LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
5
5
9
6
1
TIN TỨC SỰ KIỆN 05 Tháng Chín 2012 1:55:00 CH

TỶ PHÚ Ở TUỔI 35

“Mô hình làm ăn của bà con nhanh nhất cũng mất 3 tháng nhưng mô hình của tui chỉ có 5 ngày”. Đó là câu nói vui nhưng thật của nông dân trẻ Nguyễn Hồng Nghĩa, ngụ ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp với các nông dân khác khi nói về mô hình sản xuất cá bột trê lai của mình.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc nông dân ở Bình Trị Đông, Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình vốn quen sống với nghề trồng trọt, chăn nuôi. Năm 1998, quá trình đô thị hóa diễn ra rầm rộ, diện tích đất canh tác không còn, anh Nguyễn Hồng Nghĩa - khi đó là một thanh niên đang ở độ tuổi hai mươi đầy nhiệt huyết đã tích cực hưởng ứng phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, thuyết phục gia đình gầy dựng sự nghiệp tại vùng đất mới – đất thép Củ Chi. Từ đó, anh Nghĩa đã cùng gia đình về Củ Chi mua đất lập nghiệp với mô hình làm ăn chính là nuôi cá trê lai. Lúc bấy giờ, gia đình anh Nghĩa chủ yếu mua cá bột (cá con) từ các lái buôn đem về nuôi.
Năm 2000, anh Nghĩa quyết định tách khỏi công việc chăn nuôi của gia đình, bắt đầu sự nghiệp riêng của mình bằng việc nuôi cá trê lai bố mẹ và sản xuất ra cá bột thay vì phải mua của người khác như trước đây. Khởi nghiệp từ số vốn ban đầu hơn 20 triệu đồng, đến nay, anh có trong tay khoảng 1 tỷ đồng từ mô hình sản xuất cá bột trê lai mỗi năm. Hiện với số lượng cá bố mẹ khoảng 5 tấn, tương đương khoảng 25.000 con và hàng tháng trung bình sản xuất được khoảng 30 đến 40 triệu con cá bột đem lại lợi nhuận cả trăm triệu đồng cho gia đình. Thời gian sản xuất cá bột trê lai rất ngắn, chỉ mất 5 ngày là sản xuất được cá bột để bán và lợi nhuận mang lại rất cao.
Tuy nhiên, mô hình này rất phức tạp, khó khăn đòi hỏi người nuôi phải có tính tỷ mỹ, có ý chí, sự quyết tâm, lòng kiên trì và chịu được vất vả. Trong khi đó, nguồn vốn để đầu tư khá lớn - hàng trăm triệu đồng nhưng khả năng thành công lại không cao. Đó cũng là lý do mà người nông dân trẻ Nguyễn Hồng Nghĩa không dám phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân. Anh tâm sự: “Tôi làm nghề này cũng hơn 10 năm rồi, mô hình này nếu làm nhỏ thì đầu tư cũng phải cả trăm triệu đồng. Quy trình sản xuất ra cá bột rất phức tạp. Tùy vào điều kiện thời tiết, nguồn nước, trứng, tinh trùng của cá bố mẹ mà cách thức thụ tinh và quá trình chăm sóc khác nhau, không thể áp dụng theo công thức có sẵn mà làm được. Thời gian chích thuốc cho trứng già rụng rồi cho trứng thụ tinh phải được canh rất cẩn thận, phải thức đêm thức hôm để canh giờ. Mô hình này, tôi chỉ mất 5 ngày là xuất được cá bột để bán nhưng trong 5 ngày đó rất vất vả, không được đi đâu mà phải theo sát nó trong suốt quá trình đó. Những người từng làm nghề này mới biết cái cực khổ của nó. Và nếu muốn làm thì phải quyết tâm, phải có ý chí và chịu thất bại, chịu mất vốn nhiều lần mới có kinh nghiệm. Kinh nghiệm nghề này không thể có được trong một, hai năm. Bản thân tôi đã làm nghề này mười mấy năm mà vẫn chưa thật sự rút được kinh nghiệm”.
Qua lời tâm sự chân thành của anh Nguyễn Hồng Nghĩa mới thấy được mô hình sản xuất cá bột trê lai tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không dễ làm chút nào. Nhìn diện tích những ao nuôi cá trê lai bố mẹ rộng hơn 3000 m2 và 34 bể lớn, nhỏ dùng để chứa cá bột của anh mới thấy anh đã phải vất vả và tốn biết bao công sức, tiền bạc đầu tư để có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Khi chúng tôi hỏi nghề nuôi cá bột trê lai này khó khăn, vất vả, tỷ lệ thành công thấp nhưng tại sao anh lại quyết tâm chọn nghề này để gắn bó, anh Nghĩa đã vui vẻ kể cho chúng tôi nghe: “Lúc nhỏ, cha tôi sai tôi đi mua cá bột để về nuôi nhưng vì còn nhỏ nên tôi đã bị các lái buôn khác giành mua hết. Về nhà, tôi bị cha tôi trách mắn vì không mua được cá bột để về nuôi. Lúc đó, tôi mới nghĩ: sao mình không tự nhân giống cá bột ra để nuôi mà phải đi mua của người khác? Và qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy con cá trê lai này vừa có đặc tính là thịt ngon lại vừa mau lớn giống đặc tính của cá bố mẹ là cá trê vàng đồng và cá trê phi. Hơn nữa, loại cá trê này thị trường Campuchia rất ưa chuộng để làm món mắm bồ hốc nhưng lại không sản xuất được. Vì thế, tôi đã quyết định chọn nghề sản xuất cá bột trê lai này để gắn bó và phát triển kinh tế gia đình”.
Không chỉ sản xuất cá bột, anh Nghĩa còn tận dụng diện tích đất trống ngoài vườn để nuôi bò ta và trồng thêm cây ăn trái để tăng thêm thu nhập. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc nhưng anh Nguyễn Hồng Nghĩa vẫn rất tích cực tham gia công tác địa phương. Ông Lê Văn Nhanh – Bí thư Chi bộ ấp Trại Đèn nhận xét:“Anh Nguyễn Hồng Nghĩa tham gia hoạt động của Ban nhân dân ấp từ năm 2008 và hiện là Chi hội trưởng Chi hội nông dân của ấp, nhiều năm liền đạt nông dân sản xuất kinh giỏi các cấp. Trong quá trình tham gia công tác tại địa phương, anh Nghĩa rất tích cực, là người có nhiệt huyết và luôn hoàn thành công tác được giao. Trong hội họp, luôn thẳng thắng đóng góp ý kiến, có tinh thần đấu tranh cho cái đúng”.
Không chỉ thành công trong công việc, tạo cho mình được một cơ ngơi khá vững về kinh tế ở độ tuổi còn rất trẻ, cuộc sống gia đình của anh còn rất hạnh phúc bênh cạnh vợ và hai đứa con nhỏ rất ngoan hiền. 
Với những nỗ lực, phấn đấu của mình, được biết tháng 6 vừa qua, anh Nghĩa đã vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam. Đây chắc chắn sẽ là nguồn động viên lớn để anh tiếp tục cố gắng hoàn thành chức trách được giao, gặt hái nhiều thành công hơn trong cuộc sống của mình.
Hoài Tâm

 


Số lượt người xem: 8999    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm