LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
4
4
7
6
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 09 Tháng Hai 2014 2:30:00 CH

Niềm vui từ chương trình giảm hộ nghèo tăng hộ khá

Năm 2013 huyện đã hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo tăng hộ khá, về đích trước 2 năm so Nghị quyết Đảng bộ huyện 2010-2015 đã đề ra. Đây là món quà đầu xuân mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi dâng lên mừng kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

 Mục tiêu và những con số

Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, một quyết sách lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này được hình thành ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ngày càng được hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển. Nó không những đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà còn phù hợp với xu hướng chung của thời đại, phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đề ra.

Thực hiện Chủ trương này thời gian qua huyện Củ Chi đã có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2005 Củ Chi đã về đích trước thời hạn một năm. Vào cuối năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo ở Củ Chi là 0,12% so với tổng hộ dân. Tình trạng tái đói cơ bản đã không còn diễn ra. Người nghèo ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ sản xuất và đời sống dân sinh, được vay vốn tín dụng, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt... Bên cạnh đó, người nghèo cũng được thụ hưởng các chương trình văn hóa nâng cao đời sống tinh thần. Tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 – 2015) theo chủ trương của Thành ủy và UBND Thành phố điều chỉnh chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là 12 triệu đồng/người/năm, năm 2009 huyện tổ chức điều tra hộ nghèo theo tiêu chí mới và đưa vào danh sách 26.879 hộ, chiếm tỷ lệ 28,4% so với tổng hộ dân. Trong đó có 397 hộ thu nhập từ 6 triệu đồng/người/năm trở xuống; 19.689 hộ thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/năm; 5.102 hộ thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/năm và 1.691 hộ thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/người/năm. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2015 không còn hộ nghèo thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% tổng số hộ dân, huyện đã đề ra kế hoạch thực hiện theo từng bước cụ thể và tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo nâng thu nhập theo từng nhóm thu nhập và giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới. Mục tiêu này Củ Chi cũng đã về đích trước 2 năm.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo thực hiện cách làm theo phương châm cuốn chiếu, tập trung rà soát thực trạng hộ nghèo, phân nhóm thu nhập hộ nghèo trong danh sách. Một mặt rà soát lập danh sách hộ nghèo đặc biệt khó khăn không khả năng nâng thu nhập để theo dõi riêng, thực hiện các giải pháp phù hợp, không để giảm sút mức sống hiện tại của các hộ, nâng đời sống hộ dân ngày càng cao hơn nữa.

Trên cơ sở đó, huyện chủ trương phát huy việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, chú trọng đến công tác giải quyết việc làm kết hợp với phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, nguyên liệu tại chỗ, có chính sách đầu tư các đơn vị sản xuất công nghiệp nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Các khu công nghiệp tập trung cũng đã thu hút nhiều đơn vị đến đầu tư giải quyết việc làm ổn định cho số lao động trẻ. Thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội gắn liền với việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo – hộ nghèo cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động nghèo sử dụng xe 3 – 4 bánh tự chế. Đặc biệt, đã kịp thời hỗ trợ vốn cho các hộ từ nguồn quỹ giảm nghèo, nguồn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, nguồn tín dụng của các đoàn thể. Ngoài ra huyện còn hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà ở cho dân nghèo thông qua các chương trình xây dựng nhà tình thương, cho vay vốn trả góp để xóa nhà tranh tre. Các đoàn thể xã hội như Hội Cựu Chiến Binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên tạo mọi điều kiện, huy động mọi tiềm lực trong hội viên, đoàn viên của mình để chăm lo cho nhau bằng các phong trào như: “liên kết vốn”, “người có giúp người khó”, “vì người nghèo”, “giúp nhau làm kinh tế gia đình”; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phân công cán bộ theo dõi, nhắc nhở giúp đỡ bà con làm ăn có hiệu quả. Trong 5 năm 2009 – 2013, huyện đã huy động nguồn vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo và Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số vốn trên 126 tỷ đồng cho 12.498 lượt hộ nghèo vay vốn để chăn nuôi, buôn bán, sản xuất kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ hơn 8.800 lượt học sinh vay vốn với tổng số tiền gần 81 tỷ đồng và trên 1 tỷ đồng hỗ trợ 37 lượt hộ nghèo vay xuất khẩu lao động từ Ngân hàng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, huyện còn giải quyết việc làm cho gần 58.000 lao động, trong đó gần 10.000 lao động thuộc hộ nghèo; phối hợp với các đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín, giới thiệu 2.022 lao động làm việc nước ngoài có thời hạn, trong đó có 71 lao động thuộc hộ nghèo; cấp gần 182.600 thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, trợ cấp chi phí học tập cho học sinh nghèo với số tiền hơn 7.428 tỷ đồng; chống dột và sửa chữa 37 căn nhà, xây tặng 1.146 căn nhà tình thương cho hộ nghèo trên toàn huyện, nâng tổng số nhà tình thương được trao tặng lên 5.806 căn nhà. Để công tác giảm nghèo bền vững, huyện còn tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2009 – 2013, huyện đã đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, cải tạo và phát triển giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế... với tổng số giá trị gần 2.219 tỷ đồng.

Những con số bất ngờ

Được sự trợ sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm động viên, giúp đỡ kịp thời của các tổ chức đoàn thể đã có sự tác động tích cực thúc đẩy và khơi dậy ý thức vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Kết thúc bước 1 chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 – 2015), toàn huyện có 9.253 hộ vượt chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 28,4% đầu năm 2009 xuống còn 19,58% vào cuối năm 2010; không còn hộ có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, huyện đã trợ giúp 6.422 hộ vượt nghèo, nâng thu nhập cho 9.940 hộ, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,58% xuống còn 13,3% với 12.589 hộ so với tổng số hộ dân vào cuối năm 2011. Tiếp tục nỗ lực thoát nghèo, trong năm 2012, huyện đã trợ giúp 5.096 hộ vượt nghèo, nâng thu nhập cho 5.504 hộ, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,3% xuống còn 7,95% với 7.504 hộ. Tính đến ngày 31/12/2013, toàn huyện còn 1.572 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,66% tổng số hộ dân, cơ bản không còn hộ thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/năm, hoàn thành trước kế hoạch đã đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ trong chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 – 2015).

Nhận xét về những kết quả đạt được trong thời gian qua, bà Cao Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban giảm nghèo, tăng hộ khá huyện Củ Chi cho rằng: “Trước hết, đó là do việc thường xuyên nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói cho các cấp, các ngành và mọi người dân đặc biệt là người nghèo và xã nghèo. Xóa đói giảm nghèo vươn lên khá giả và làm giàu không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà trước hết thuộc về từng cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và trách nhiệm của toàn xã hội, đây là vấn đề mấu chốt để thực hiện thành công chương trình.Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là xã hội hóa về nguồn lực, nhân lực và vật lực ngày càng được đẩy mạnh. Chính sự hợp lực này đã tạo ra phong trào xóa đói giảm nghèo sôi động nhiều năm trong huyện góp phần vào thành công của chương trình. Cùng với sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của mọi người dân trong việc trợ giúp người nghèo. Cơ chế phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch và có tính khuyến khích cao đã tạo điều kiện cho các xã chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Trong quá trình thực hiện chương trình, sự tham gia giám sát của mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở, người dân, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành công của chương trình”.

Xuất hiện nhiều cá nhân vượt nghèo

Từ sự quan tâm chăm lo hỗ trợ kịp thời của địa phương đã tạo điều kiện cho hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, đa số các hộ nghèo đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích đạt hiệu quả và thoát nghèo bền vững. Như hộ ông Nguyễn Văn Thương (ấp 2, xã Tân Thạnh Tây) là một trong những hộ thoát nghèo theo tiêu chí của Thành phố trong năm 2013. Gia đình ông có 05 nhân khẩu, tài sản là mảnh ruộng gò do ông bà để lại, thu hoạch mùa được mùa mất. Vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, thế nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, cái nghèo đeo đẳng suốt. Năm 2008, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, gia đình ông được vay nguồn vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo với số tiền 40 triệu đồng để chăn nuôi bò. Con gái lớn của ông được hỗ trợ vốn đi hợp tác lao động để phụ giúp gia đình, nuôi 2 em ăn học. Từ đó mà cả nhà có điều kiện làm ăn, cải thiện cuộc sống, phát triển đàn bò của gia đình. Thu nhập mỗi tháng, trừ hết tất cả chi phí, gia đình ông tích cóp được từ 3 đến 4 triệu đồng. Hiện gia đình ông đã ra khỏi chương trình, đã thoát khỏi cái nghèo và vươn lên khá giả.

Hay như hộ ông Phan Thanh Dũng (ấp 1A, xã Tân Thạnh Tây) trước đây phải bươn chải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Gia đình ông là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trong ấp. Từ số vốn hỗ trợ ban đầu là 2 triệu 500 ngàn đồng, ông mua được 2 con bò vàng để nuôi. Vừa đi làm thuê, vừa chăn nuôi bò. Qua nhiều lần vay vốn, ông quyết định chuyển sang chăn nuôi bò sữa. Khởi đầu từ 2 con bò sữa, nhờ chí thú làm ăn, đến nay, gia đình ông đã có 14 con bò, trong đó có 8 con lấy sữa. Mỗi ngày ông bán được 100 kg sữa. Hiện gia đình ông đã ra khỏi chương trình và vươn lên khá giả.

Không chỉ có gia đình ông Thương, ông Dũng mà trong 5 năm vừa qua, trên địa bàn huyện còn có rất nhiều hộ đã thoát khỏi cái nghèo trong niềm vui và hạnh phúc. Họ đã vượt qua chính mình, vượt qua những tháng ngày khó khăn trong việc mưu sinh kiếm sống bằng chính khả năng, sức lao động, bằng ý chí cầu tiến, vươn lên trong cuộc sống. Để giờ đây, họ đã tạo dựng nên những tổ ấm gia đình với cơ ngơi khá khang trang, con cái ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định.

Tiếp tục nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững:

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, Đảng bộ huyện Củ Chi đã đề ra Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X. Theo Nghị quyết phấn đấu mỗi năm giảm 8% hộ nghèo theo tiêu chí mới của Thành phố (thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm) so với tỷ lệ hộ nghèo năm 2013, phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,56% so với tổng số hộ dân. Đối với hộ cận nghèo, phấn đấu mỗi năm giảm 9% hộ cận nghèo (thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm) so với tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2013, phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ cận nghèo còn 13,7% so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện.

Dẫu biết rằng con đường phía trước còn không ít khó khăn nhất là trước tình hình giá cả tăng cao như hiện nay. Thêm vào đó, các giải pháp dạy nghề – tạo việc làm cho lao động nghèo đôi lúc chưa mang lại kết quả như mong muốn do người lao động nghèo tham gia học quá ít. Một bộ phận hộ nghèo thiếu ý chí phấn đấu, còn mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội... Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình. Thế nhưng thực tế cho thấy, thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi đạt được qua 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo tăng hộ khá giai đoạn 3 một lần nữa khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành linh hoạt, chủ động của chính quyền và ý chí không cam chịu nghèo khó của người dân. Đồng thời phát huy sức mạnh của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong việc vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên của mình thoát nghèo bằng nhiều hình thức. Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá luôn được gắn kết chặt chẽ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, lồng ghép hiệu quả các chương trình kinh tế – xã hội khác. Đặc biệt, là kết hợp sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tiếp thêm sức mạnh, tinh thần, ý chí để các hộ vượt nghèo. Đây cũng chính là tiền đề vững chắc để huyện toàn tâm toàn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trong thời gian tới.

Ngọc Thùy


Số lượt người xem: 4899    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm