LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
4
3
2
9
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 08 Tháng Tám 2014 9:50:00 SA

Ông Trần Văn Chi khá lên nhờ trồng cây rau màu

Bí đao, mướp khía, khổ qua, dưa leo, đậu đũa… là những loại rau màu được ông Trần Văn Chi, ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung chọn trồng gần 40 năm qua. Dù trồng rau màu có vất vả hơn so với trồng các loại cây khác, nhưng ông Chi chỉ thích trồng rau màu vì chính cây rau màu đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định. So về lợi nhuận, cây rau màu mang lại lợi nhuận không kém gì so với các loại cây trồng, vật nuôi được cho là mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay như hoa lan hay bò sữa, heo…

 Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng hàng ngày ông Chi vẫn cùng với người con trai chăm sóc đám rau màu với diện tích hơn 4.000m2 . Khi được hỏi, tại sao gia đình ông không chuyển sang trồng các loại cây hay nuôi các loại vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao khác như: hoa lan, bò sữa, heo… để đỡ vất vả hơn, ông cười và nói: “vì quen rồi”. Hai từ  “quen rồi” của ông có nghĩa là  từ sau giải phóng đến nay, vợ chồng ông đã trồng cây rau màu. Ông nói, lúc trước trồng rau màu còn vất vả hơn bây giờ nhiều. Mùa mưa thì còn đỡ, chứ vào mùa nắng, suốt ngày vợ chồng ông phải xách nước, tưới tay cho hơn 4.000m2 rau màu. Thêm vào đó, thời tiết mưa nắng thất thường, sâu rầy nhiều làm giảm năng suất cây trồng. Không chỉ vậy, những lúc được mùa, trúng đám thì giá thành bán ra lại thấp. Có lúc thu hoạch xong, trừ các khoảng chi phí ra coi như hoàn vốn. Nhưng thời điểm đó, vợ chồng ông vẫn phải cố gắng để có tiền lo cho các con. Theo ông, đó là những khó khăn chung mà người nông dân nào cũng gặp phải trong trồng trọt. Nhưng từ khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân sản xuất. Từ hỗ trợ vốn, cây giống đến việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh… giúp người nông dân có điều kiện, có kiến thức đầu tư cho sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt. Bản thân ông, nhờ Hội nông dân xã tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn, đi tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ông đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết để áp dụng vào sản xuất thực tế, mang lại năng suất cao hơn.

Mỗi năm, ông trồng từ 3-4 vụ rau màu. Cây rau màu ông thường trồng nhất là bí đao, dưa leo, khổ qua, mướp khía và đậu đũa. Trong đó, ông dành hơn một nửa diện tích đất để trồng cây bí đao (hay còn gọi là bí xanh) vì đây là cây rau màu đem lại lợi nhuận lớn nhất cho gia đình ông từ trước đến nay. Cây bí đao là cây rau thuộc họ bầu bí có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh rất tốt, trồng bí đao ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản xuất bí đao được coi là sản phẩm sạch do đó nó rất dễ bán. Bí đao không chỉ dùng làm thực phẩm phục vụ rau xanh hàng ngày cho mỗi gia đình còn là nguyên liệu cho công nghiệp bánh kẹo, nước giải khát. Với cây bí đao, ông áp dụng trồng theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn (gọi tắt là quy trình VietGAP). Đây là phương thức canh tác hiện đại, đảm bảo an toàn cho người trồng cũng như sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với hơn 2.500m2  đất trồng bí đao, ông thu hoạch từ 8-9 tấn/vụ. Có những lúc được giá, thu hoạch một vụ bí gia đình ông lời đến 70 triệu đồng.

Ông cho biết: cái khó của trồng rau màu chủ yếu là chịu ảnh hưởng của thời tiết và sâu rầy. Sâu rầy thì mình còn tìm hiểu, dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, còn thời tiết thì đành chịu. Nhất là vào khoảng tháng 5, tháng 6 mưa nắng thất thường rất khó trồng, năng suất không cao. Tuy nhiên, vào thời điểm nghịch mùa, năng suất không cao thì lại rất được giá, có khi giá còn cao gấp hai, ba lần so với lúc được mùa. Còn những lúc thuận mùa, trúng đám thì giá rau màu bán ra lại không cao. Đặc biệt, vào dịp tết, ông thường chọn trồng khổ qua, dưa leo bán rất được giá. Trung bình mỗi năm, trừ các khoảng chi phí thu nhập của gia đình ông khoảng 100 triệu đồng. Với mức thu nhập này, ông tự tin cho rằng cây rau màu mà ông trồng bấy lâu nay cũng đem lại lợi nhuận rất cao không thua gì với trồng hoa lan hay nuôi bò, nuôi heo. Mặt khác, rau màu là loại thực phẩm thường dùng trong bữa cơm gia đình nên không phải lo rằng không có thị trường tiêu thụ, đầu ra sản phẩm ổn định.

Ở ấp Cây Da, ông Trần Văn Chi không chỉ được mọi người biết đến là một người nông dân cần cù, chịu khó, sản xuất giỏi mà ông còn được biết đến với vai trò là Chi hội trưởng hội nông dân của ấp nhiều năm qua. Dù không có ý định chuyển sang sản xuất các loại cây, con khác nhưng ông Chi luôn tham gia đầy đủ các buổi tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt do Hội nông dân xã tổ chức vừa trang bị thêm kiến thức cho mình, vừa để triển khai đến các hội viên nông dân khác trong Chi hội. Hiện nay, ông không còn là Chi hội trưởng nữa, nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt tại chi hội. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trồng rau màu của mình cho những người muốn trồng với lời khuyên chân thành: Phải chịu khó, nắm vững kỹ thuật, biết rõ biện pháp phòng trừ sâu rầy hại cây trồng; đặc biệt là nên tham gia trồng theo quy trình VietGAP sẽ dễ bán sản phẩm ra thị trường hơn vì sản phẩm tạo ra đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe của cộng đồng.

Ở cái tuổi 62, khi con cái đã lớn khôn, thành đạt đáng lẽ ông có thể yên tâm cùng với vợ sống cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên cháu con để bù đấp cho những năm tháng vất vả. Thế nhưng ông vẫn tiếp tục cùng với con trai chăm sóc cho đám rau màu. Bởi dường như đây không chỉ là thói quen trong lao động mà nó đã trở thành nguồn vui sống của ông nông dân chuyên trồng rau màu này.

 Đặng Thảo


Số lượt người xem: 3847    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm