LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
9
0
2
9
9
TIN TỨC SỰ KIỆN 08 Tháng Hai 2014 2:10:00 CH

Nghe nông dân sản xuất giỏi kể bí quyết làm giàu

Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, thời gian qua, huyện Củ Chi đã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới hết sức tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm... nhiều người nông dân đã nổi lên như những nhân tố mới, điển hình trong công tác này.

 BÀ NGUYỄN THỊ BẢY – NGƯỜI NÔNG DÂN “VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ THÀNH PHỐ”

Đã cho chúng tôi một cái hẹn nhưng khi đến, bà Nguyễn Thị Bảy (ấp 3 xã Tân Thạnh Tây) vẫn đang miệt mài chăm sóc vườn lan. Với người phụ nữ này, thời gian rảnh cũng chính là khi bà ở trong vườn lan. Bởi có mặt ở nơi đây, thưởng thức mùi hương tỏa ra ngào ngạt cùng những sắc màu kỳ diệu của hoa lan như đưa bà về với khoảng không gian của riêng mình. Niềm đam mê với lan, tình yêu với lan đã giúp bà lấy lại sự cân bằng của cuộc sống, đặc biệt là những khi gặp phải những vấn đề hóc búa hay những ưu tư của cuộc đời.

Bà Bảy cho biết, hiện vườn lan có trên khoảng 30 ngàn gốc. Do đã có nhiều năm kinh nghiệm, việc trồng lan cũng phải tính toán làm sao xoay vòng để lan cho thu hoạch đều đặn trong năm. Nhờ trồng lan, có năm gia đình tôi đã thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng. Chỉ riêng mùa tết, thu vào đã hơn 300 triệu. Tính bình quân, mỗi tháng tiền bán hoa và cây, tôi thu khoảng 20 – 30 triệu. Tết này cũng có nhiều người đã tìm đến và đặt hàng trước rồi.

Thế nhưng để có được nguồn thu như trên thì bà Bảy cũng đã trải qua những bước đầu không hề đơn giản. Đã hơn 10 năm nay, trải qua những thăng trầm trong việc trồng loài hoa này, đến nay, bà Bảy đã hiểu đến từng “chân tơ kẻ tóc” các đặc tính của chúng. Hễ sâu bệnh, thời tiết “trái gió trở trời” hay cách chăm sóc không đúng của những nhân viên... bà Bảy đều đoán biết được.

Được biết, trước khi “bén duyên” cùng với lan bà Bảy cũng đã kinh qua nhiều việc khác như làm ruộng, buôn bán vải, nuôi bò nhưng những việc này cũng không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Sau đó, bà thấy có một vài người trồng lan đem lại hiệu quả kinh tế nên đã âm thầm tìm hiểu, mày mò học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu trồng thử nghiệm 500 gốc. Sau khi thành công mới mở rộng ra từ 5 đến 6 ngàn gốc. Theo bà Bảy thì thời điểm đó, việc trồng lan chỉ dựa vào học hỏi những người đi trước và sự tìm tòi của bản thân chứ chưa có những lớp học kỹ thuật. Sau này nhất là khi nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới thì có nhiều lớp học tập hướng dẫn kỹ thuật nên việc trồng lan cũng có được nhiều thuận lợi. Mặt khác, bà cũng rất tích cực đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm. Thậm chí có lần bà còn vinh dự được sang Thái Lan để tham quan, học tập kinh nghiệm của họ. Có được kinh nghiệm, bà Bảy đã không ngại ngần hướng dẫn, giúp đỡ cho nhiều người trồng lan theo mình để thoát nghèo và tiến tới làm giàu. Thậm chí, có nhiều lớp đến vườn để học tập thực tế, bà cũng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng lan, cái nào thành công cái nào thất bại.

Dù bận rộn với nhiều công việc nhưng bà Bảy cũng rất tích cực quan tâm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ những suất học bổng trao tặng cho những em học sinh vượt khó học giỏi tại địa phương. Bà chia sẻ: “Từ hoàn cảnh trước đây mình cũng khó khăn, nên phần nào thấu hiểu được. Bây giờ mình làm ăn cũng được nên muốn chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn, đó chính là tấm lòng tương trợ với bà con, làm được điều đó cô thấy vui lắm”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được rằng, nhiều năm liền bà Bảy được tặng nhiều giấy khen là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Bà cũng là 1 trong 5 phụ nữ TP.HCM được giao lưu nhân dịp Kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào năm 2010. Đặc biệt hơn, bà đã vinh dự nhận giải thưởng “Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố” của Hội đồng Quản trị thành phố. Ngoài những danh hiệu đó, một cơ ngơi khang trang cùng 2 người con thành đạt chính là sự minh chứng rõ nét nhất cho những tháng ngày lao động không biết mệt mỏi của bà. Khi chia tay, chúng tôi vẫn cứ nhớ mãi câu nhắn gửi của bà: “Tôi mong rằng, các chị em phụ nữ hãy vươn lên làm giàu bằng cách của mình một cách chân chính”.

ÔNG HUỲNH ĐOÀN THÔNG – LÀM NGHỀ CẦN CÓ CÁI TÂM

“Trong bối cảnh phần lớn giống đều phải nhập từ nước ngoài như Thái Lan, Hà Lan, Nhật, Pháp... mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra số ngoại tệ lớn để nhập về. Tuy vậy, nguồn cung cấp cũng không ổn định, lúc có, lúc không cho nên ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân. Trước tình hình đó và nỗi niềm trăn trở với “tam nông”: nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tôi đã quyết tâm nghiên cứu giống để tạo ra những giống mới tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam, phù hợp với thị trường trong nước để bán cho người nông dân, giá thành cũng thấp hơn. Hiện nay, Công ty đã sản xuất được một số giống tốt cạnh tranh với nước ngoài. Thậm chí, có một số loại đã “đánh bại” giống nước ngoài trên nhiều phương diện, nhất là năng suất và chất lượng”. Đó là lời tâm sự rất chân thành của ông Huỳnh Đoàn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong ở xã Phạm Văn Cội - người mà chúng tôi muốn giới thiệu trong dịp tết đến xuân về năm nay. Ông cũng là một gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Gặp một “kẻ ngoại đạo” như chúng tôi tới thăm cũng như không sợ lộ “bí kíp” của một doanh nhân làm ăn trên thương trường, ông Thông giải thích kỹ quy trình để cho ra được loại giống tốt. Dù để tạo ra một giống mới trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, kéo dài  nhưng không phải như vậy thì làm một cách qua loa, chạy theo lợi nhuận mà ngược lại phải thực hiện chi ly, cẩn trọng và chính xác từng khâu.

Bởi ông suy nghĩ rằng, người nông dân trong một năm cần rất nhiều chi phí cho gia đình nhưng thường chỉ trong chờ vào thu hoạch sản phẩm từ mùa vụ. Nếu lỡ trồng phải giống không tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. “Giống là vấn đề rất quan trọng. Nó là nguyên liệu để sản xuất, nếu đầu vào không tốt thì đầu ra sẽ không tốt. Cho nên làm nghề này cũng cần phải có cái tâm. Chính vì vậy, có những loại giống, chúng tôi đã sản xuất ra hàng tấn, trị giá hàng trăm triệu nhưng không đạt thì phải hủy bỏ, chứ không bán ra. Một phần sẽ tổn hại đến thương hiệu nhưng phần đáng lo hơn đó là ảnh hưởng đến cuộc sống của biết bao người nông dân”, ông Thông chia sẻ một cách chân tình.

Là một đơn vị chuyên sản xuất rau xuất khẩu và hạt giống phục vụ nhu cầu trong nước, đến nay thương hiệu của ông đã được nhiều thị trường đón nhận. Điển hình như cà tím xuất khẩu sang Nhật, có năm lên tới vài trăm tấn. Sau gần 20 năm gắn bó với công việc này, ông Thông cho biết, hiệu quả kinh tế đem lại cũng khá tốt, nói chung làm nông thì cũng có mùa vụ: vụ trúng, vụ thất nhưng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên rủi ro thất cũng ít.

Vốn là kỹ sư công tác ở nghành nông nghiệp thành phố nhưng với niềm đam mê với “ruộng vườn” nên ông đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, tìm tòi cho ra những hạt giống tốt nhất. Mặc dù, quy trình làm một loại giống rất khó, vì mất rất nhiều thời gian và công sức. “Riêng thời gian phải mất 6 đến 7 năm mới sản xuất ra một giống”, ông Thông chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, ông Thông cũng cho biết, hiện nay việc trồng trọt được áp dụng công nghệ cao nên không còn cực như ngày xưa. Hồi trước thì làm thủ công còn bây giờ, máy móc làm hết rồi. Ví như, lên luống cũng làm bằng máy, tưới phân, nước toàn bộ là hệ thống tự động hết, công việc của người lao động không còn cực nhọc như trước. Thậm chí, những người lớn tuổi cũng có thể làm được. Họ rảnh ngày nào thì làm ngày đó, công việc chỉ là đi hái bông, đi thụ phấn, hái ớt, hái cà... Nhờ vậy mà giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Ngoài ra, ở công ty cũng có hình thức là khoán cho người dân. Theo đó, công ty sẽ cung cấp vật tư, vốn, rồi hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân thực hiện, sau đó sẽ thu mua lại sản phẩm. Với cách như vậy sẽ hiệu quả hơn vì gắn với thu nhập của người dân nên họ sẽ làm kỹ hơn.

Được biết, không chỉ thành công trong công việc với mức lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí, hàng năm ông cũng thu về khoảng 400 – 500 triệu đồng mà ông còn có một gia đình hạnh phúc với 3 con chăm ngoan, học giỏi. Tâm sự với chúng tôi ông cho biết, niềm vui hơn cả chính là giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều nhân công nhàn rỗi trên địa bàn. Song song đó, nếu ở địa phương có cần hỗ trợ thì ông cũng sẵn sàng đóng góp trong khả năng mình có thể.

Bà Đỗ Thị Ngọc Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Phạm Văn Cội nhận xét: “Ông Thông cũng là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương của xã. Trong thời gian qua, ngoài việc ông thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn xã thì ông cũng rất nỗ lực cùng với chính quyền xã chăm lo cho những người có hoàn cảnh nghèo, cơ nhỡ. Song song đó, khi tiến hành vận động các nguồn quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ nông dân, ông đều mạnh dạn đóng góp nhất là trong những dịp lễ tết.

ÔNG NGUYỄN VĂN TRÃI – VUA CỦA CÁC LOẠI RAU, QUẢ

Đến xã Nhuận Đức, hỏi bác Tư trồng rau hầu như ai cũng biết. Được anh Thắng, Phó chủ tịch Hội nông dân xã dẫn đường, chúng tôi cứ thế men theo mà đi. Tới một cánh đồng xanh bạt ngàn, chạy tít tắp không thấy điểm dừng, phóng hết tầm mắt cũng thấy màu xanh của rau, quả: nào là bầu, bí, nào ớt, khổ qua, cà tím... thì anh Thắng nói “tới rồi”. Không khí làm việc trên cánh đồng rau màu những ngày cận Tết Nguyên đán thật vui vẻ, rộn vang tiếng cười nói. Mọi người ai nấy đều tất bật với công việc của mình để hoàn thành cho kịp “tiến độ”. Đang mùa nước rút để chuẩn bị rau, quả...cho thị trường tết nên lượng nhân công làm việc trên cánh đồng rất đông. Trong số những người đang lấp ló làm cỏ, bón phân, tưới nước, anh Thắng chỉ tay về một người đàn ông trung niên và giới thiệu: “đó là bác Tư”. Bác Tư hỏi có chuyện gì vậy, chúng tôi nhanh chóng giới thiệu muốn đến gặp bác để được nghe những tâm sự của một lão nông làm ăn thành đạt. Bác Tư khua tay nói: “Tôi thì có gì đâu, bây giờ làm cũng chỉ mong cho mọi người cùng có công việc và nguồn thu ổn định”.

Bác Tư tên thật là Nguyễn Văn Trãi, năm nay đã bước sang cái tuổi 55, dù vậy nhìn ông sệt là một lão nông Nam bộ. Nghỉ tay, ông chia sẻ về việc trồng rau màu: “Hơn 10 năm “vật lộn” với đồng ruộng, đến nay, gia đình đã trồng hơn 30 hecta hoa màu các loại như: khổ qua, bầu, bí, ớt, mướp, cà tím... Sản phẩm chủ yếu là cung cấp cho siêu thị, Hợp tác xã Nhuận Đức và chợ đầu mối. Lúc mới bắt đầu trồng hoa màu tôi thử nghiệm trồng 2 hecta, rồi năm sau lên 4 - 5 hecta. Cứ thế, mỗi năm tăng lên vài hecta cho tới ngày hôm nay”.

Nói về bí quyết chăm sóc hoa màu, ông Trãi chia sẻ: “Sự hiểu biết là cần thiết nhất, đặc biệt là khâu bón phân tro, diêm đầy đủ, làm nhiều năm thì tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ví như khi có bệnh thì nhìn vào phải biết đó là bệnh gì để còn biết mà điều trị sớm cho cây”. Ông cũng đã từng tham gia đi nhiều nơi như: Đà Lạt, Tây Ninh, Cần Thơ... để dự các hội thảo trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, ông còn tự học hỏi để ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để năng suất ngày cao tăng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, với việc trồng hoa màu, bình quân mỗi năm gia đình ông Trãi có thể thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, gia đình đã tự đổ đường lớn để xe tải có thể vào vận chuyển cho dễ dàng và cũng thuận tiện đi lại.

Tuy nhiên, nhớ lại khoảng thời gian trước đây, ông Trãi cho biết, cũng đã bươn chải bằng nhiều ngành nghề khác nhau như: bán cà phê; mua bán đậu, lúa; mở nhà máy xay lúa rồi... nhưng vẫn không thể làm giàu lên được. Suy đi tính lại, vợ chồng ông bàn đến chuyện chuyển qua trồng hoa màu. Thấy trồng có hiệu quả nên theo luôn cho tới hôm nay. “Làm nghề này thì cực, vất vả nhưng rất vui. Nhất là nhân công làm việc nhiều nên lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười trên mảng xanh này” - Ông Trãi cho biết.

Ông Trãi cho biết thêm: “Hiện tại mỗi ngày có khoảng 100 nhân công làm việc cho gia đình. Mức giá trả cho mỗi nhân công 1 ngày khoảng 100 đến 130 ngàn đồng/người. Một tháng chỉ riêng chi phí trả cho nhân công khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng. Mỗi đợt cao điểm, công việc nhiều, mỗi ngày có khoảng 130 người làm việc. Thậm chí, những đợt thu hoạch ớt có khi phải cần tới 200 nhân công. Tính bình quân, một năm tiền công và tiền ăn cho nhân công là khoảng trên 4 tỷ đồng”.

Khi làm việc tại đây, mỗi người sẽ được phân công việc cụ thể và làm theo nhóm: phun thuốc, tưới nước, giăng dây, thu hoạch... “Chỉ huy” và “đạo diễn” các công nhân chăm sóc, vun trồng cho cà, khổ qua, ớt... trái đầy cành; rau xanh mơn mởn... chính là hai vợ chồng ông Trãi. Vì vậy, từ sáng sớm cho tới khi tối mịt, cặp vợ chồng lão nông này lúc nào cũng “trực chiến” trên cánh đồng. Họ vừa coi sóc công việc, vừa cùng nhân công làm việc, mọi thứ như đã được sắp đặt sẵn, ai nấy đều tay chân thoăn thoắt, làm việc, tạo nên một không khí lao động hăng say, vui vẻ với nhiều câu chuyện cười.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trãi cho biết, trong số hơn 100 nhân công thì hiện có khoảng gần 20 người ở địa phương, còn lại đều là người dân ở các tỉnh miền Tây lên. Với những người nhân công này, ông làm nhà cho họ ở, rồi kéo điện, khoan giếng cho xài. “Lúc mới lên họ khổ lắm, trong người có 2, 3 bộ quần áo à. Đến giờ thì cuộc sống cũng khá rồi, cũng mua sắm được xe máy, ti vi...”.

Ông Trãi cũng tâm sự thêm, bây giờ con cái cũng lớn và lập gia đình, công việc ổn định hết rồi. Có khi cũng xuất hiện ý nghĩ là “gác cuốc” được rồi nhưng ngặt nỗi tôi mà nghỉ thì nhân công cũng khổ. Có người bảo, thôi bác Tư đừng có nghỉ, nghỉ rồi tụi con không có công việc mà làm. Chính vì thế chúng tôi luôn cố gắng để tiếp tục công việc và tạo điều kiện cho mọi người làm việc. Thú thực, gắn bó với nhau lâu năm riết rồi cũng thương nhau như con cháu vậy”.

Chia sẻ việc làm của ông Trãi trên địa bàn xã anh Đỗ Thành Thắng, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Nhuận Đức cho biết: “Hộ ông Nguyễn Văn Trãi là nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn xã. Ông đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trong quá trình sản xuất thì cũng đảm bảo tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ cho nhiều hộ sản xuất trên địa bàn về giống, cách trồng, cách chăm sóc các loại rau quả, khi mà những người xung quanh có nhu cầu. Ngoài ra, ông còn đóng góp tích cực giúp đỡ chăm lo cho hộ nghèo trên địa bàn xã” 

Kim Huê


Số lượt người xem: 4934    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm