LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
1
3
3
3
TIN TỨC SỰ KIỆN 04 Tháng Tám 2015 2:40:00 CH

Tăng thu nhập cho người dân – Mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Thời điểm ban đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phần lớn người dân sống trên địa bàn huyện Củ Chi chủ yếu sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, giá cả nông sản bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn chiếm tỷ lệ khá cao 8,2% nên tiêu chí về thu nhập thật sự trở thành “chướng ngại vật” khá lớn của các xã nói riêng và toàn huyện nói chung. Qua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế tại các xã đã giúp thu nhập của người dân tăng lên. Khi mới xây dựng đề án nông thôn mới năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 16 – 21 triệu đồng/năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là 40 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo nhờ vậy cũng được kéo giảm.

 Doanh nghiệp – Cầu nối nông thôn mới

Giờ đây, hình hài huyện nông thôn mới đã hiện lên rõ rệt, quê hương Củ Chi đã thay hình đổi dạng. Cơ sở hạ tầng nông thôn được thực hiện bài bản, hiện đại hơn. Nghị quyết Đảng bộ huyện đã khẳng định xây dựng nông thôn mới là một cuộc vận động của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, xây dựng hạ tầng là khâu căn bản. Tính từ năm 2010 đến nay, về cơ bản 20/20 xã xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Huyện đã và đang tiến hành xây dựng 582/903 công trình, đạt tỷ lệ 84,7%.

Có thể nói, xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng điện, đường, trường, trạm, là xây dựng cơ sở hạ tầng mà mục tiêu chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cơ sở hạ tầng hiện đại chính là nền tảng vững chắc để quá trình chuyển đổi sản xuất đi sâu và hiệu quả. Thông qua việc tập trung thực hiện chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất và cây trồng – vật nuôi đã góp phần nâng cao đời sống người dân, từ đó từng bước hoàn thành tiêu chí khó thực hiện nhất – tiêu chí thu nhập.

Tăng thu nhập là một trong những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục đích đầu tiên để thực hiện xây dựng nông thôn mới là phải làm cho đời sống kinh tế của người dân giàu có hơn, đời sống văn hóa lành mạnh, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 – 2015 cũng khẳng định tăng thu nhập cho người dân chính là thành công quan trọng nhất của xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân phải tăng gấp 1,5 – 2 lần so với khi mới thực hiện chương trình. Không thể xây dựng nông thôn mới nhưng nông dân vẫn nghèo.

Chìa khóa để giải quyết tiêu chí thu nhập mà huyện đã tập trung thực hiện trong thời gian qua chính là đưa doanh nghiệp về với nông thôn. Doanh nghiệp chính là cầu nối rất tốt cho nông dân. Doanh nghiệp đưa khoa học kỹ thuật công nghệ về cho nông dân. Doanh nghiệp chính là nơi giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và doanh nghiệp cũng chính là nơi tiêu thụ sản phẩm mà người nông dân làm ra. Rất nhiều những doanh nghiệp đang ăn nên làm ra trên quê hương Củ Chi chính là con em của những người nông dân. Và cho dù không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Củ Chi nhưng với tình yêu xóm ấp, họ vẫn sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ nghiệp tại nơi đây, giúp bà con xóm giềng cùng nhau làm giàu. Có thể nhắc ngay đến ông Nguyễn Tấn Luận, sinh năm 1974, hiện là giám đốc Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại Thái Mỹ, xã Thái Mỹ. Trong thời gian qua, bản thân ông và gia đình không chỉ tập trung phát triển công việc kinh doanh, ông còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nhất là trong việc tăng thu nhập cho người dân. Ông đã phối hợp cùng Hội Nông dân xã tặng 24 con heo giống cho 12 hộ nghèo, với tổng số tiền 96 triệu đồng. Công ty của ông còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động có hoàn cảnh khó khăn của xã Thái Mỹ, với mức lương cơ bản 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ các nguồn quỹ giảm nghèo, khuyến học,…. Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho hộ nghèo cùng các hoạt động văn hóa – xã hội của xã. Từ năm 2009 đến nay, ông đã hỗ trợ xã Thái Mỹ và bà con trong xã tổng số tiền trên 720 triệu đồng.

Từ việc quan tâm tạo môi trường đầu tư tốt như xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là giao thông thuận lợi cho việc đi lại, đảm bảo cung ứng đủ điều kiện để sản xuất; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đơn giản hóa thủ tục pháp lý đầu tư nên trong 5 năm qua trên địa bàn huyện đã thu hút 456 doanh nghiệp về đầu tư. Đến nay, trên địa bàn huyện có tổng cộng 2.120 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngành nghề nông thôn, nghề làm bánh tráng truyền thống, làm bánh phở, hủ tiếu, đan đát, điêu khắc, làm mành trúc đã được phục hồi. Thời gian gần đây xuất hiện những tổ, nhóm tự quản giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế gia đình với hình thức hoạt động nhóm dịch vụ nấu ăn cho các đám tiệc, lễ hội, cho thuê rạp, quay phim, chụp hình. Lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn có thu nhập từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện nhà đã phối hợp cùng các Sở, Ban, Ngành chức năng và các doanh nghiệp tổ chức cung ứng các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, giống cây trồng vật nuôi… thu mua các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo có lợi, tạo tâm lý an tâm cho nông dân khi đầu tư sản xuất. Các đơn vị đã góp phần cùng huyện làm tốt công tác trên có thể kể đến như Công ty sữa Vinamilk, Sài Gòn Coop, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện cùng các xã xây dựng nông thôn mới cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình, tham quan học tập kinh nghiệm cho người dân nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp giảm dần và tiến tới xóa bỏ diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả. Đến nay, diện tích lúa trên địa bàn huyện Củ Chi chỉ còn 4.700 ha. Trên cơ sở đó, mở các lớp dạy nghề như: Kỹ thuật trồng hoa lan, cây cảnh, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, trồng rau, củ, quả, nấu ăn, sửa chữa xe gắn máy, đào tạo cộng tác viên phát triển cộng đồng, tin học. Gắn kết tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 – 2013) và giai đoạn 4 (2014 – 2015), huyện cùng các xã – thị trấn đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 146.350 lao động và giải quyết việc làm cho gần 70.470 lao động. Trong đó, hộ nghèo được giải quyết việc làm cho hơn 11.300 lao động. Như vậy, bình quân mỗi năm, huyện giải quyết việc làm cho từ 11.000 đến 12.000 lao động, số lao động được giải quyết việc làm thuộc diện hộ nghèo vào khoảng gần 2.000 lao động.

Áp dụng chính sách… chính xác!

 

Xác định tiêu chí thu nhập là khá quan trọng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án nhằm tăng thu nhập cho người dân. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, ứng dụng tiến bộ trong sản xuất. Thực hiện hỗ trợ vốn vay và cấp tín dụng cho các hộ nông dân sản xuất từ các nguồn vốn của Hội nông dân, Hội phụ nữ, ngân hàng chính sách – xã hội và chương trình hộ trợ lãi vay theo Quyết định 36 và Quyết định 13 của UBND thành phố với tổng số tiền trên 200 tỷ 697 triệu đồng cho gần 22.500 hộ vay.

 Điển hình trong số những xã làm tốt công tác giảm nghèo tăng hộ khá, nâng cao thu nhập cho người dân phải kể đến xã Tân Phú Trung. Bà Phan Liên Trì – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung cho biết: “Tính đến nay, xã đã lập được 12 dự án cho vay từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo cho 28 hộ vay với số tiền 434 triệu đồng. Ngoài ra, trong nội bộ nhân dân còn giúp nhau về công tác lao động, về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh. Các tổ tự quản giảm nghèo của xã còn tích cực trong việc quản lí quỹ xóa đói giảm nghèo. Các hộ vay vốn đều sử dụng có hiệu quả nên trong năm qua không có nợ quá hạn xóa đói giảm nghèo. Nhằm tạo thêm nguồn vốn cho các hộ nghèo vay cũng như thực hiện chỉ tiêu vận động do huyện phân bổ, UBND xã đã giao chỉ tiêu vận động quỹ xóa đói giảm nghèo cho 11 ấp, với tổng số tiền 25 triệu đồng và được đưa vào chỉ tiêu thi đua của ấp. Năm 2014, xã đã vận động được gần 60 triệu đồng, đạt tỷ lệ 207%. Ngoài ra, đối với công tác thực hiện chính sách xã hội ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho 590 lao động, tổ chức 03 lớp đào tạo nghề cho 118 người. Năm qua, xã đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 888 đối tượng, hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ bảo hiểm cho 70 hộ cận nghèo, hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 10 hộ cận nghèo. Hỗ trợ chi phí học tập cho 171 em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Và trao tặng trên 50 suất học bổng, trị giá 44 triệu đồng cho trẻ em nghèo học giỏi của xã”. Để đạt được những kết quả khả quan trên, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Phú Trung đã triển khai, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đảng bộ đến từng cán bộ, đảng viên từ xã đến ấp. Ông Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung. Trong giai đoạn giảm nghèo (2009 – 2013), ấp Cây Da có 24 hộ nghèo nhưng đến nay, qua thực hiện nhiều giải pháp, ấp Cây Da chỉ còn 01 hộ nghèo và 07 hộ cận nghèo. Đặc biệt, ấp không còn nợ vốn giảm nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được đến trường. Ông Tuấn chia sẻ: “Bản thân xác định công tác giảm nghèo tăng hộ khá là một trong những chủ trương lớn của nhà nước, do vậy, tôi cho đây là công tác trọng tâm. Sau mỗi lần họp tổ giảm nghèo, tôi đã xây dựng kế hoạch và luôn gắn kết với đoàn thể ấp, tổ nhân dân để tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng về giảm nghèo thông qua các cuộc họp tại ấp. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ và ý thức được nghĩa vụ và quyền lợi để thực hiện tốt hơn bổn phận của mình tại địa phương. Mặt khác, tôi thường xuyên tiếp cận những hộ nghèo nắm rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ để xây dựng phương hướng, kế hoạch cho từng tháng, từng năm tiếp theo. Việc làm đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ nghèo, phấn đấu sớm thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, đem lại cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc hơn”.

Xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi đã về đích, huyện Củ Chi là huyện đầu tiên của cả nước thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. Tuy đã đạt 19/19 tiêu chí nhưng huyện Củ Chi đã và đang tiếp tục nâng chất các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập. Mức sống bình quân của người dân Củ Chi trong tương lai chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số 40 triệu đồng/người/năm như hiện nay. Ông Lê Đình Đức – Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết thêm về định hướng tăng thu nhập trong thời gian tới: “Để  tăng thu nhập cho người dân trong thời gian tới, huyện Củ Chi sẽ đẩy mạnh việc triển khai, quy hoạch thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Chú trọng khai thác quỹ đất ven sông Sài Gòn của các xã phía đông nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển đổi cơ cấu lao động với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ nhân dân lựa chọn mô hình, công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với các giống cây trồng – vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục phối hợp với các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo nghề, tổ chức ngày hội việc làm… nhằm giúp lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định”.

Thiên Lý 


Số lượt người xem: 3859    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm