LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
0
9
0
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 16 Tháng Tư 2016 11:35:00 SA

CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG CHIẾN CÔNG CỦA NỮ DU KÍCH MẬT Ở XÃ PHÚ HÒA ĐÔNG

Ơ...ơ Ai đến An Nhơn, ai về An Phú u...u
Mỗi chiều nghe tiếng.... nghe tiếng chị du kích quân hát rằng
Hát rằng quê ta, quê ta là đất Củ Chi ơ...ơ
Quê ta là đất Củ Chi quân thù mà đến có đi không ngày về ha...hà
Nơi đây có bao dũng sĩ, chị em ta quyết tâm thành dũng sĩ
Diệt Mỹ xâm lăng, diệt lũ bạo tàn
Bám xóm làng bảo vệ mùa màng hờ...hớ

 

Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã 41 năm, thế nhưng ký ức về cuộc đấu tranh oai hùng của dân tộc vẫn còn in đậm trong trái tim những người lính. Trong số những địa danh phải gánh chịu những hy sinh, mất mát lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mảnh đất Củ Chi, vùng đất thép thành đồng của Tổ quốc. Những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao người dân Củ Chi đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương. Trong đó có những nữ du kích đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phú Hòa Đông là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của chiến trường trọng điểm Củ Chi. Đây là nơi tiếp giáp với các xã vùng căn cứ giải phóng như ấp Phú Thuận, ấp Phú Bổn, xã An Tây, Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Do vị trí địa lý, nơi này trở thành bàn đạp để lực lượng cách mạng vào nội thành và ra vùng căn cứ: là đầu mối tiếp nhận lương thực, thuốc men, từ nội thành chuyển ra. Phú Hòa Đông từng là nơi dừng chân tạm trú đóng của Tỉnh ủy Gia Định, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Huyện ủy Củ Chi.
Kế thừa truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước, phụ nữ Phú Hòa Đông cần cù lao động, chịu thương chịu khó. Phong trào đấu tranh của phụ nữ xã Phú Hòa Đông luôn gắn bó khắng khít với phong trào cách mạng của phụ nữ Củ Chi. Cùng với đội du kích xã, lực lượng du kích mật có sự tham gia của hàng chục người, phần lớn là phụ nữ tham gia hoạt động. Đó là các chị: Lê Thị Vân, Lê Thị Chiến, Lê Thị Ánh, Nguyễn Thị Anh (Út Trung Liên), Nguyễn Thị Á, Hà Thị Dém, Võ Thị Rảnh, Lâm Thị Minh (Muối), Nguyễn Thị Thanh Hồng, Huỳnh Thị Nhi, Nguyễn Thị Lan,… Các nữ du kích mật có mặt ở nhiều nơi, dễ dàng len lỏi trong các ấp chiến lược, nuôi giấu cán bộ, theo dõi bọn ác ôn, gài trái, tham gia đào địa đạo, làm hầm bí mật, làm y tá, dân công tải đạn,…
Chị Lê Thị Vân tham gia công tác thanh niên ở xã Phú Hòa Đông từ năm 1960. Là tổ trưởng dân công hỏa tuyến, chị tham gia tải thương, tải đạn, phá hoại cầu đường, đào địa đạo,… đồng thời tuyên truyền vận động thanh niên tòng quân đánh giặc. Đến năm 1964, chị Vân bị lộ nên thoát ly gia đình, chị làm công tác thanh niên và phụ nữ tại địa phương. Nhiệm vụ chị lúc này là xây dựng cơ sở nòng cốt cho phong trào cách mạng, thúc đẩy đấu tranh chính trị; đặc biệt là tạo dựng cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch, xây dựng du kích mật,… Thực hiện đánh địch bằng 3 mũi giáp công, năm 1972, chị Lê Thị Vân phối hợp với cơ sở nội tuyến, tổ chức diệt ác phá kềm, phá ấp chiến lược, đưa dân về ruộng vườn cũ bám trụ sản xuất. Đêm 30/4/2972, Huyện đội trưởng Nguyễn Văn Thắng (Năm Thắng) chỉ đạo cho chị Vân sử dụng cơ sở nội tuyến Nguyễn Văn On, liên toán trưởng đội phòng vệ dân sự ở Hậu Nghĩa và Củ Chi để diệt tên Hen chiêu hồi ác ôn nhưng không thành do bị lộ. Biết tên Hen vốn mê gái, chị Vân tiếp tục theo dõi và lên kế hoạch quyết trừng trị bằng được tên này. Chị Vân chỉ đạo du kích phối hợp với cơ sở nội tuyến, dụ tên Hen ra bìa rào ấp chiến lược, bắt và đem về trừ khử tại căn cứ Tân Phú Trung.
Tại ấp Phú Mỹ xã Phú Hòa Đông, chị Lê Thị Dém tham gia công tác hậu cần của Huyện đội Củ Chi từ năm 1962. Năm 1966, chị được kết nạp vào Đoàn thanh niên. Chị Dém được giao nhiệm vụ làm du kích mật trong ấp chiến lược, nắm tình hình bọn địch ở Đại đội 6 (Sư đoàn 5) và bọn bình định nông thôn. Chị đã cung cấp thông tin để bộ đội ta pháo kích, tiêu hao sinh lực địch. Nắm được chỗ địch gài trái, chị Dém cùng 1 đồng chí tên Bảy Phi gỡ được 40 trái lựu đạn da láng đem về cho du kích. Lần khác hai người gỡ 27 trái mìn râu đem liệng xuống giếng hoang, phá nổ vì chưa biết cách sử dụng. Trụ bám trong dân ở ấp chiến lược, chị Dém đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội vào hoạt động. Một lần khi về thăm nhà, chị đã làm quen với một lính pháo của địch. Chị xây dựng người lính pháo này thành cơ sở nội tuyến và được anh này hướng dẫn cách đo tọa độ pháo cũng như những dấu hiệu nhận biết lúc nào thì lính đi càn để báo cáo với cấp trên. Vào đầu năm 1968, chi Dém vừa vinh dự được kết nạp vào Đảng thì bị thám báo và bị địch bắt, giam ở Bình Dương. Năm 1970, chị ra tù, chị lại lại trở về quê liên lạc với tổ chức và tham gia hoạt động trở lại. Do bị chiêu hồi chỉ mặt, chị lại bị bắt lần thứ hai. Chị bị địch giam cầm và đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, song chị vẫn một lòng một dạ trung thành với Đảng.
Cùng ở ấp Phú Mỹ xã Phú Hòa Đông còn có chị Võ Thị Rảnh tham gia công tác giao liên, chuyển thư cho du kích và bộ đội từ năm 1968. Tham gia du kích mật, chị được xã đội trưởng Bảy Lý bày cách gài trái, đánh trái để hễ có cơ hội là đánh địch. Bên cạnh đó, chị còn tham gia rải truyền đơn trong ấp chiến lược và quanh thành Thầy Biên vào ban đêm. Chị được Người Bí thư Chi bộ tên là Năm Khẩn và xã đội trưởng Bảy Lý chỉ đạo, chị Rảnh tìm cách bám sát hai tên ác ôn là tên cảnh sát Hoài và thám báo Minh ở đồn Cây Me. Nắm được tên thám báo Minh thường di chuyển bằng xe Jeep từ Phú Hòa Đông đến chi khu Phú Hòa (Tân Quy), chị Rảnh bí mật gài mìn và chấm điện, mìn nổ, xe hư khiến tên này bị trọng thương. Còn tên cảnh sát Hoài thường chạy xe Honda đến uống cà phê ở một tiệm gần ấp chiến lược, chị Rảnh làm như vô ý đánh rơi tờ giấy bạc, cuối xuống lượm tiền, lúc này chị nhanh tay gắm kíp nổ vào xe Honda của tên cảnh sát Hoài. Khi tên Hoài dắt xe ra đạp khởi động máy, kíp nổ phát nổ, khiến cho hắn bị gãy chân. Sự việc này gây hoang mang cho địch và bọn tề làng, chúng nói với nhau: “Việt Cộng vào tận chợ giữa ban ngày, từ nay phải canh phòng cẩn mật hơn”.
Sau này, chị chuyển sang hoạt động ở vùng trắng, chị bị bọn chiêu hồi chỉ điểm cho địch bắt. Bị giam ở khám đường Bình Dương, bị tra tấn dã man, song chị Rảnh vẫn một lòng trung thành với cách mạng, kiên quyết không khai báo. Năm 1973, sau khi được trả tự do, chị lại trở về móc nối với cách mạng và tiếp tục hoạt động cho đến ngày quê hương giải phóng.
KIỀU NGÂN (Ghi theo lời kể của Đội nữ du kích Củ Chi) 

Số lượt người xem: 2464    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm