LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
7
0
3
6
TIN TỨC SỰ KIỆN 15 Tháng Hai 2013 3:35:00 CH

Ngày tết gặp gỡ những nông dân sản xuất giỏi

Trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Chào năm cũ, đón năm mới, chúng ta cùng gặp gỡ những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để cùng vui với thành công và chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh của họ.

 

 

 

ANH BÙI CÔNG ĐỨC – GIÀU NHỜ TRỒNG NẤM:

Trại nấm Công Đức tọa lạc ở ấp Xóm Mới xã An Nhơn Tây là một trong 3 cơ sở trồng và nuôi cấy phôi nấm do anh Bùi Công Đức gầy dựng hơn 6 năm nay.

Những ngày giáp tết, không khí trại nấm tất bật hẳn lên. Công nhân phải tăng ca để đủ số lượng bịch phôi giao cho các hộ trồng nấm. Ngoài việc cấy phôi bán cho các hộ có nhu cầu trồng, tại các trại nấm của anh Đức cũng trồng khoảng 50.000 bịch các loại nấm linh chi và bào ngư bán tết. Anh Đức cho biết: thời điểm gần tết, nấm linh chi rất hút hàng, giá cả cũng khá. Ngày thường giá khoảng 300.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá lên đến 400.000 đồng/kg.

Bắt đầu thử nghiệm nuôi cấy phôi nấm từ năm 2006, anh Đức cùng cậu con trai vừa tốt nghiệp ngành sinh học trường Đại học Khoa học tự nhiên (cũng có thời gian làm việc tại trại nấm gần nhà) mày mò gần 2 năm mới thành công. Từ đó, anh vừa nuôi cấy mô nấm gồm các loại: bào ngư, linh chi, nấm mèo bán cho bà con có nhu cầu trồng, vừa mở rộng đầu tư trồng nấm tại nhà.

Theo anh Đức: Trồng nấm cho hiệu quả khá hơn các cây trồng khác. Đối với nấm linh chi, đầu tư trồng 5.000 bịch nấm, vốn ban đầu cần khoảng 30 triệu đồng, trong đó vốn mua giống khoảng 18 triệu (hiện nay giá một bịch phôi nấm đã vô sẵn là 3.500 đồng), còn lại là chi phí xây cất trại nuôi. Đối với nấm linh chi, qua chu kỳ một đợt nấm khoảng từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng thu hoạch 2 lần được khoảng từ 130 đến 150kg nấm. Giá thị trường dao động từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg tùy nấm tốt xấu. Thời điểm tết này hút hàng giá lên đến 400.000 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí giống một vụ 3 tháng, người trồng nấm thu lời trên 15 triệu đồng.

Không như những cây trồng khác, nấm có thể trồng quanh năm, việc chăm sóc cũng khá đơn giản. Hàng ngày chỉ cần tưới nước 3 lần, mỗi lần 8 lít nước, có thể dùng bình phun xịt trực tiếp lên các bịch giống hay dùng hệ thống phun tự động trên mái nhà nuôi. Quy cách nhà trồng nấm cũng đơn giản: nếu trồng 5.000 bịch nấm, chỉ cần cất trại ngang 6m, dài 12m; mái lợp lá dừa, nền cán xi măng để giữ nước, xung quanh dùng lưới trắng để chắn gió và côn trùng. Diệt khuẩn, côn trùng trong nhà nuôi bằng cách rắc khoảng 6kg vôi bột lên nền trước khi nuôi nấm.

Còn đối với nấm bào ngư thì thu hoạch mỗi ngày. Một vụ nấm cũng kéo dài khoảng 3 tháng. Mỗi bịch bào ngư cho từ 300gram đến 500gram nấm. Giá mỗi kg nấm bào ngư khoảng 30.000 đồng. Tính ra thì nấm bào ngư thu lời hơn nấm linh chi nhưng tốn công thu hoạch hàng ngày.

Theo anh Đức trồng nấm hiệu quả hơn những cây trồng khác, việc chăm sóc cũng đơn giản, dễ làm, không phải dùng thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến sức khỏe người chăm sóc. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở nuôi cấy mô nấm của anh Đức cho ra khoảng 10.000 bịch giống cung cấp cho nhiều bà con trồng nấm trong huyện Củ Chi và các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long. Không chỉ cung cấp giống, hướng dẫn cách trồng, anh Đức còn bao tiêu sản phẩm nấm linh chi cho bà con lấy giống của mình. Hiện 3 cơ sở của anh ở An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng và Nhuận Đức vừa nuôi cấy mô vừa trồng các loại nấm linh chi và bào ngư. Tại các cơ sở giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động. Mỗi người có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng hàng tháng. Những ngày giáp tết này công việc nhiều hơn nên thu nhập cũng cao hơn.

Từ nghề trồng nấm, gia đình anh Đức có cuộc sống sung túc, hàng tháng gia đình thu lợi vài trăm triệu đồng. Anh Đức phấn khởi cho biết: “Năm nay gia đình làm ăn cũng khá. Phôi nấm nhiều năm cung cấp có chất lượng, nấm ra nhiều và đều nên nhiều nơi biết tiếng đặt hàng ngày càng nhiều, các trại nấm cũng trồng đều đặn mỗi đợt từ 40 đến 50 ngàn bịch bán ra thị trường. Giá cả cũng ổn định nên không chỉ tôi mà nhiều bà con trồng nấm khác cũng có một năm làm ăn khá hiệu quả”.

ÔNG PHAN VĂN NẮNG – KHÁ NHỜ NUÔI HEO:

Ngày tết mọi người thường ôn chuyện cũ và nghĩ về những dự tính năm mới. Kể về chuyện vượt khó vươn lên của gia đình mình, ông Phan Văn Nắng – một nông dân sản xuất giỏi của ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng cho biết: Với tuổi đời gần 60, ông đã có trên 40 năm làm nghề nông. Nguồn sống chính của gia đình ông mấy mươi năm nay chủ yếu từ việc trồng lúa, trỉa đậu và chăn nuôi heo. Năm 1980 ông gầy dựng gia đình nhỏ của mình với ít vốn liếng làm “của hồi môn” của hai gia đình là 50 cao ruộng và một con trâu. Vậy là để nuôi sống gia đình, hàng ngày cả nhà  ông “chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Ông tâm sự: “Làm nghề nông mà, khó nhọc dè xẻn lắm mới đủ cái ăn cái mặc. Thế rồi 3 đứa con nhỏ lần lượt ra đời, bà nhà tôi cũng tằn tiện chắt chiu lắm nhưng gia đình vẫn thiếu hụt. Vậy là phải nghĩ cách làm thêm mới có thể lo ăn lo học cho gia đình và các con, chứ cứ cái cảnh trâu cày ruộng cấy mãi thì bao giờ mới khá”.

Nghĩ vậy, hai vợ chồng ông bán trâu và vay mượn thêm của họ hàng mua một máy cày tay về để chồng đi cày thuê, còn phần vợ cũng mua một con heo về để nái. Vào vụ, ngoài việc cày cấy 50 cao ruộng nhà, ông còn đi cày thuê lấy tiền phụ thêm vợ cho heo ăn. Cũng may là vợ ông cũng có tính ham học hỏi nên việc chăn nuôi lứa nào cũng suôn sẻ. Ban đầu gia đình ông chỉ nuôi nái bán heo con, sau có vốn heo đẻ để nuôi thịt luôn. Theo hai vợ chồng thì như vậy sẽ có lời hơn. Hiện trong dãy chuồng nhà ông Nắng lúc nào cũng có trên 5 heo nái và khoảng 30, 40 heo thịt. Mỗi năm xuất chuồng từ  3 đến 4 lần heo. Trừ cả thảy chi phí chăn nuôi thu nhập hàng năm cũng khoảng 70 triệu đồng. Thu nhập từ việc chăn nuôi và làm lúa, vợ chồng ông tích góp mua thêm 50 cao ruộng để sản xuất. Vậy là từ 1 ha ruộng hàng năm ông sản xuất 3 vụ lúa, trừ hết đi chi phí sản xuất cũng thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Như vậy tính hết thu nhập từ việc trồng lúa và chăn nuôi, hàng năm gia đình ông cũng thu về cả 100 triệu đồng.

Nói về kinh nghiệm trong chăn nuôi ông Nắng cho biết: “Theo tôi thì trồng trọt, chăn nuôi cây con gì mình cũng phải biết học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và còn phải biết áp dụng những kỹ thuật mới vào cây con giống của mình. Việc chăn nuôi heo cũng vậy, ngoài việc thực hiện chuồng trại đúng quy cách, chăn nuôi đúng kỹ thuật, cho nó ăn đủ sức, còn phải học hỏi cách phòng bệnh, chữa bệnh, như vậy sẽ hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi. Cũng nhờ vậy mà mấy đợt dịch tai xanh, lở mồm long móng vừa rồi đàn heo của gia đình tôi vẫn khỏe mạnh không ảnh hưởng gì. Không những thế, việc giữ gìn môi trường trong chăn nuôi cũng rất quan trọng. Trước kia tôi đào hầm chứa nước thải trong chăn nuôi. Hơn 10 năm nay có chương trình xây dựng hầm biogas gia đình tôi hưởng ứng ngay vì vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có gas đun nấu trong gia đình”.

Chịu khó học hỏi và chí thú làm ăn nên gia đình ông Nắng đã có được cuộc sống khấm khá. Ngôi nhà tranh vách lá ngày nào giờ đã được thay bằng ngôi nhà xây khang trang. Tiện nghi sinh hoạt gia đình cũng khá đầy đủ. Các con ông được học hành đến nơi đến chốn. Đón năm mới này, gia đình ông có thêm niềm vui vì có được đứa cháu nội kháu khỉnh. Mai vàng, bông giấy đỏ khoe sắc trước nhà dự báo một năm mới vui vầy sung túc.

ÔNG LÊ VĂN GANG – MỘT CHI HỘI TRƯỞNG NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI:

Ông Lê Văn Gang ở ấp Phú Bình xã An Phú là một chi hội trưởng hội nông dân ấp khá nhờ nuôi heo và một con giống khá quen thuộc khác đó là con bò sữa.

Với bản tính ham làm và chịu khó tìm tòi học hỏi nên những cây trồng vật nuôi nào mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện gia đình là ông mạnh dạn tham gia sản xuất. Đến thăm cơ ngơi gia đình ông vào những ngày cuối tháng Chạp, ông vui vẻ cho biết: “Năm nay gia đình làm ăn cũng khá, với diện tích đất ruộng 1 hecta đang trồng cỏ để chăn nuôi bò sữa. Đàn bò sữa 10 con của gia đình hiện có 6 con đang cho sữa. Thu nhập từ sữa bò cũng được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Còn 50 cao đất vườn hiện đang trồng cao su đến nay cũng đã bắt đầu thu hoạch. Riêng đàn heo 15 nái cũng cho thu nhập khá từ việc bán heo con. Tính hết thu nhập từ việc sản xuất chăn nuôi của gia đình năm nay cũng được trên 200 triệu đồng”.

Nói thêm về việc phát triển kinh tế của gia đình mình, ông cho biết: “Gần mười năm nay, tôi chuyển đất lúa sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Ban đầu chưa biết nhiều về kỹ thuật chăn nuôi nên phải tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện. Đối với con bò sữa thì mình phải thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, thức ăn trong chăn nuôi cũng phải đủ chất, liều lượng mới không ảnh hưởng đến chất lượng sữa, kỹ thuật vắt sữa, việc tiêm phòng bệnh cũng rất quan trọng. Chăn nuôi bò sữa thì phải chịu khó nhưng hiệu quả kinh tế thì cũng khá cao. Còn chăn nuôi heo nái thì mình chịu cực cũng có ăn. Đối với cây cao su, thì mấy năm nay thấy bà con đi trước trồng cũng cho hiệu quả kinh tế khá nên tôi cũng trồng được 50 cao. Hiện nay mỗi ngày cũng thu nhập cả triệu đồng từ việc thu hoạch mủ”.

Hớp ngụm trà xanh, nhìn những nụ mai chớm nở trước sân nhà, ông Gang vui vẻ cho biết thêm: “Tết này gia đình cũng vừa xuất chuồng gần 50 tạ heo thịt, giá cả cũng khá nên cũng có tiền ăn tết, lì xì con cháu. Nói vậy nhưng cũng ăn tết tiết kiệm thôi. Chủ yếu là có mâm cơm thịt kho hột vịt, dưa giá củ kiệu, khổ qua, mai vàng, dưa hấu đỏ cúng ông bà rồi gia đình sum họp, ôn chuyện năm cũ và bàn những dự tính tốt đẹp cho năm mới”.

Tất cả những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mỗi người mỗi công việc, hoàn cảnh khác nhau những tất cả họ đều có chung sự chịu khó, ham học hỏi, ham làm và làm có hiệu quả. Thành quả lao động của họ không chỉ tạo niềm vui, sự sung túc cho gia đình mình mà còn góp sức vun đắp hạnh phúc cho đời.

 

Xuân Trang


Số lượt người xem: 7592    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm