LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
7
2
1
4
TIN TỨC SỰ KIỆN 29 Tháng Giêng 2011 3:05:00 CH

PHONG TRÀO XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN HỌC SINH TÍCH CỰC: TÍN HIỆU VUI QUA NỬA CHẶNG ĐƯỜNG

Hòa cùng không khí ấm áp của đất trời, chào đón xuân Tân Mão, mọi người lại có thêm niềm vui mới trong công tác giáo dục. Mùa xuân này làn gió mới từ phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” đang dần phát huy hiệu quả góp phần tạo nên không khí ngày xuân càng thêm ấm áp. Đi qua nửa chặng đường (2008 -2013), các trường học đã thật sự có chuyển biến tích cực trong giảng dạy, học tập và xây dựng trường học ngày càng tiến tiến, đâïm đà bản sắc dân tộc.

LÀN GIÓ MỚI TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA:

Xác định mục tieâu của phong trào là huy động sức mạnh tổng hợp của caùc lực lượng, caùc tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường để xây dựng mái trường giáo dục an toàn, thaân thiện, hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phà hợp và hiệu quả.

Năm học 2008 - 2009, ngay sau khi Bộ gíao dục và đào tạo phát động phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 - 2013, Phòng giáo dục và đào tạo huyện đã tổ chức triển khai sâu rộng đến các trường học, tạo thành một làn gió mới trong các phong trào thi đua. Ông Lê Hùng Sen – Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện đã khẳng định: “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tiến tới xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hiện đại phải đào tạo cho được một thế hệ học sinh – những con người mới có niềm tin, trách nhiệm và lòng yêu thương con người. Và muốn làm được điều đó, trước tiên phải xây dựng môi trường học tập thân thiện, trường học phải khang trang, sạch đẹp, an toàn”. Ngay sau khi phát động, 100%  trường học trên địa bàn huyện từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tích cực đăng ký tham gia phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để phong trào đạt hiệu quả cao, các trường đã thành lập ban chỉ đạo do hiệu trưởng làm trưởng ban có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện. Với lợi thế là ngành giáo dục luôn được lãnh đạo huyện quan tâm đầu tư về nhiều mặt, học sinh cần cù, hiếu học nên chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, số học sinh khá giỏi, trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học tăng hàng năm. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, các trường đã gặp không ít khó khăn. Đầu tiên phải kể đến cơ sở vật chất thiếu, đặc biệt hệ thống các nhà vệ sinh tại các trường học đa số bị xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn, phòng học, không gian sân trường còn thiếu cây xanh. Học sinh không năng động và ý thức tự giác chưa cao, giáo viên còn giảng dạy theo lối truyền thống “thầy đọc – trò chép”.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Lê Hùng Sen đã chỉ đạo “Các trường cần phải thay đổi cách giáo dục học sinh. Lấy học trò làm trung tâm  và phát huy tính sáng tạo của bản thân mỗi em học sinh”. Nhận thức điều đó các trường lồng ghép phong trào này vào các chương trình học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa. Thông qua các môn học như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... giáo dục tính sáng tạo tích cực, rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh trong từng tiết dạy. Tổ chức các trò chơi dân gian để giáo dục truyền thống cho các em. Công tác phổ biến Luật Giao thông đường bộ và giáo dục an toàn giao thông cho học sinh được thực hiện lồng ghép trong các giờ giáo dục công dân, tuyên truyền dưới sân cờ, tổ chức hái hoa dân chủ tìm hiểu Luật giao thông đường bộ, tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và thực hiện tháng chủ điểm theo các ngày lễ lớn của dân tộc. Hàng tuần các trường đều tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh cho học sinh, lựa chọn một số trò chơi dân gian phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh như trò chơi nhảy bao, nhảy dây, kéo co, chuyền chanh, ô quan... lồng ghép vào các tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Các trường cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng trường lớp xanh, sạch đẹp, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp điều kiện cụ thể của từng đơn vị.

  

 

Bên cạnh đó, việc thay đổi phương pháp dạy và học đã có hiệu quả tích cực, giúp các em tự tin  trong học tập cũng đã được triển khai bằng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như: Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, giáo dục kỹ năng sống, hội thảo, tổ chức tham quan... trên cơ sở đó, việc dạy và học ở các trường đã có sự tiến bộ rõ nét. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Trong 2 năm qua đã có 2.462 lượt giáo viên tham gia tập huấn đổi mới phương pháp dạy học. Các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, thi làm đồ dùng dạy học được tổ chức thường xuyên đã kích thích lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo từ đội ngũ nhà giáo tâm huyết. Đối với các em học sinh, các trường cũng đã tạo nhiều sân chơi bổ ích như: Rung chuông vàng, Văn hay chữ tốt, máy tính cầm tay, các trò chơi dân gian, thăm và tặng quà các mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc các bia tưởng niệm liệt sĩ tại địa phương, các di tích lịch sử...thông qua đó giáo dục các em đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào dân tộc.

HOA “THÂN THIỆN” CHỚM NỞ:

Có thể thấy rằng, sau 2 năm thực hiện đã cho ta nhiều niềm vui mới. “Đa số các trường đã xây dựng được môi trường sư phạm khang trang xanh, sạch đẹp mặc dù một số trường đã xuống cấp nhưng trường vẫn phủ một màu tươi mát, tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ để học sinh vui chơi vào những giờ giải lao, học những lúc sinh hoạt ngoài giờ...

Đây là những tín hiệu vui về trên vùng đất thép” ông Lê Hùng Sen đầy phấn khởi nói về phong trào. Hiện toàn huyện tập trung nhân lực, vật lực giải quyết những khó khăn về vật chất, chỉ trong vòng 2 năm mà huyện đã xây dựng và mở rộng được 13 trường học với tổng số tiền trên 250 tỷ đồng. Xây mới 33 công trình vệ sinh nâng tổng số nhà vệ sinh các trường học đạt chuẩn theo quy định là 100%. Tôn tạo, trồng mới 420 cây xanh trong khuôn viên trường học. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa mà trong năm học mới 2010 – 2011 đã có 3 công trình trường học (tiểu học Tân Thông, Mầm non Hoàng Minh Đạo và Mầm non Trung Lập Thượng) được đưa vào sử dụng từ sự đóng góp của các mạnh thường quân với số tiền gần 50 tỷ đồng.

Niềm vui mới còn được được thể hiện ở sự chuyển biến trong nhận thức của các em học sinh. Các hoạt động tập thể vui chơi lành mạnh như: các trò chơi dân gian, hát các bài dân ca... đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các em tự giác và cảm thấy thích thú với các câu lạc bộ “hoa học trò”, “giúp nhau vượt khó”, giúp nhau vui tết trung thu. Các hoạt động học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương hay như những việc làm thiết thực như: nhận chăm sóc 7 di tích lịch sử, 24 công trình nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ và đài tưởng niệm, chăm sóc, hỗ trợ cho 120 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách. Ngoài ra, các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng cách mạng; kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các buổi chào cờ... được các em hào hứng chờ đón và hăng hái tham gia. Qua đó cho thấy sự nhút nhát, thụ động của học sinh ngoại thành đang dần biến mất thay vào đó là sự tự tin, năng động, hồn nhiên của tuổi học trò trong học tập và các phong trào thi đua.

Có thể nói phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của giáo viên và học sinh. Năm học qua, các trường cơ bản xây dựng được môi trường xanh sạch đẹp, trong năm không xảy ra tình trạng đánh nhau gây thương tích, chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Có 1.186 giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố, 59 giáo viên được học sinh tôn vinh (theo quy định của Bộ); 20.356 học sinh giỏi toàn diện; hiệu suất đào tạo của bậc tiểu học đạt 98,59%, THCS đạt gần 79%. Bên cạnh đó đã có 301 học sinh lớp 9 được công nhận học sinh giỏi cấp huyện, dự thi cấp thành phố đạt 57 giải trong đó có 8 giải nhất, 12 giải nhì và 37 giải ba. Có 1.242 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Toàn ngành thực hiện đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục các bậc học. Trong 2 năm học đã có 3 ngôi trường tiểu học Hoà Phú và tiểu học Thị Trấn, THCS Thị Trấn 2 được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Năm học 2009 -2010 có 24 trường xuất sắc, 41 trường tốt, 22 trường đạt loại khá trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Dẫn đầu phong trào trong toàn huyện phải kể đến Trường mầm non Thị trấn 2. Với đặc thù là một ngôi trường mầm non, nhà trường luôn xác định tạo không gian thân thiện, nuôi dưỡng tâm hồn các trẻ là chính. Nhà trường đã vận động các phụ huynh cùng chung tay, góp sức tạo khoảng không gian xanh cho các em. Bên cạnh đó, trường đã đưa một số kỹ năng vào giáo dục các em: tự tay làm đồ chơi, làm việc theo nhóm, tự bảo vệ mình.... các ngày lễ lớn trong năm cũng được thể hiện bằng các ngày hội của bé như em yêu chú bộ đội (22/12), mừng thầy mừng cô (20/11), em yêu Bác Hồ (19/5) ... giúp các bé mạnh dạn, tự tin, hứng thú tham gia các hoạt động học tập, vui chơi. Giáo viên cởi mở, phụ huynh chân thành cùng nhau chăm sóc giáo dục trẻ, tạo mối quan hệ thân thiết vì thế chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ không ngừng được nâng cao. Trong năm học 2009 - 2010 trẻ tham gia hội thi “Kể chuyện sách hè ”, hội thi  “Nét vẽ xanh ”, Hội thi tạo hình “Thế giới trẻ thơ”, Hội thi vẽ “Môi trường xanh” đạt 01 giải nhất, 03 giải nhì và 03 giải khuyến khích cấp thành phố. Tập thể nhà trường đã được được Bộ giáo dục và đào tạo tặng bằng khen, cô Ngô Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cũng được Bộ tặng bằng khen có thành tích tốt trong phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Bên cạnh bậc học mầm non thì Trường tiểu học Phước Thạnh cũng là một trong những bông hoa tiêu biểu. Chỉ qua 1 năm thực hiện phong trào, trường đã xuất sắc nhận được sự tuyên dương của huyện. Giáo dục ý thức tự giác, sáng tạo cho học sinh được trường chú trọng, trong các giờ học các em học sinh được thầy cô hướng dẫn tìm hiểu bài và chủ động tự học, rèn luyện ý thức tự giác cho các em. Song song đó, trường quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, coi đây là hình thức trực quan sinh động của trường. Khuôn viên sân trường, cây xanh, phòng học đảm bảo thoáng mát cho môi trường và vệ sinh sạch sẽ đã tạo được mỹ quan thân thiện. Trên sân trường còn được bố trí các khu vui chơi, cầu lông và khu thực hành an toàn giao thông bằng các bảng báo, tín hiệu. Ban giám hiệu luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tập thể, thực hiện tốt chế độ dân chủ cơ sở, tạo bầu không khí tâm lý thoải mái, phát huy sức sáng tạo của tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Kết quả trên là cả một quá trình phấn đấu gian khổ, phối hợp nhiều lực lượng, trong đó thầy và trò là lực lượng nòng cốt. Phong trào đã giúp các trường tự hoàn thiện, khắc phục yếu kém, thách thức, để vươn tới đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Chính vì vậy đòi hỏi phải có sự nỗ lực, chung sức chung lòng, đoàn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Bản thân mỗi giáo viên, học sinh phải nhận thấy trách nhiệm của mình góp phần đưa phong trào đi đến thắng lợi. Hy vọng rằng, với sự thành công bước đầu của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của nhà trường, gia đình, xã hội sẽ xây dựng môi trường học tập thân thiện góp phần giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ hôm nay những giá trị đạo đức bên cạnh những kiến thức nhằm xây dựng đất nước phát triển bền vững./.

(THU HÀ, 29/01/2011)


Số lượt người xem: 17406    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm