LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
2
8
5
4
0
TIN TỨC SỰ KIỆN 21 Tháng Hai 2013 3:00:00 CH

GẶP LẠI BÍ THƯ HUYỆN ỦY HAI THỜI KỲ

“Mười quận” Tên gọi thân thương mà bà con hay nhắc về ông. Cái tên mà bạn bè chiến đấu, đồng chí đồng đội ông đã đặt cho ông vì trong kháng chiến, đến xây dựng thời bình ông đã từng làm Bí Thư của 09 Quận, Huyện ủy Sài Gòn- Gia Định xưa và thành phố Hồ Chí Minh nay.

 

 

 

Đó là ông Nguyễn Văn Luân sinh năm 1928 hiện ngụ tại ấp Phú Mỹ xã Phú Hòa Đông huyện Củ Chi. Hôm chúng tôi đến thăm là lúc gia đình chuẩn bị đón tết Nguyên đán Quý Tỵ. Khi biết mục đích của chúng tôi ông đã dành thời gian để nói về mình về đồng đội của mình. Những câu chuyện kể liền mạch của ông làm cho tôi thế hệ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, về một “thời hoa lửa” về lớp lớp thanh niên nam, nữ hôm qua đã hy sinh cống hiến cả tuổi xuân cho thanh bình, độc lập, tự do hôm nay. 

Là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo, 13 tuổi Ba Luân phải đi chăn trâu cho chủ. Mỗi ngày, ra đồng chăn trâu, khi trâu no cỏ là lúc Ba Luân, cùng các chú “mục đồng” cùng thời chơi đánh trận giả, nghịch nước, bắt chim. Tối về chàng thiếu niên Ba luân nghe cha, mẹ dạy về đạo ở đời và nói về nỗi thống khổ của nông dân nghèo, về Cách Mạng. Ở cái tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”, Ba Luân chưa hiểu biết gì về “Cách Mạng” mà chỉ ước mơ làm sao ngày đủ hai bữa, nhưng ước mơ bé nhỏ ấy không dễ thành hiện thực!

“Năm ấy dịch bệnh thất mùa, tía, má tui không có đủ lúa để đông cho chủ ruộng, dù hai ông bà đã khóc lóc van xin “gia hạn” mùa sau trả hết phần “nợ” nhưng đã bị bọn chúng ức hiếp nặng nhẹ đủ điều… Đã vậy mà còn kêu tụi lính “lê dương” đến hăm dọa và trăm xí xô, xí xào gì đó! Rồi còn chỉa súng vào nhà làm má tui sợ đến ngất”. “Chứng kiến tình cảnh gia đình, tui mới hiểu về nỗi đau của những người tá điền, mà tía má tui là những người trong số ấy”! Ông nói, trong nghẹn ngào.

BÍ THƯ HUYỆN ỦY TRONG KHÁNG CHIẾN

Cay đắng bọn địa chủ, lính Pháp, Ba Luân nuôi ý chí có ngày sẽ làm gì đó trả thù để bà con nghèo bớt khổ. Cách mạng tháng 08/1945 nổ ra! Sáng hôm ấy, chàng trai trẻ Ba Luân ra chợ thấy bà con tuần hành đồng thanh la to: “Việt Nam độc lập muôn năm..!” cùng tiến về Dinh xã trưởng cướp chính quyền… bọn lính Lê Dương chạy “có cờ”, mấy tên địa chủ mặt mài tái mét răm rắp nghe theo bà con!

Khí thế hừng hực của những ngày cách mạng tháng Tám thôi thúc anh gia nhập vào đội ngũ du kích xã khi vừa tròn 17 tuổi, anh Ba Luân tích cực vận động trai tráng trong làng ngày sản xuất, đêm tập đánh giặc, đào hầm vót chông, bảo vệ làng xóm, bảo vệ các cô chú Việt Minh. Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra và thắng lợi, anh Ba đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là Xã đội phó, tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ tại Củ Chi. Từ 1954 -1975, là cán bộ Huyện ủy, phụ trách công tác tuyên huấn. Huyện đội trưởng huyện Củ Chi; Bí Thư: Nam Chi, Bắc Chi (tên gọi của huyện Củ Chi nay). Dù khó khăn, gian khổ nhưng với ý chí, quyết tâm, anh Ba đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, lãnh đạo và trực tiếp, tham gia chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trận đánh Gò Đình Đức Hiệp (Nhuận Đức) là trận đánh mà anh Ba nhớ nhiều nhất trong các trận đánh.

Ngày 11/06/1967 tại Gò Đình, Đức Hiệp (ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức) 47 chiến sỹ Đại đội 01, Tiểu đoàn 07 cùng bộ đội địa phương và nhân dân đã tổ chức tập kết diệt xe tăng địch, trong vòng 15 phút các lực lượng đã tiêu diệt 117 tên lính Mỹ, phá hủy 21 xe tăng. Nói đến đây ông cười mãn nguyện và nói: “Mấy chú biết không tụi “Mẽo” (tiếng lóng nói về lính Mỹ. NV) nó cậy thế có nhiều súng đạn tối tân, nên nó khi dễ súng trường, lựu đạn của du kích và bộ đội mình lắm. Trận này tụi “Mẽo” te tua nhiều lắm. Không những vậy “kinh nghiệm” nhất là “cách” diệt xe tăng, thiết giáp Mỹ trong trận Gò Đình được các lực lượng khác trên toàn chiến trường Miền Đông Nam Bộ đến “Học tập kinh nghiệm” và tận dụng triệt để.

Dù trong hiểm nguy gian khổ, ranh giới giữa cái chết và sống rất mong manh, nhưng niềm tin về Đảng về độc lập tự do, đã tiếp thêm sức mạnh để anh Ba và những đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Củ Chi thời kháng chiến lãnh đạo dân quân chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 29/4/1975. Giải phóng Củ Chi tạo điều kiện cho các cánh quân chủ lực tiến về Sài Gòn đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào trưa ngày 30/4/1975.

BÍ THƯ QUẬN, HUYỆN ỦY THỜI KỲ XÂY DỰNG

Quê hương đất nước thống nhất nhưng chất lính và tinh thần Cộng sản không cho anh Ba ngơi nghỉ, đồng chí tiếp tục tham gia cùng mọi người khôi phục lại sản xuất và làm công tác quản lý và là lãnh đạo các quận, huyện như: Bí Thư Quận ủy Phú Nhuận, Bí Thư Quận ủy Thạnh Mỹ Tây (Gò vấp – Bình Thạnh ngày nay), Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, rồi Củ Chi. Năm 1986 về làm Bí thư Quận Gò Vấp và sau đó nghỉ hưu vào năm 1993.

Ông nói với chúng tôi: “Thời bình có cái khó riêng, cái khó nhất là làm sao dân tin, dân ủng hộ” Trong những câu chuyện kể về xây dựng sau giải phóng, ông còn nhớ rất rõ những tháng năm làm Bí Thư Huyện ủy Củ Chi. “Đói giáp hạt, thất mùa hạn hán, như điệp khúc diễn ra liên tục, chỉ có thủy lợi mới cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp thời điểm ấy… Chủ trương đã có, nhưng làm sao để vận động bà con nông dân Củ Chi hiến đất, đào kênh dẫn nước tháo chua, rửa phèn tưới mát ruộng đồng là việc làm cực kỳ khó”. Ông nói.

Nhưng với ý chí và quyết tâm ông đã cùng tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ khi ấy đã có những giải pháp cụ thể, vận động nông dân hiến hàng ngàn hecta đất, đóng góp hàng trăm ngàn ngày công để công trình kênh Đông đoạn qua Củ Chi được hoàn thành và phát huy tác dụng, diện mạo nông thôn Củ Chi từ đây thay đổi. Ông tiếp lời “Đất ruộng gắn liền với nông dân và là tài sản quý nhất của họ, vận động họ để công trình đi qua mà không nhận đền bù là rất khó vào thời ấy. Tất cả những khó khăn đó chúng tôi đã vượt qua vì được dân tin, ủng hộ chính quyền và làm theo cách mạng”.

Giờ đây khi trở về cuộc sống đời thường, tuổi đời đã 85 và gần 60 năm tuổi Đảng, niềm vui lớn nhất của vị cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Luân là: Quê hương Củ Chi không ngừng đổi thay, tất cả năm người con của ông đã thành đạt, tiếp nối truyền thống gia đình. Không những vậy, mỗi khi có việc, chính quyền địa phương nhờ ông đóng góp hiến kế, ông không quản ngại đường sá đến tận xã, huyện, để gặp lãnh đạo đóng góp chân tình về cái được và mất khi đề ra một quyết sách nào đó. Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Hòa Đông nói: “Mấy anh biết không? Khi gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo, nhất là lúc đề ra chương trình hành động nào đó ý kiến của chú ba Luân đóng góp giúp cho tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ chúng tôi tự tin hơn khi phát động thực hiện các chương trình hành động cách mạng của địa phương. Không những hiến kế mà bản thân chú ấy còn tích cực thực hiện và vận động gia đình dòng tộc cùng tham gia, thật đáng trân trọng”.

Để có được danh hiệu “Củ Chi Đất Thép Thành Đồng” có biết bao người đã anh dũng chiến đấu cho độc lập tự do, mà đồng chí Nguyễn Văn Luân là một trong những con người ấy. Xuân về được tiếp chuyện với ông chúng tôi vô cùng cảm phục và biết ơn thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ, cho thế hệ chúng tôi hôm nay được độc lập tự do. Mừng Đảng - Mừng xuân, mừng đất nước quê hương Củ Chi đổi mới thanh bình, viết về người đảng viên Cộng sản lão thành cách mạng kiên trung, xin chúc cho đồng chí được mạnh khỏe và tiếp tục có những đóng góp cho quê hương.

Văn Tài

 


Số lượt người xem: 6408    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm