LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
2
3
4
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 10 Tháng Hai 2014 2:40:00 CH

Nhìn lại sau 4 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đảng ta xác định: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, thời gian qua huyện Củ Chi đạt được nhiều thành công trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thành phố đánh giá cao. Kết quả này đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tăng hộ khá trên địa bàn huyện.

 XÁC ĐỊNH ĐÚNG MỤC ĐÍCH…

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tạo điều kiện cho tất cả người dân có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, thay đổi nhận thức từ đó có việc làm ổn định nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá tạo nguồn lực quan trọng tiếp sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Ngay từ năm đầu tiên (2010) triển khai thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của chính phủ, từ huyện đến xã, ấp, tổ nhân dân tập trung điều tra, khảo sát lao động trong độ tuổi chưa có trình độ qua đào tạo để định hướng và tổ chức đào tạo cho học nghề, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Kết quả, qua khảo sát, huyện đã xác định hơn 20 nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn và 2.104 người có nhu cầu học nghề, chiếm tỷ lệ 41% trên tổng số lao động chưa có việc làm, chưa qua đào tạo.

Gắn liền với việc khảo sát là công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề đến đoàn viên, hội viên và nhân dân tại địa bàn dân cư. Cụ thể trong 4 năm qua (2010-2013), các ban ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Huyện đoàn, Liên đoàn lao động, Phòng dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội, Trường Trung cấp nghề Củ Chi đã tập trung tuyên truyền, tư vấn học nghề cho 63.973 lượt người lao động với 934 đợt. Theo đó, huyện xác định các ngành đào tạo nghề nông nghiệp như kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, trồng rau an toàn, hoa lan cây kiểng… và nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy may công nghiệp, điện dân dụng, tin học, trang điểm, nấu ăn và sửa xe gắn máy... Phương thức đào tạo dạy nghề dài hạn, ngắn hạn với sự phối hợp thực hiện của các sở ngành có liên quan của thành phố, huyện, trường Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở liên kết đào tạo trong và ngoài huyện cũng như sự chủ động đào tạo nghề cho lao động tại đơn vị của các công ty xí nghiệp trú đóng trên địa bàn huyện.

…THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ

Theo khảo sát tổng lao động đã qua đào tạo nghề đến năm 2010 của huyện là 79.629/181.866 người tham gia trong nền kinh tế, chiếm tỷ lệ 43,78%. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã mở 103 lớp đào tạo nghề theo quyết định 1956 cho 3.819 học viên, trong đó có 1.226 học viên học ngành nông nghiệp và 1.434 học viên học ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có 52.211 lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo. Nâng tổng số lao động được đào tạo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2013 là 133.133 người.

Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới, trong năm 2012 – 2013, xã Tân Thông Hội và xã Thái Mỹ đã đào tạo cho 605 lao động với kinh phí 781 triệu 800 ngàn đồng. Song song đó, thông qua nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ 156, Quỹ xóa đói giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ cho 3.475 lượt lao động vay vốn với số tiền 50 tỷ 844 triệu đồng. Kết quả, qua đào tạo, dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các người lao động đã phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc hành nghề tại một số doanh nghiệp, người lao động đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi sản xuất của mình để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Khá, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện cho biết: “Trong 4 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi, cao hơn trước. Số lao động được học nghề ngày càng gia tăng, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Một số lao động nông nghiệp, nông thôn đã chuyển sang lao động phi nông nghiệp theo quá trình đô thị hóa. Số lao động còn lại được trang bị kỹ thuật mới theo hướng nông nghiệp đô thị. Cụ thể từ năm 2010 đến cuối 2012 đã có 534 hộ thoát nghèo; 598 hộ vươn lên khá giả sau một năm tham gia học các lớp dạy nghề”.

ĐƠN VỊ THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ

Là một trong những đơn vị đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trường Trung cấp nghề Củ Chi đã quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất trường học đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Mặt khác đề ra chương trình giảng dạy phù hợp, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề của đội ngũ thầy cô giáo nhà trường, nội dung chương trình lý thuyết song hành với thực hành để học viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tế dễ dàng hơn. Ông Lê Sĩ Hùng, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Củ Chi chia sẻ thêm:

“Trong đào tạo, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi khó áp dụng thực tế theo đúng với Nghị định 1956 đề ra. Tuy nhiên chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện để duy trì số lượng học viên trong lớp, thường xuyên thay đổi chương trình dạy để phù hợp hơn với hoàn cảnh. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của trường cũng thường xuyên nghiên cứu, thực tế đúc kết thêm kinh nghiệm từ đó truyền đạt đến học viên. Có lẽ điều đáng mừng nhất với chúng tôi là tỉ lệ học viên sau đào tạo có việc làm ổn định cũng như tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Bên cạnh đó, xã Thái Mỹ cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nếu như trước đây người dân xã Thái Mỹ sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác. Qua đào tạo nghề, người dân biết được nhiều nghề mới hơn, cho thu nhập tốt, giúp người nông dân vốn "một nắng hai sương" với đồng ruộng đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Chỉ tính riêng trong năm 2013, xã đã giải quyết việc làm cho 415/400 lao động đạt tỷ lệ 103,7% so với chỉ tiêu huyện giao, trong đó có 25 lao động nghèo và có 85 người có việc làm mới.

Tiêu biểu trong các hộ vượt nghèo từ đào tạo nghề lao động nông thôn là anh Phan Tiến Dũng, ngụ ấp Tháp. Khởi nghiệp từ 2 con bò sữa và 2 con heo nái nhưng do không có kinh nghiệm chăm sóc, chăn nuôi nên ngay lần nuôi đầu tiên, anh bị lỗ vốn, còn bò thì lại không cho được năng suất cao. Qua đào tạo lớp thú y và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa nay anh đã có thể chăm sóc bò tốt hơn, năng suất sữa cao hơn. Đặc biệt anh có thể tự tay “chẩn đoán” các triệu chứng bệnh thường gặp trên bò và có cách điều trị và chăm sóc kịp thời. Từ đó, anh tiết kiệm được một khoảng chi phí từ việc chăm sóc cho bò và ngày càng nhân rộng đàn bò của gia đình. Hiện gia đình anh có 15 con, trong đó có 6 con lấy sữa. Mỗi ngày anh bán được 70 kg sữa. Đây cũng là nền tảng giúp gia đình anh vượt nghèo bền vững và vươn lên khá giả. Hay như gia đình cô Trần Thị Hỏi, ngụ ấp 1 xã Bình Mỹ. Từ mảnh vườn 4.000 gốc lan hiện có cô đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mảnh vườn lên 30.000 gốc sau 1 năm tham gia học lớp kỹ thuật trồng lan. Nhờ sự chịu khó, tìm tòi học hỏi, áp dụng các kiến thức đã học vào chăm sóc lan, đến nay mỗi tháng cô thu khoảng 50 triệu đồng.

MỌI THAY ĐỔI BẮT NGUỒN TỪ THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Không chỉ anh Dũng, hiện nay nhiều xã trên địa bàn huyện Củ Chi dần thay đổi. Ấn tượng nhất về Củ Chi hôm nay là “bát ngát” những cánh đồng sản xuất rau sạch, những vườn lan Mokara với quy mô, những rừng cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao, những trang trại trồng nấm rơm, nấm Linh Chi, hàng trăm nhóm nấu đám tiệc… cùng với sự thay đổi nhận thức rõ nét, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế từ những lớp tin học, trang điểm, nấu ăn, điện dân dụng, sửa chữa xe gắn máy…

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện cho biết: “Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong năm 2014, huyện đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 1.500 lao động. Trong đó đào tạo nghề nông nghiệp chiếm 56% và đào tạo nghề công nghiệp – thương mại dịch vụ chiếm 44% tổng số lao động phải đào tạo”. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đến tiêu chuẩn kỹ thuật nghề như tiêu chuẩn kỹ thuật nghề quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, tiêu chuẩn nâng cao nghề trồng cây cao su, kỹ thuật nâng nghề chế biến mũ cao su, tiêu chuẩn nâng nghề vận hành máy công nghiệp, cơ điện nông nghiệp, kỹ năng sản xuất mây tre lá... góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đề ra những giải pháp cụ thể. Đó là tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2013 – 2015 về thực hiện Quyết định 1956 và nội dung Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thành phố đến các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã – thị trấn; điều tra, cập nhật cung lao động và khảo sát nhu cầu học nghề; tuyên truyền chính sách học nghề cho người lao động trên địa bàn huyện; tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề; nhân rộng mô hình dạy nghề có hiệu quả; gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Những kết quả đạt được cộng với những giải pháp cụ thể như trên sẽ là nền tảng quan trọng và là động lực để huyện thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thông qua chương trình giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc học để nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và những ngành nghề phi nông nghiệp khác để đạt được mục tiêu chung. Đó chính là nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế cho gia đình và xã hội. Đặc biệt cùng huyện thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá trong thời gian tiếp theo 


Số lượt người xem: 3896    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm