LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
6
0
3
0
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 13 Tháng Hai 2013 4:50:00 CH

“… Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người thường xuyên nhắc nhở “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không làm nên”; “nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Lời giáo huấn của Bác đã được Đảng, chính quyền và nhân dân Củ Chi cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể. Chính sức mạnh của nhân dân đã làm cho bộ mặt nông thôn Củ Chi đang thay đổi từng ngày trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Mùa xuân đang trỗi bừng sức sống. Không khí của mùa xuân thật dịu dàng nhưng cũng thật tưng bừng, rộn rã làm sao. Xuân năm nay thổi thêm luồng gió mới cho làng quê Củ Chi đất thép thành đồng – vùng đất đang đổi thay từng ngày với những chương trình đầy ý nghĩa. Chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình ý nghĩa ấy.

Đến những xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi nhân dịp xuân về, mọi người sẽ được hòa mình vào niềm vui chung của bà con nơi đây. Hiệu quả từ việc phát huy sức dân lo cho dân giúp đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Những ngôi nhà mới hiện đại, khang trang dần mọc lên cùng những con đường tráng nhựa phẳng phiu; trường học được nâng cấp xây mới và nhiều công trình phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho người dân Củ Chi cũng được phát triển.

 

Sức dân trên từng mét đường:

 “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đại đa số người dân trong xã đã xem việc đóng góp xây dựng nông thôn mới chính là chung tay cùng Nhà nước phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Vì vậy, khi được vận động đóng góp để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đa số người dân đều tích cực hưởng ứng” - ông Bùi Văn Luyến – Bí thư Đảng ủy xã Thái Mỹ phấn khởi cho biết.

Qua 3 năm thực hiện đề án, xã có 49 công trình giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng với chiều dài 34.838m, kinh phí 97 tỷ211 triệu đồng. Thủy lợi hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 66 công trình dài 38.277m, kinh phí 50 tỷ 297 triệu đồng. Để thực hiện hiệu quả 2 công trình trên, xã đã nhận được sự chung tay góp sức của bà con xã nhà rất lớn. Qua tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, bà con đã hiến 26,46 ha đất và cây trái trị giá 105 tỷ 862 triệu đồng. Bởi bà con luôn ý thức rằng ruộng, đất nếu có được đường giao thông qua lại, bà con nông dân sẽ thuận lợi hơn trong việc vận chuyển phân tro ra ruộng cho người dân sản xuất và chở hàng nông sản đem bán được thuận lợi, dễ dàng hơn, nên cùng nhau hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng làm kênh. Mặc dù có hộ ruộng đất ít, hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng vì lợi ích chung mà tham gia hiến đất.  

Ông Lê Minh Phụng (ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ) tâm sự: “Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của cả nước, với mục đích là làm thay đổi diện mạo của nông thôn và nâng cao đời sống cho những người dân. Bởi đường giao thông được mở rộng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn trong quá trình đi lại, sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, cùng với bà con trong ấp, gia đình tôi tự nguyện hiến 3.300m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng”. Không riêng gì ông Phụng mà bà con ở Thái Mỹ đều có chung suy nghĩ như vậy như hộ ông Bùi Văn Nhân (ấp Bình Thượng 1, hiến 2.100m2 đất), ông Phạm Văn Bung (ấp Bình Thượng 2, hiến 2.240m2 đất),… 

Còn ở xã Tân Phú Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huỳnh Văn Nị vui mừng cho biết: “Với phương châm huy động nội lực tại chỗ là chủ yếu, lấy sức dân lo cuộc sống cho dân, thể hiện qua việc người dân bàn bạc, thống nhất kế hoạch, trực tiếp đóng góp công sức triển khai và thực hiện, trên tinh thần đó chỉ tính riêng năm 2012, bà con nhân dân xã Tân Phú Trung đã ủng hộ gần 200 triệu đồng để cùng với chính quyền cải tạo lại đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với chiều dài gần 10km và nạo vét tuyến kênh T4 để dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng thuộc các ấp Phú Lợi, Giòng sao, Xóm Đồng”.

Bên cạnh ủng hộ tiền mặt để sửa chữa các tuyến đường thì bà con cũng tích cực hưởng ứng hiến đất làm đường khi được chính quyền vận động, trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình là tại ấp Cây Da đã có gần 40 hộ dân ở các tổ 4, tổ 5, tổ 6 hiến hơn 1.000 m2 đất để làm con đường số 96 với chiều dài hơn 1.300 m tại ấp  giúp cho hơn 150 hộ tại 3 tổ này đi lại dễ dàng hơn, không phải đi vòng mất thời gian và khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Ông Đặng Văn Dũng, người hiến hơn 100m2 đất phấn khởi: “Khi được chính quyền vận động mở con đường này tạo thuận lợi cho bà con đi lại nhất là khi năm hết tết đến như thế này, vì trước đây chỉ là một lối mòn nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy làm cho việc đi lại của bà con hết sức khó khăn, nên tôi và mọi người nhiệt tình ủng hộ. Tôi thấy chủ trương này rất đúng, hợp với lòng dân nên bỏ qua lợi ích của mình mà ủng hộ, nó có ý nghĩa lắm nhất là trong xây dựng nông thôn mới hiện nay”.

Từ hiến đất làm đường đến đoàn kết vượt nghèo:

Cùng với phong trào làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng thì các xã còn quan tâm chăm lo hỗ trợ hộ nghèo. Như ở xã Tân Thạnh Tây, đầu năm 2012, xã có 417 hộ có mức thu nhập dưới 12 triệu đồng/ người/ năm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trần Minh Hoàng bộc bạch: “Để giúp những hộ này có thu nhập ổn định nâng cao cuộc sống, xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, từ các nguồn vốn của các ngân hàng cũng như các tổ chức đã có hơn 500 hộ được vay vốn với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Riêng vốn từ quỹ vì người nghèo xã đã có 27 hộ vay với số tiền 333 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp các đơn vị đào tạo nghề cho 406 người, giải quyết việc làm cho 410 lao động; vận động hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế cho 382 người dân (từ 50% đến 100% chi phí mua thẻ); miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo…”.

Song song đó, xã thực hiện nhiều chủ trương khuyến khích người dân tích cực phát triển đàn bò với tổng đàn hiện có trên 3.500 con cũng như phát triển mô hình vườn lan cây kiểng, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới nhiều mô hình kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và cho thu nhập cao điển hình như mô hình nuôi bồ câu ở ấp 3A, trồng hoa lan cây kiểng ở ấp 3, cơ sở tráng bánh tráng ở ấp 2… Xã cũng đã chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho người lao động; phối hợp với ngành chức năng, trung tâm dạy nghề,… tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho hàng trăm lao động. Gắn liền với đó là phát huy nội lực trong đoàn viên hội viên giúp đỡ nhau về vốn, cây con giống, ngày công lao động để phát triển kinh tế gia đình.

Phần lớn các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cộng với ý chí vượt nghèo của nhân dân, tết năm nay, Tân Thạnh Tây có thêm 208 hộ có thêm điều kiện đón tết đầy đủ với niềm vui mừng phấn khởi khi ra khỏi chương trình giảm nghèo tăng hộ khá.

Đến với xã Tân Thạnh Đông những ngày giáp tết, nhiều bà con bày tỏ niềm vui của mình khi cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước nhất là những hộ chăn nuôi bò sữa. Với họ niềm vui trước hết là giá sữa luôn ổn định ở mức cao. Đang lỡ tay dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, ông Nguyễn Văn Sỹ, nông dân ấp 6, chia sẻ: “Giá sữa tùy theo chất lượng của từng hộ hay từng hôm. Có hôm bán được gần 11.000 đ/kg, có hôm chỉ trên 10.000 đ/kg. Có hộ bán sữa được giá tới 10.900 đ/kg, có hộ bán qua thợ vắt sữa thì chỉ trên 9.000 đ/kg. Nhưng nhìn chung, giá sữa bình quân vào khoảng 10.300 - 10.400 đ/kg. Với giá này, bình quân mỗi kg sữa, nông dân lời 40 - 50% hoặc hơn. Với cái đà này thì bà con nuôi bò sữa chúng tôi đón cái tết ấm cúng là điều đơn nhiên”. Ông Hồ Văn Thân, nông dân ở ấp 2 khẳng định: “Giá sữa cứ nằm ở mức từ 9.500 đến 11.000 đ/kg tùy theo chất lượng sữa thì tết này dân nuôi bò Tân Thạnh Đông sống khỏe, chẳng phải lo nghĩ gì cả. Giá sữa cao như hiện nay, cũng nhờ trên địa bàn hiện có tới 4 công ty đặt trạm thu mua sữa. Các công ty phải cạnh tranh nhau về giá thu mua, nên giá sữa luôn ở mức khá cao và khá tốt suốt mấy năm qua”.

Phát huy tinh thần chung lưng trong xây dựng nông thôn mới:

Phát huy được sức mạnh nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thì “khó trăm lần dân liệu cũng xong”, không riêng gì giao thông, tỷ lệ hộ nghèo,… mà các tiêu chí khác cũng rất cần người dân hiểu, đồng thuận và hưởng ứng. Bởi để đạt được kết quả đó là nhờ thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Tất cả những hoạt động có liên quan đến đời sống dân sinh đều được đưa ra công khai trước dân, do chính người dân địa phương bàn bạc một cách dân chủ rồi quyết định tổ chức thực hiện.

Người dân Củ Chi đã biết phát huy được sức mạnh trong chiến đấu vào trong cuộc sống hôm nay, đã biết đoàn kết vượt qua khó khăn của tình hình kinh tế đang chịu tác động chung của nền kinh tế thế giới. Chúng ta đã đứng vững bằng bàn tay và khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta đã tiếp tục phát huy tinh thần chung lưng đấu cật của bà con nhân dân trong xóm ấp trên mọi lĩnh vực nhất là trong xây dựng nông thôn mới để xóm ấp ngày càng văn minh hơn, phát triển hơn. Tất cả vì mục đích cao cả và lớn nhất của chương trình chính là làm thay đổi diện mạo của nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần làm cho không khí đón xuân năm nay thật tưng bừng, rộn rã. Một mùa xuân thanh bình, hạnh phúc, một mùa xuân kết tinh từ ý đảng lòng dân tràn ngập khắp mọi nẻo đường trên vùng quê đất thép.

Bích Ngân


Số lượt người xem: 6229    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm