho ngày 30 tháng 4 toàn thắng. Nay dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm (83 tuổi) nhưng những ngày tháng ra sức đào hầm địa đạo để các đồng chí đồng đội cũng như người dân trú ẩn mãi là những kỷ niệm đẹp mà ông Lê Văn Lạng (tự là Tư Nóng) ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ mãi khắc ghi.

NHỮNG NGÀY ĐÀO HẦM GIAN KHỔ
Địa đạo Củ Chi là một trong những nỗi khiếp sợ của quân địch cũng là nơi trú ẩn an toàn cho những người lính. Để có được điều đó, thì những con người như ông Tư Nóng đã phải thức trắng không biết bao nhiêu đêm, từ năm nay, sang năm khác để xây dựng những đường hầm địa đạo bí mật, một trong những công trình thế kỷ trong lòng đất.
Rót vội chén trà nóng mời khách, ông Tư hỏi chúng tôi tìm đường có cực không, ông cười nói: “Nếu hỏi nhà Tư nóng thì mọi người đều biết chứ nói chú Lạng thì ít người biết lắm”. Tiếng cười sảng khoái của ông như nhắc lại mọi thời trai trẻ “sống chết” cùng cây cuốc để đào hầm địa đạo chống lại kẻ thù. Ông bảo cũng chính từ cái thời đào hầm đó mà ông được gọi là Tư Nóng, cái tên mà mọi người đặt cho ông mãi đến tận bây giờ. Tính ông nóng nảy, gan lì, không sợ một ai, gặp địch là đánh còn đào hầm là đào phải xong, đào hết mình, chậm chạp là ông la rầy. Ai cũng hiểu ông nên không ai giận mà đào cái nào khó anh em đều gọi ông. Ông kể, “địa đạo được đào theo kiểu xương cá, nối liền từ nhà dân này sang nhà dân khác”. Lúc đó, địch vây bắt, đánh phá quyết liệt, dữ dội lắm nên ai cũng sợ. Ông và mọi người chia nhau mỗi đội khoảng 7, 8 người đào một hầm, thay phiên nhau đào. Đêm nào kêu gọi được nhiều thanh niên du kích hay người dân nhiều thì đào được nhiều hầm. Nhiều nơi đất cứng, toàn là đá ong, mọi người phải lấy cuốc chim nạy từng cục đất nhỏ nên nhiều đêm đào nguyên đêm mà không xong một hầm. Chủ nhà thì sợ bị lộ sẽ bị địch giết hại, ông đã phải trấn an chủ nhà, cho lấp lại, canh chừng để tối mai đào tiếp. Giá nào cũng phải đào xong.
Đào xong hầm rồi thì chuyện làm nắp hầm cũng không phải dễ. Ông nói: “Đào hầm xong muốn làm nắp hầm thì phải đi xin hoặc mua tre nứa để gác rồi mới dầm đất lên. Làm như vầy, tôi thấy tốn kém thời gian và tiền bạc nữa. Đối với các hầm khác thì tôi không biết chứ hầm tôi đào là khi đào xong tôi xuống hầm, chống lưng thay thế tre, nứa để các anh em đổ đất lên, nện xuống”. Sự lì lợm, như vậy lên cái tên Tư Nóng lại càng khiến mọi người nhớ và biết đến nhiều hơn.
Khi được hỏi “Chú là kiện tướng đào hầm, lúc đó nhiều người đào được như chú không” ông cười xòa nói: “Tui là gì, nhiều anh em còn giỏi hơn tui nhiều, vầy mới có hệ thống địa đạo, nỗi kinh hoàng của giặc chứ”. Ông đào chủ yếu là hệ thống địa đạo ở xã An Nhơn Tây bởi đây là khu vực ông phụ trách, nhiều lúc ông cũng sang đào và hướng dẫn phụ giúp cho các anh em đào hầm bên Nhuận Đức, Phú Hòa Đông nếu gặp trường hợp nào khó đào quá. Đào hầm không phải chuyện dễ, dù học ít nhưng bằng kinh nghiệm của mình và sự thông minh, ông vẽ sơ đồ để đào, cứ cách 8m lại đào 1 hầm. Đào hầm như đào giếng, mọi người phải lấy cuốc tay khoét sâu, dùng xà beng nạy từng cục đất rồi mới lấy đất đi đổ nơi bụi rậm hoặc tạo các ổ mối để chúng không phát hiện. Nhưng đặc biệt hơn là các hầm ông đào phần lớn là trong sân hay vườn của nhà dân nên nếu địch vào phát hiện đất mới thì dễ bị lộ. Cho nên mỗi khi đào xong còn phải rải đất xung quanh và cào lá cây lấp lại y như cũ. Vất vả vậy nhưng ông và đồng đội vẫn đào hàng trăm căn hầm nối liền nhau thành một hệ thống địa đạo làm cửa ngõ để đi lên Phú Mỹ Hưng. Mọi người còn đào cả hầm làm phòng chiếu phim dưới lòng đất để nếu có đoàn chiếu phim lưu động của quân khu thì anh em có thể ngồi xem để giải trí. Sức mạnh ý chí của con người đã chiến thắng khó khăn. Chỉ bằng phương tiện dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc, chiếc xe ki xúc đất bằng tre mà ông cùng đồng đội, nhân dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm km đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã, ấp với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu”. Mỗi người như ông là một chiến sĩ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc. Nhờ vậy mà năm 1963 ông được Quân Khu 4 phong tặng kiện tướng đào địa đạo.
CUỘC CHIẾN VỚI KẺ THÙ!
Với nhiều nhiệm vụ khác nhau từ ấp đội, tiểu đội trưởng du kích, rồi xã đội phó, xã đội trưởng, ông được rút về Trung đội tập trung huyện Củ Chi(sau này phối hợp với Trung đoàn Quyết Thắng 2). Lúc này, ông được cử làm đại đội trưởng kiêm nhiệm vụ huyện đội phó. Ông đã tham gia nhiều trận đánh giáp lá cà với giặc, nhiều trận ông đánh cả xe tăng của giặc. Do là người địa phương thông thạo các con đường cũng như địa hình của vùng đất Củ Chi nên ông còn nhiệm vụ dẫn lính đặc công đánh du kích vào khu căn cứ Đồng Dù để tiêu hao sinh lực địch.
Tuy nhiên, nhiều trận diễn ra ác liệt, sức địch mạnh, mình mất mát, hy sinh cũng không phải là ít. Một trong những trận đánh mà ông nhớ nhất cũng là bước ngoặt trong cuộc đời chống lại kẻ thù của ông đó chính là vào năm 1969. Một lần ông và đồng đội vào căn cứ thì bị địch phát hiện vây bắt toàn đội. Đội ông đã đánh trả quyết liệt, đánh giáp lá cà, nhiều đồng chí đã hy sinh. Địch lúc đó rất là đông nên ông và một số người khác phải rút xuống hầm để ẩn nấp. Địch gọi thêm chi viện quyết bắt được những người còn sống sót. Chúng vây đúng 1 tuần liền và cuối cùng đã bắt được ông. Chúng mang ông về nhốt tại Bình Dương để tra khảo, sau đó lại đưa ông qua trại giam ở Hố Nai, Đồng Nai và cuối cùng chúng đày ông ra Côn Đảo, Ông trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe.
Đến năm 1973, sau Hiệp định Pari, trao trả tù binh, ông được trở về với cách mạng. Tinh thần nhiệt huyết của người lính, sự gan dạ, sức mãnh liệt của một kiện tướng đào hầm lại tiếp tục thôi thúc ông tham gia các trận đánh để giành lại độc lập cho quê hương. Trong những ngày như 28, 29, 30/4 lịch sử ông đã cùng đồng đội tấn công giặc với khí thế hùng dũng và hiên ngang. Ông nói “Lúc đó tâm trạng ai cũng phơi phới bởi ngày đất nước độc lập đang tới rất gần”. Đoàn quân của ông đánh xuống vào tận nội thành Thành phố và trong giờ phút vinh quang ai cũng ôm nhau vì hạnh phúc. Vậy là mình đã chiến thắng hoàn toàn kẻ thù. Từ nay sẽ không còn chiến tranh nữa, hạnh phúc dâng trào trong lòng những người lính như ông. Với những gì mà ông cống hiến, ông đã vinh dự nhận huân chương kháng chiến chống mỹ hạng nhất, Huân chương dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương chiến công hạng 2. Năm nay ông cũng vừa tròn 53 năm tuổi Đảng.
TIẾP TỤC CỐNG HIẾN SỨC MÌNH CHO QUÊ HƯƠNG!
Ngay sau khi Hội cựu chiến binh được thành lập, ông lại bắt đầu với nhiệm vụ mới đó chính là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ. Ông nói: “Tôi chữ nghĩa thì dốt lắm vì không được đi học từ nhỏ, nhưng khi làm việc thì đã có các anh em khác hỗ trợ giúp, tôi chỉ đưa ra ý kiến, tổ chức cho chi hội hoạt động sao cho tốt thôi”. Bằng sự nhiệt tình của mình, ông đã tập hợp đông đảo anh em cựu chiến binh đến với Hội. Các hội viên cũng tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Hội cựu chiến binh các cấp phát động. Đặc biệt là phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế để cùng nhau làm giàu cho bản thân và quê hương mình. Riêng bản thân ông cũng đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của hội chiến binh các cấp và của UBND xã vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và cựu chiến binh gương mẫu.
Nói về ông Tư Nóng, ông Khâu Sĩ Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện cũng đã chia sẻ: “Ông Tư Nóng là một người trong chiến đấu luôn bám trụ, kiên cường, dũng cảm. Thời bình ông tích cực tham gia các phong trào. Ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người lính Cụ Hồ trong mọi thời đại”.
Vậy là 41 mùa xuân đã trôi qua sau ngày toàn thắng, những ký ức về thời trai trẻ về những ngày đào hầm địa đạo, quyết chiến với quân thù vẫn còn mãi là ký tức tự hào của những con người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của vùng đất anh hùng. 
THU HÀ
 

 


Số lượt người xem: 2461    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm