LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
2
8
4
3
TIN TỨC SỰ KIỆN 08 Tháng Mười Hai 2010 8:20:00 SA

MỘT NÔNG DÂN ĐẠT TRÊN 40 GIẢI THƯỞNG

Một nông dân thứ thiệt quanh năm với ruộng lúa, hoa màu, rồi nuôi bò sữa, vậy mà ông Phạm Đăng Bảo nhà ở ấp 9 xã Tân Thạnh Đông đã đạt trên 40 giải thưởng tại các kỳ thi do huyện và thành phố tổ chức. Ở người đàn ông trên 50 tuổi này làm mọi người ngưỡng mộ đó là lòng đam mê và tinh thần chịu khó học hỏi để trau dồi thêm kiến thức hiểu biết cho bản thân.

 Trao đổi với chúng tôi ông cho biết: “Đối với tôi, qua mỗi cuộc thi, dù lớn hay nhỏ, tôi đều tham gia, coi như mình học hỏi để trang bị thêm hiểu biết của mình. Vì vậy tôi phải bỏ thời gian tìm mua sách báo, tài liệu và nghiêu cứu thật kỹ những vấn đề chính mà yêu cầu của cuộc thi đã đặt ra”.

Chính vì suy nghĩ đó, mà trong lần thi đầu tiên vào cuối năm 1994 ông tham gia cuộc thi tìm hiểu về công tác bảo vệ thực vật do Đài tiếng nói nhân dân thành phố tổ chức, niềm vui bất ngờ khi ông cùng với 3 nông dân khác của huyện đạt được giải. Với kết quả đó, ông không hề bỏ lở cuộc thi nào do huyện và thành phố đề ra. Bằng tinh thần chịu khó học hỏi, nghiên cứu tài liệu, trong số hơn 40 cuộc thi ông đã tham gia, kết quả ông đã đạt 9 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba, tư và 10 giải khuyến khích tại các cuộc thi, mà trong đó trọng tâm là các cuộc thi mang tính khoa học kỹ thuật nông nghiệp, văn hóa – xã hội, lịch sử.

Trong phòng khách nhà ông treo đầy những giấy khen, kỷ niệm chương và quà lưu niệm. Thành quả lao động xứng đáng mà ông có được. Có thể minh chứng qua 9 giải nhất tại các hội thi như Hội thi về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình do Hội nông dân và Ủy ban dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức 2 năm liền là năm 1995 và 1996; hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi các huyện ngoại thành do Trung tâm giáo dục chính trị thành phố tổ chức vào năm 1996; cuộc thi đặt lời mới cho dân ca do Báo Mực tím tổ chức vào năm 1998; Hội thi thuyết trình nông dân với Bác Hồ do Hội nông dân thành phố tổ chức cũng như hội thi viết dân ca với chủ đề “Nhớ về nguồn” do Trung tâm văn hóa huyện tổ chức qua bài dân ca “Về thăm Bến Dược” vào năm 1999; hội thi Bàn tay vàng chăn nuôi bò sữa do Sở nông nghiệp – Phát triển nông thôn tổ chức vào năm 2001 và 2003; Cuộc thi “Đồng hành cùng Vibesco” do Công ty thuốc sát trùng Việt Nam và Đài tiếng nói nhân dân thành phố tổ chức vào năm 2003. Vào năm 2009 ông còn tham gia cuộc thi “Tự hào sử Việt” do Báo tuổi trẻ tổ chức, xuất sắc vượt qua hơn 12 ngàn bài viết dự thi, ông cùng với 16 thí sinh khác trong cả nước được tham dự hành trình về nguồn, thăm các di tích lịch sử từ miền Trung ra Bắc trong thời gian 11 ngày.

Không những thế mà ông còn tham dự các cuộc thi lớn khác như cuộc thi “Bạn thử làm bác sĩ cây trồng” do Đài tiếng nói nhân dân thành phố phối hợp với Cty thuốc trừ sâu Sài Gòn tổ chức, trong số hơn 1 ngàn người dự thi, ông cũng là 1 trong 6 người xuất sắc nhất được chọn đi tham quan du lịch tại nước bạn Thái Lan vào tháng 3/2009. Bên cạnh đó ông còn tham gia cuộc thi “Tấu vui nhà nông đua tài”, “Chuyện nhà ba nông – Chuyện ai biết chỉ dùm” của Đài tiếng nói nhân dân thành phố, tham gia thiết kế ô chữ và giải đáp ô chữ trên báo Giáo dục đạt nhiều giải thưởng. Ông chia sẻ: "Cuộc thi nào cũng vậy, không tham gia thì thôi, còn khi đã tham gia thì phải cố gắng làm bài cho thật tốt. Chính vì thế, mà qua mỗi cuộc thi khi đạt giải, số tiền từ giải thưởng có được dù ít hay nhiều, 5, 3 trăm ngàn đồng hay 2,3 triệu tôi đều dành phần lớn để mua sách báo tài liệu tham khảo cho những kỳ thi sau, chưa bao giờ tôi để dành riêng cho mình, ngoại trừ đôi ba lần tôi dùng số tiền thưởng đóng học phí cho các con lúc chúng còn theo học ở các trường đại học”.

Ngoài các giải thưởng trên, ông còn là một cộng tác viên tích cực của Đài truyền thanh huyện. Mặc dù có những lúc gián đoạn cộng tác do bận bịu với công việc gia đình, nhưng trong hơn 10 năm ông đã viết 400 tin bài cộng tác với Đài. Những bài viết của ông luôn được Ban biên tập đánh giá cao, được phát trên sóng phát thanh và đăng tải trên bản tin Củ Chi. Đó là những thông tin trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hoạt động văn hóa, văn nghệ, gương giáo viên dạy giỏi, học sinh chăm ngoan – học giỏi, về trường lớp và cả sáng tác thơ, dân ca. Song đối với ông lĩnh vực nông nghiệp là ông tâm đắc nhất, bởi vì từ những kiến thức về kỹ thuật trong nông nghiệp như công tác bảo vệ thực vật, khuyến nông, vừa giúp ích cho ông trong việc áp dụng vào quá trình sản xuất chăn nuôi của gia đình, kiến thức hiểu biết trên lĩnh vực này cũng được nâng lên, để sau đó ông truyền đạt lại cho bà con. Qua thời gian cộng tác với Đài, nhiều năm liền ông là cộng tác viên xuất sắc được UBND huyện tặng giấy khen nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.                 

Ngôi nhà của ông dù nằm sâu trong xóm của ấp 9 xã Tân Thạnh Đông nhưng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Vợ ông bà Nguyễn Thị Dâu cũng là một trợ thủ đắc lực cho chồng trong những khi tìm tài liệu, quán xuyến chuyện nhà để ông an tâm lo nghiên cứu tài liệu để đem lại kết quả cao trong các kỳ thi. Còn 4 người con của ông giờ đây cũng đã trưởng thành, 2 cô con gái lớn là Phạm Thị Thanh Hương hiện là giáo viên trường THPT Tân Thông Hội, Phạm Thị Thanh Nhung – giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương – huyện Hóc Môn, cô con gái út hiện đang đi hợp tác lao động ở Hàn Quốc, còn cậu con trai thứ ba đang sống chung với vợ chồng ông, chí thú cùng cha lo cho đàn bò sữa.

            Trước đây gia đình ông chuyên trồng lúa, đậu phọng rồi bắp, dưa leo, dần dần thấy con bò sữa đem lại kinh tế ổn định cho gia đình, ban đầu ông chỉ nuôi 3 con, giờ đây đàn bò đã là 20 con, trong đó có 8 con cho 100 kg sữa mỗi ngày. Để đủ nguồn thức ăn xanh cho bò, mà lại giảm chi phí trong chăn nuôi ông còn trồng 8.000 m2 cỏ. Cứ sáng sáng chiều chiều bên chiếc máy radio vừa nghe tin tức thời sự từ Đài truyền thanh Huyện và Đài tiếng nói nhân dân thành phố ông vừa chăm sóc cho đàn bò sữa. Vừa lo cho kinh tế gia đình, vừa giành thời gian để trao dồi kiến thức hiểu biết của mình để tham gia các cuộc hội thi và đạt nhiều giải thưởng cao như ông Phạm Đăng Bảo – một nông dân “chính gốc” quả thật là điều không phải dễ và ít ai làm được.

(Thu Chung, 08/12/2010)


Số lượt người xem: 4181    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm