LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
7
1
9
2
TIN TỨC SỰ KIỆN 02 Tháng Mười Hai 2013 3:00:00 CH

Nguyễn Trung Hậu vượt lên khiếm khuyết

Chúng ta sinh ra đều mong muốn có được một thân thể vẹn toàn, lành mạnh. Tuy nhiên vẫn có nhiều số phận bất hạnh, phải mang trên mình những khuyết tật. Ở Củ Chi, có khá nhiều câu chuyện cảm động về những người khuyết tật mà vẫn nỗ lực vươn lên, thể hiện niềm khát khao cuộc sống. Dường như, trong cuộc đời của những người khuyết tật luôn có những điều bất ngờ, kỳ diệu khi họ đã nỗ lực hết mình. Bằng nội lực bản thân, họ đã vượt qua những trở ngại trong cuộc sống, làm cho gia đình và cộng đồng thấy được niềm tin trong chính những con người khiếm khuyết ấy. Và một trong những câu chuyện chúng tôi muốn kể là em Nguyễn Trung Hậu, ở ấp 6, xã Tân Thạnh Đông.

Đã quá trưa nhưng cái nắng của tháng cuối năm vẫn chói chang. Theo con đường rẽ vào ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, chúng tôi đến thăm em Nguyễn Trung Hậu. Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ở góc phòng khách, chiếc nệm mỏng được trải dưới nền gạch bông là nơi làm việc – sửa máy vi tính của cậu thanh niên 28 tuổi Nguyễn Trung Hậu. Ấn tượng ban đầu chúng tôi gặp Hậu là một thanh niên người nhỏ nhắn, vui vẻ. Mặc dù chân và tay đều bị teo nhỏ nhưng đôi mắt sáng ngời và đôi môi luôn nở nụ cười lạc quan của Trung Hậu làm cho người khác quên đi khiếm khuyết của em. Dưới nền nhà là 2 chiếc máy tính của khách hàng gởi đến sửa. Hậu tâm sự mà như giải thích: “Em làm nghề sửa và mua bán máy vi tính cũng được hai năm nay. Hiện nay nó là nghề nuôi sống bản thân em. Mỗi tháng thu nhập từ công việc này khoảng 3 triệu đồng”.
Kề về cuộc đời mình, Hậu cho biết: Sau cơn sốt bại liệt vào năm 5 tuổi, đôi chân và tay bị teo nhỏ do di chứng của cơn sốt bại liệt. Không có khả năng đi lại. Hậu nằm, ngồi một chỗ và việc di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Hàng ngày, ba mẹ, bà nội thay nhau chăm sóc, bế Hậu đến trường học chữ. Hậu rất mê học. Năm học nào cũng đạt kết quả cao. Những tấm bằng khen hay tên mình được đề trên bảng danh dự của trường là niềm vui, động lực của cậu bé bị khiếm khuyết này. Nhưng rồi, Hậu đành phải nghỉ học khi hoàn thành xong chương trình phổ thông vì Hậu không đủ sức khỏe để tiếp tục con đường học tập. Cha mẹ Hậu, những người nông dân chân lấm tay bùn đành phó thác số phận mình và con cho ông trời định đoạt. Hậu vẫn còn nhớ, có nhiều đêm thức trắng chăm lo cho em, mẹ cậu không giấu được những giọt nước mắt chảy dài trên má với bao câu hỏi: Liệu cái cơ thể không có khả năng đi lại, không có khả năng tự điều khiển, tự sinh hoạt, tự chăm lo cho mình, đặt đâu ngồi đó bất lực với chính sự tỉnh táo của trí óc mình, liệu sẽ làm gì, sẽ nương tựa, sẽ sống ra sao khi cha mẹ già yếu…? Bao nỗi lo toan, bao giọt nước mắt của mẹ đã đổ xuống thân thể héo hon của em nóng hổi, đủ để Hậu cảm nhận được rằng, nếu cứ nằm yên một chỗ, nếu cứ để cho cuộc sống trôi qua nặng nề từng ngày, từng ngày như thể một sự hành hạ, vướng bận của người thân thì quả thật đó là một chốn đày ải tối tăm. Xuất phát từ sự thương mẹ, thương cha, xuất phát từ một nghị lực sống trong trí óc thông minh mà ông trời vẫn còn ban cho như một sự nương tay của số phận và một trái tim nóng hổi dù không còn lành lặn, khỏe mạnh. Có lẻ ông trời cũng không lấy hết của ai tất cả. Nguyễn Trung Hậu đã bắt đầu có những bước đi khởi đầu thay đổi cuộc đời và số phận mình, thoát ra khỏi sự bất lực của cơ thể tật nguyền và những định kiến của xã hội. Trung Hậu đăng ký học anh văn tại trung tâm chuyên về dịch thuật với thời gian hai năm( 2007-2008). Sau khi lấy chứng chỉ, Hậu đi dạy anh văn được 6 tháng thì nghỉ vì xét thấy mình không phù hợp với nghề thầy giáo. Thời gian nghỉ ở nhà, Hậu mày mò trên máy tính, trên mạng. Dù cơ thể bất động nhưng may mắn là ngón tay cái và hai ngón tay trỏ của Hậu vẫn có khả năng di chuyển. Ban đầu Hậu sử dụng hai ngón tay ấy để tiếp xúc với máy tính, lên mạng chia sẽ thông tin. Sau này được sự động viện, giúp đỡ của một người bạn học chuyên về máy tính, Hậu học lại kiến thức từ bạn. Sau 1,5 năm mày mò tự học với sự hướng dẫn của bạn, giờ Hậu đã có thể “ bắt bệnh và chữa bệnh” cho máy vi tính. Giờ đây, cuộc đời Hậu bắt đầu gắn liền với chiếc máy tính. Mỗi một ngày, khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phí, Phó phòng lao động thương binh xã hội huyện cho rằng: Ðể được hòa nhập, tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực, người khuyết tật phải vượt qua biết bao rào cản... Một sự giúp đỡ về vật chất hay tinh thần sẽ là cơ hội để người khuyết tật phát triển những năng lực sẵn có, từ đó trở thành những lao động tốt, những tài năng sáng tạo. Và họ sẽ giúp lại cho những người đồng cảnh ngộ, góp phần cùng cộng đồng phát triển xã hội.
Đứng ngoài "cộng đồng" người khuyết tật, chúng ta thường nghĩ họ khó hòa nhập với xã hội hiện đại. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng nay thì đã có cái nhìn khác. Họ tật nguyền nhưng có thể tự tin bước về phía trước bằng đôi chân không lành lặn. Và hơn thế, họ còn dang tay dìu những người đồng cảnh ngộ, những người khốn khó cùng vào đời. Hầu hết người khuyết tật đều biết yêu thương con người, chăm chỉ lao động và sống lương thiện. Ðó là biểu hiện của ý chí, là nghị lực sống bền bỉ không ngừng khi họ được yêu thương, được động viên, khích lệ từ gia đình và xã hội.
Kiều Ngân

Số lượt người xem: 4315    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm