LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
7
5
0
4
TIN TỨC SỰ KIỆN 16 Tháng Hai 2015 7:55:00 SA

Làn gió mát từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Xuân về! tình đất tình người hòa quyện cùng nhau để đón một mùa xuân thanh bình, hạnh phúc. Niềm vui rạng ngời trên từng nét mặt của mỗi người dân Củ Chi. Với bà con nông dân thì mùa xuân năm nay lại càng vui hơn bởi đã có không ít hộ vươn lên làm giàu chính đáng từ bàn tay, khối óc của chính mình, thổi thêm luồng gió mới cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Củ Chi.

 Tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ nông dân

Ông Phạm Văn Long – Chủ tịch Hội nông dân huyện bộc bạch: “Ngoài chăm lo phát triển tổ chức Hội vững mạnh, Hội nông dân huyện còn quan tâm đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; xem đây là khâu then chốt, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở địa phương”.

Hàng năm, bên cạnh việc tổ chức triển khai rộng rãi đến Hội cơ sở kế hoạch thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, từ huyện đến xã - thị trấn vận động hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hội nông dân các cấp đều phối hợp với ngành, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội thảo, đào tạo nghề ngắn hạn giúp bà con nông dân có những kiến thức cơ bản áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi; tranh thủ vận động nhiều nguồn vốn hỗ trợ nông dân có thêm điều kiện mở rộng mô hình làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình. Gắn liền với đó, Hội luôn quan tâm đến việc hỗ trợ đầu ra sản phẩm, tổ chức xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đưa nông dân đi tham quan học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài nước.

Nhờ vậy, bà con có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như: sử dụng các loại giống mới, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh kết hợp với du lịch sinh thái, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa; các loại cây trồng, vật nuôi đang chiếm lợi thế trong sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp như: hoa lan, cây kiểng, rau, củ, quả, các sản phẩm gia súc, các sản phẩm thủy sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản. Ngoài ra, nuôi các loài động vật hoang dã như: cá sấu, rắn, trăn, kỳ nhông, kỳ đà, chim trỉ, chồn hương… cũng là những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Những triệu phú nông dân

 

Với bản chất siêng năng, cần cù, chịu khó của người nông dân đã giúp họ vượt nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Diện dạo vùng nông thôn của huyện được thay đổi đáng kể và xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, điển hình trong lao động sản xuất kinh doanh.

Trong những ngày này, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Tân Phú Trung. Dọc con đường nhựa thẳng tấp dẫn vào hai ấp Xóm Đồng, Cây Da, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những luống rau, những giàn khổ qua với một màu xanh ngút ngàn. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Chi ở ấp Cây Da. Đón chúng tôi trước cổng nhà là một người đàn ông trạc gần 60 tuổi, người có thâm niên gần 30 năm trồng hoa màu ở ấp Cây Da. Sau mấy lời xã giao, ông mời chúng tôi tham quan mô hình trồng rau sạch của gia đình trên diện tích 4.000 m2, với những khổ qua, dưa leo, đậu que…. Theo ông Chi, nếu như trước đây 1.000 m2 sản xuất lúa hằng năm cho thu hoạch chỉ 1 đến 1,5 tấn. Còn hiện nay 1000m2 hoa màu, hằng năm gia đình ông thu về hơn 3 tấn sản lượng và mỗi năm lợi nhuận từ 25 đến 30 triệu đồng. Ông không giấu được niềm vui của mình: “Hiện nay giá mỗi ký khoảng 5.000 – 6.000 đồng/ký. Tết thì có thể là 10.000 đến 15.000 đồng/ký. Thì chắc vậy rồi, chắc là gia đình tôi ăn tết thấy khỏe ru”.

Ngoài mô hình trồng hoa màu, mô hình trồng lan Mokara là một trong số những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong thời gian qua. Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (khu phố 3, Thị trấn Củ Chi) đã thành công với mô hình này. Dù rất thành đạt với công việc buôn bán vật liệu xây dựng nhưng với lòng đam mê hoa lan, chị đã mạnh dạn đầu tư vào vườn lan trên diện tích gần 4,5ha với số vốn lên đến chục tỷ đồng. Chị chia sẻ: “Lúc mới trồng cũng có khó khăn, nhưng nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào trồng lan nên cây lan phát triển rất tốt, vừa cho bông to vừa rực rỡ màu sắc”. Mô hình của chị nay trở thành địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân trong và ngoài huyện.

Khác với ông Chi, chị Huyền, chị Nguyễn Thị Hương (ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Thông Hội) chọn mô hình nuôi dế để phát triển kinh tế. Đến với nghề nuôi dế năm 2010, hiện trang trại của chị Hương có hơn 100 chuồng dế, mỗi tháng xuất chuồng từ 500 đến 600kg dế thành phẩm và 1.000 khay trứng cung ứng ra thị trường phía Bắc. Chị Hương phấn khởi: “Sau khi trừ chi phí, tôi thu lời từ 7 – 8 triệu đồng/tháng. Mô hình này vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa giúp gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn trước”.

Còn với ông Trần Văn Đực (ấp 3A, xã Tân Thạnh Tây), ông là một trong những nông dân đã đạt được thành công trong việc áp dụng mô hình VAC vào sản xuất. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, cuộc sống gia đình ông trở nên khấm khá. Gần 15 năm nuôi bò sữa, đàn bò gia đình ông có tổng cộng 20 con bò cái, mỗi ngày cho trên 100kg sữa, thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Còn ở mô hình nuôi cá, ông nuôi các loại cá hường, cá tra, rô phi, trong đó chủ lực là cá hường. Năng suất nuôi cá đạt khoảng 2 tấn/năm, lợi nhuận từ cá khoảng 40 triệu đồng/năm. Như vậy từ mô hình VAC, ông thu về gần 250 triệu đồng/năm, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong không khí Tết đến xuân về, ông Đực thổ lộ: “Tết năm nay, cũng như mọi năm, gia đình tôi cũng vẫn ăn một cái Tết bình thường thôi, miễn sao gia đình đông đủ, con cháu sum vầy vui vẻ là vui rồi”.

Ngoài những mô hình trên, Tết này có dịp đến Củ Chi, các bạn sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về những mô hình làm ăn hiệu quả khác của nông dân Củ Chi. Đó là mô hình trồng rau ăn lá của hộ ông Vũ Đình Văn ở xã Tân Thạnh Tây, ông Bùi Văn Mười ở xã Hòa Phú với mô hình trồng nấm rơm, mô hình chăn nuôi rùa của hộ ông Huỳnh Văn Chính ở xã Bình Mỹ, hay như ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Trung Lập Thượng với mô hình nuôi lươn, mô hình nuôi cá trê lai của anh Nguyễn Hồng Nghĩa ở xã Phước Hiệp,… cùng nhiều mô hình hiệu quả khác mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Giúp nhau làm giàu

 

Có thể nói, mỗi nông dân có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung đó là ý chí, khát vọng không cam chịu đói nghèo, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu cho chính mình; sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ những người khác cùng vươn lên làm giàu. Và cũng chính họ đã góp phần làm cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày thêm tỏa ngát hương thơm.

Điều đáng mừng, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, với tinh thần: “Lá lành đùm lá rách” gắn với phương thức “cầm tay chỉ việc”, tổ chức cho vay vốn đi đôi với hướng dẫn sản xuất, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp đỡ các hộ nông dân nghèo kinh nghiệm làm ăn, cây con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngày công lao động ... để phát triển sản xuất kinh doanh. Như trong năm 2014 vừa qua đã giúp 511 hội viên nông dân thoát nghèo. Với tinh thần tương thân tương ái, các cấp hội đã tuyên truyền vận động hội viên tặng 524 phần quà cho nông dân nghèo; xây tặng 1 căn nhà tình nghĩa, 9 căn nhà tình thương, cấp 462 thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên nông dân khó khăn; tặng 142 suất học bổng Lương Định Của cùng 4.880 quyển tập cho con hội viên nông dân nghèo vượt khó; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ số tiền trên 8 triệu đồng,....

Không những vậy, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có tổ chức Hội nông dân với trên 26 ngàn hội viên sinh hoạt tại 47 chi hội và 74 tổ hội ngành nghề. 100% cơ sở hội đạt vững mạnh.

“Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn huyện ngay từ những ngày đầu của năm mới. Riêng năm 2014, qua bình xét toàn huyện có 27 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 529 hộ cấp thành phố, gần 12 ngàn hộ cấp huyện, xã thị trấn. Đây là kết quả rất đáng mừng. Bởi bà con nông dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của thời tiết thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường; cùng địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới” - ông Phạm Văn Long – Chủ tịch Hội nông dân huyện chia sẻ.

Bích Ngân


Số lượt người xem: 3712    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm