LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
3
5
3
8
TIN TỨC SỰ KIỆN 01 Tháng Mười Hai 2013 2:50:00 CH

Củ Chi tiếp tục nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tại huyện Củ Chi, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1994. Từ đó đến nay, HIV/AIDS vẫn là một đại dịch ám ảnh đối với cộng đồng đang được cả xã hội chung tay phòng chống và ngăn chặn.

 

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
Theo số liệu thống kê về tình hình nhiễm HIV/AIDS và tình hình tử vong do AIDS trên địa bàn huyện cho thấy: số người nhiễm HIV có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân tập trung không chỉ ở những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như tiêm chích, mại dâm mà xuất hiện ở cả người bình thường và trẻ em. Từ việc phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào năm 1994, đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện 1.622 người nhiễm HIV và đã có 934 người chuyển thành AIDS và số người tử vong do AIDS là 203 người. Tính riêng năm 2013 đã phát hiện 382 trường hợp nhiễm HIV mới, trong đó nữ là 158 trường hợp, nam là 124 trường hợp. Số người chuyển qua giai đoạn AIDS mới 21 trường hợp và đã tử vong là 18 người. So với năm 2012, số người nhiễm HIV mới ở năm 2013 tăng. Số người lây nhiễm HIV qua đường máu là 260 người, chiếm 58%; qua đường tình dục là 120 người, chiếm 21%... Huyện cũng đã tiếp nhận và đưa vào điều trị cho trên 400 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV kháng virut. Trong số người nhiễm HIV thì có đến 80% người nhiễm có lối sống không lành mạnh và có hành vi rủi ro cao. Ngoài ra, hiện huyện đang quản lý và cấp sữa được 36 trẻ dưới 18 tháng tuổi sinh từ mẹ bị nhiễm. Hiện toàn huyện có 216 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV có hoàn cảnh khó khăn vào diện hưởng chương trình OVC.
Điều này cho thấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa thực sự bền vững, còn nhiều khó khăn thách thức. Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu; trong đó tuyến xã, thị trấn chủ yếu cán bộ làm việc kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS chưa cao. Toàn huyện chỉ có 1 phòng khám ngoại trú đặt ở trạm y tế xã Tân Thạnh Tây. Chương trình Methadone mới triển khai chứ cũng chưa được thực hiện. Kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hằng năm đều tăng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, công tác quản lý người nhiễm còn gặp nhiều khó khăn do họ thường xuyên thay đổi nơi sinh sống. Nhiều trường hợp khi làm xét nghiệm phát hiện HIV nhưng không muốn công khai danh tính hoặc công khai danh tính không chính xác gây khó khăn cho việc quản lý, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm. Trong khi đó, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục có các diễn biến phức tạp. Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Chiến – khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS của Trung tâm y tế dự phòng, đường lây truyền HIV đang có chiều hương tăng là qua đường máu, đường quan hệ tình dục và có tính chất nguy hiểm vì nó hướng tới cả những đối tượng có nguy cơ thấp, khó phát hiện để phòng, chống. Nhiều đối tượng có các yếu tố hành vi lây nhiễm kép vừa quan hệ tình dục, vừa nghiện ma túy… Do đó, mặc dù đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường... Một khó khăn nữa là nguồn kinh phí duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hạn hẹp, trong khi Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang được triển khai toàn diện với các hoạt động: truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại: phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân AIDS tại các phòng khám ngoại trú, tại nhà và tại cộng đồng… Hoạt động điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn nhiều khó khăn do tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV. Phần lớn phụ nữ là người bị ảnh hưởng bởi chồng, người yêu,...của họ song khi bị nhiễm HIV thì hầu hết họ là người chịu hậu quả như bị từ chối, ly thân....
VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
HIV lây lan chủ yếu qua hành vi không an toàn, có nhiều rủi ro cao của con người. Do vậy, không thể ngăn chặn được dịch bệnh nếu mỗi người dân không có nhận thức đúng, không thực hiện hành vi an toàn để tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Trong đó, cần phát huy truyền thống tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân tham gia phòng chống HIV/AIDS. Trong hoạt động thực tiễn suốt những năm qua, huyện đã phát huy tối đa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong phòng chống HIV/AIDS. Có những câu chuyện cảm động về những người có và chịu ảnh hưởng bởi HIV. Đó là đám cưới của một người phụ nữ nhiễm HIV từ người chồng trước với một người đàn ông khoẻ mạnh gần nhà. Hay câu chuyện về cậu bé 12 tuổi bị HIV nhưng vẫn sống và học tập bình thường, không bị cộng đồng xa lánh kì thị và được mọi người quan tâm, giúp đỡ… Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều đã phát huy hết những giá trị truyền thống tốt đẹp. Vẫn còn có không ít người thể hiện sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV. Họ cho rằng nhiễm HIV đều là hậu quả của những  hành vi xấu, hay nếp sống buông thả. Do đó, những người sống chung với HIV/AIDS thường bị coi thường, khinh miệt, và phân biệt đối xử. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều cơ sở, trung tâm chăm sóc đã được thành lập và hỗ trợ cho trẻ nhiễm HIV được chăm lo, được học hành. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các em trong độ tuổi đến trường nếu có HIV rất khó có thể được học tập, vui chơi cùng những trẻ em đồng trang lứa bởi nhà trường nếu có tiếp nhận các em này sẽ phải chịu một sức ép lớn từ phía phụ huynh các học sinh khác. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, chỉ có số ít người nhiễm HIV trong độ tuổi lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, tỷ lệ người thất nghiệp còn cao, phần lớn trong số người còn lại thường làm việc trong các nhóm đồng đẳng. Vậy có thể thấy cộng đồng vẫn chưa sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện việc làm cho họ. Mặc dù luật đã quy định. Tuy nhiên, cả xã hội đã góp sức chung tay để tạo cho họ một môi trường thuận lợi nhất nhằm giúp họ có thể hòa nhập chung với cộng đồng. Ngoài ra, những hoạt động thiết thực như: Phát bao cao su, phát bơm kim tiêm đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao như mại dâm, người nghiện ma túy được thực hiện rộng rãi. Những hình ảnh tiêu cực trong truyền thông về lây nhiễm HIV được xóa bỏ. Điều đó cho thấy, một tinh thần nhân ái dành cho những người nhiễm HIV/AIDS.
Dẫu vẫn còn có những trở ngại trong công tác phòng chống HIV/ AIDS, nhưng những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, sẽ giúp ngăn chặn đại dịch này ngày càng hiệu quả hơn.
Kiều Ngân

 


Số lượt người xem: 4815    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm