LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
5
3
1
6
5
3
TIN TỨC SỰ KIỆN 29 Tháng Giêng 2011 3:30:00 CH

ẤM ÁP NGHĨA TÌNH

Mùa xuân là mùa sum họp, mùa mà dù ở xa đến mấy người ta cũng muốn được trở về với gia đình, được đoàn tụ với ông bà, cha mẹ, anh em. Thế nhưng, có những mùa xuân cô đơn, lặng lẽ. Đó là mùa xuân của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mùa xuân mẹ ngóng con trở về trong vô vọng.

 Hiểu được nỗi niềm đó, năm nay, các chiến sĩ công an xã Trung Lập Thượng đã về bên các mẹ, cùng chăm lo đón Tết. Vậy là Tết này mẹ đã được sum họp cùng những đứa con – một cuộc sum họp đầy niềm vui và có cả những giọt nước mắt rơi trong niềm hạnh phúc.

Theo chân các chiến sĩ công an, chúng tôi đến thăm mẹ Trần Thị Anh, 87 tuổi, tại ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng. Mẹ có chồng và hai người con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi chúng tôi đến nhà, trời đã quá trưa, ánh nắng xuyên qua những lỗ nhỏ trên mái nhà, chiếu thẳng vào khuôn mặt mẹ.

Tóc mẹ đã bạc, quanh khóe mắt đầy dấu chân chim, da mẹ đã lốm đốm trổ đồi mồi. Thấy chúng tôi đến, mẹ xúc động rơi nước mắt. Mẹ nắm tay từng chiến sĩ, từng anh đoàn viên thanh niên, và nói: “Các con đến bất ngờ mẹ mừng lắm”.

Mẹ sống một mình trong căn nhà tình nghĩa được xây tặng từ năm 1991, mùa nắng thì không sao, mùa mưa nước theo mái tôn dột đủ chỗ, chưa ai sửa giúp. Trong căn nhà nhỏ cũng chỉ có vài vật dụng cần thiết cho sinh hoạt thường ngày. Trên gian thờ, mẹ đặt hình chồng, hai con và huân chương kháng chiến hạng 3 một cách trang trọng. Sau khi thăm hỏi mẹ, các chiến sĩ công an bắt tay ngay vào việc dọn dẹp. Người thì lau bàn thờ, người thì quét nhà, quét sân, quét mạng nhện.

Mẹ ngồi đó, móm mém cười. Thỉnh thoảng mẹ lại bảo: “Hình con mẹ đó, mấy đứa thấy đẹp trai không, phải chi nó sống tới giờ là mẹ có cháu đầy nhà rồi”. Các anh công an thì trêu mẹ: “Hôm nay mẹ có cả chục đứa con về sum họp, cũng đầy nhà rồi, mà lại không tốn cơm, tốn gạo nữa chứ”. Mẹ cười, mắt lại ngân ngấn nước. Mẹ kể mẹ sống một mình buồn lắm, tối nào cũng thao thức hoài không ngủ được, lo cho mình thì ít, mà nhớ chồng, nhớ con thì nhiều. Mẹ còn một người con gái, dù cuộc sống khó khăn nhưng chị cũng muốn đón mẹ về ở chung. Tuy nhiên, lần nào chị ngỏ lời cũng bị mẹ thẳng thừng từ chối. Mẹ nói mẹ ở đây lo nhang khói, chừng nào chết thì mẹ mang theo, chứ không để các anh hiu quạnh được.

Đoàn đến nhà mẹ hôm nay, không chỉ có các chiến sĩ công an, mà còn có cả các bạn đoàn viên thanh niên ở ấp. Các bạn đoàn viên rất hăng hái nhiệt tình, vừa dọn dẹp vừa cười đùa làm không khí cứ như ngày Tết. Ở trong nhà, các bạn chia nhau mỗi người một việc. Lần lượt, ảnh thờ, lư hương, nền nhà… được vệ sinh sạch sẽ. Bên ngoài, các bạn cùng nhau quét dọn, gom lá khô, sắp lại mớ củi ở góc vườn. Vườn nhà mẹ cũng không có cây trái chi nhiều, chỉ có một dây trầu đang leo, và một cây mít sai quả oằn mình cạnh chái bếp.

 Chỉ chốc lát, việc dọn dẹp đã xong, mọi người lại ngồi quây quần, say mê nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Qua những câu chuyện, các bạn hiểu thêm về những mất mát, hy sinh của quê hương Củ Chi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Chiến tranh đã đi qua, sao còn để lại trên quê hương mình nhiều vết thương không bao giờ lành lặn.

Chia tay mẹ Trần Thị Anh, đoàn tiếp tục đến thăm mẹ Lê Thị Sứ. Mẹ năm nay 84 tuổi, sống tại ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Mẹ sinh được 9 người con, trong đó có 4 người tham gia cách mạng và hy sinh tại chiến trường. Trong số bốn người con đã ra đi, có ba người con trai đã được Nhà nước công nhận là liệt sỹ, còn người con gái thì do họat động bí mật nên đến nay vẫn chưa thể kết thúc hồ sơ. Trò chuyện với chúng tôi, mẹ xúc động kể về những ngày tháng tiễn chồng và hai con làm nhiệm vụ thiêng liêng cho Tổ quốc. Mẹ tâm sự: “Hôm nay các con đến thăm mẹ, mẹ vui như là những đứa con đã hy sinh của mẹ lại về bên mẹ. Thế hệ trẻ các con bây giờ phải cố gắng giữ gìn hòa bình cho đất nước. Như lời mẹ đã từng dặn con của mẹ, còn một viên đạn cuối cùng cũng phải tiến lên, giết cho được thằng giặc thì dù có hy sinh thân mình cũng cam chịu”. 

Hiện nay, mẹ sống cùng người con trai út. Căn nhà tình nghĩa của mẹ được xây khá khang trang, bên trong là hai bộ ván, chính giữa là bàn thờ. Mẹ cẩn thận treo bằng liệt sỹ, treo hình ảnh của các con ngay ngắn thẳng hàng, chen kín cả bức tường. Khi các chiến sĩ công an bắt tay vào dọn dẹp, mẹ dặn: “Mấy đứa dọn xong nhớ để bịch thuốc của mẹ lại trên tủ nghe hông, để chỗ khác mẹ bệnh không biết đường đâu mà tìm”. Tuy mang trong mình nhiều căn bệnh của người già, nhưng mẹ vẫn sống rất lạc quan.

Mẹ kể mới được đi du lịch về, giờ lại sắp theo đoàn ra Hà Nội thăm lăng Bác. Rồi mẹ lo, không biết đi Hà Nội có kịp về ăn Tết không. Khỏi phải nói, người già thì có trăm chuyện để lo, nhất là khi ngày Tết đã cận kề. Các anh công an hỏi mẹ: “ Năm nay mẹ ăn Tết lớn không?”. Mẹ cười nói: “Mẹ cũng chưa biết nữa, có bao nhiêu thì ăn Tết bấy nhiêu, có gì ăn nấy. Thôi Tết nay mấy con tới đây ăn Tết với mẹ cho vui cửa, vui nhà”. Các anh công an hứa với mẹ: “Tết nay tụi con nhất định tới mà”. Mẹ Sứ tuổi đã cao, chứ mắt còn tinh, và trí thớ thì cũng thuộc hàng “đáng nể”. Đang cuộc nói chuyện, mẹ chỉ vào một người trong đòan và nói: “Cái thằng áo xanh này nè, năm nào cũng tới phụ mẹ, còn đem cho mẹ cây để trồng nữa chứ. Cái cây năm trước bây cho, mẹ trồng ra trái rồi, năm nay mẹ đặt hàng 2 cây sapôchê nghe hông.”. Nói rồi mẹ đãi mọi người ăn mận trong vườn nhà. Chao ôi, trái mận trắng mẹ trồng sao mà ngọt và đậm đà đến vậy.

Chia tay mẹ, không quên lời hứa Tết lại ghé thăm, cả đoàn tiến về Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ xã Trung Lập Thượng. Tại đây, cỏ đã lên cao, bụi đã bám đầy trên tấm bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ. Cả đoàn lại chia nhau dụng cụ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Người dọn cỏ khô, người nhổ cỏ, người thì quét bụi trên tấm bia, dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên đài tưởng niệm. Khi mọi việc đã xong, đồng chí Trưởng công an xã cùng cả đoàn thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thầm cảm ơn về sự hy sinh của các anh để đem lại sự ấm no, hạnh phúc của người dân hôm nay.

Như là một truyền thống, cứ mỗi năm Tết đến, công an và đoàn viên thanh niên lại đến thăm nom các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình neo đơn trên địa bàn xã. Hành động này tuy nhỏ nhưng lại rất thiết thực và ý nghĩa. Người được thăm vui mừng khôn xiết, người đến thăm khi về cũng vui lây. Qua hoạt động này, những cán bộ chiến sĩ công an trẻ hiểu được thêm về những mất mát hy sinh của các thế hệ đi trước, tiếp tục học tập và tiến lên, góp thêm ý chí vào quá trình phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đây cũng chính là hoạt động thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Mong rằng, Tết này, các mẹ sẽ có được một cái Tết đầm ấm hơn, vui vẻ hơn, khi những người con lại về bên mẹ.

(P.A, 29/01/2011)


Số lượt người xem: 4890    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm