LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
6
1
7
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 14 Tháng Mười Hai 2013 10:55:00 SA

Hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử chống Mỹ cứu nước Củ Chi”.

Vừa qua, tại Khu di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi thuộc xã phú Mỹ Hưng, Sở văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử chống Mỹ cứu nước Củ Chi”.

Đồng chí Vũ Kim Anh – Phó giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh thành phố, Trung tâm bảo tồn di tích thành phố, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Viện nghiên cứu phát triển thành phố, các thành viên hội đồng xét duyệt di tích, đại diện Huyện ủy Củ Chi, Phòng văn hóa thông tin, Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống huyện, Ban giám đốc khu di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi và các đồng chí cách mạng lão thành nhân chứng lịch sử.
Hội thảo lần này nhằm làm sáng tỏ các sự kiện lịch sử , giá trị lịch sử, khoa học của Khu Di tịch lịch sử địa đạo Củ Chi để hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Bộ văn hóa, thể thao và du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Dự kiến các công việc còn lại sẽ tích cực thực hiện trong thời gian tới để đến cuối năm 2014 di tích sẽ được trình thủ tướng công nhận.
Ngày 6/6/2012 “Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt cho “Khu di tích lịch sử chống Mỹ cứu nước Củ Chi”.
Thực hiện chủ trương của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, đ/c Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo “giao Sở Văn hóa, thể thao và du lịch chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học về di tích quốc gia đặc biệt “Khu di tích Lịch sử chống Mỹ cứu nước Củ Chi”, chủ trì lập hồ sơ khoa học di tích. Thời gian qua, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch giao Trung tâm bảo tồn di tích tổ chức nghiên cứu, gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu, hình ảnh liên quan đến di tích, kết quả đã thu thập và lập danh mục 50 tư liệu các loại. Chuẩn bị cho hội nghị này, Ban tổ chức cũng đã nhận được 23 báo cáo tham luận. Tại hội thảo cũng đã có 8 ý kiến phát biểu của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học về các nội dung như: tên gọi di tích; nguồn gốc xuất xứ và cấu trúc của di tích; những sự kiện lịch sử liên quan đến di tích; giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích; cùng với việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa Đạo Củ Chi. 
Địa đạo Củ Chi có giá trị lịch sử và khoa học rất lớn: là một công trình khoa học quân sự mang tính kế thừa và có giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt là nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân vô cùng phong phú, sáng tạo, phát triển đến đỉnh cao trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đã tạo cho địa đạo một tầm vóc độc đáo không những đối với trong nước mà cả thế giới.
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là nơi các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân khu Sài Gòn Gia Định và Huyện ủy Củ Chi sống, làm việc và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Sài Gòn – Gia Định. Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẽ vang trong suốt kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961-1975). Sau này, một số đồng chí trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Trong những năm qua, khu di tích đã phát huy hiệu quả trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích – là di tích có số lượng khách tham quan đông nhất ở TP HCM. Hàng năm đón trên 1 triệu khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tại đây được đánh giá là một điển hình của sự kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa và nhu cầu tham quan, nghiên cứu, du lịch của nhân dân và du khách quốc tế, trở thành điểm quan trọng trong quy hoạch phát triển của cả 2 ngành văn hóa và du lịch của TPHCM; đặc biệt di tích đã đựơc đưa vào chương trình hành động quốc gia về du lịch của Chính phủ do Tổng cục du lịch tổ chức thực hiện và gần đây là đựơc xác lập kỷ lục Châu Á về địa đạo dài nhất.
Theo đề nghị của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch lấy tên gọi Di tích là “Khu di tích lịch sử chống Mỹ cứu nước Củ Chi”. Tại hội thảo các đại biểu tham dự đề nghị vẫn giữ tên gọi là “Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi”.

Xuân Trang


Số lượt người xem: 4800    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm