LIÊN KẾT WEB
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
6
8
6
5
0
5
TIN TỨC SỰ KIỆN 10 Tháng Sáu 2014 3:35:00 CH

DÙNG BỒN VẬN CHUYỂN NƯỚC THẢI CHĂN NUÔI ĐỂ TƯỚI CỎ: Giảm chi phí và đảm bảo vệ sinh môi trường

Những năm gần đây, bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, người nông dân còn sáng tạo, áp dụng các mô hình, cách làm hay, góp phần cải thiện chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như nông dân trẻ Lê Thành Long, ở ấp 2A, xã Tân Thạnh Tây với mô hình xử lý nước thải, dùng bồn vận chuyển nước thải để tưới cỏ nuôi bò. Nhờ vậy, đã giúp anh tiết kiệm chi phí chăn nuôi, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

 

Khoảng 10 năm trước, anh Long đã nuôi heo và bò sữa. Nhưng do nhà anh ở trong khu dân cư nên việc xử lý nước thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh. Vì vậy anh không chăn nuôi nữa mà chuyển sang làm tài xế lái xe trong công ty. Thế nhưng, tiền lương tháng từ nghề này không đủ để anh lo cho gia đình và nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Anh nghĩ, phải chăn nuôi trở lại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Năm 2012, anh quyết định nuôi bò sữa sau khi học được cách xử lý nước thải chăn nuôi hiệu quả từ một người anh. Trước khi bắt bò về nuôi, anh sửa sang lại chuồng, xây liền hầm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để đảm bảo không gây mùi hôi, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bởi nếu việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của những người hàng xóm, mà chính gia đình, những người thân của anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ban đầu anh chỉ nuôi 4 con bò sữa. Khi thấy được lợi nhuận, anh mạnh dạn vay thêm tiền từ người thân, bạn bè để mua thêm bò về nuôi. Số lượng bò dần tăng lên, một mình vợ anh không thể đảm đương nổi. Vì vậy, anh bàn với vợ nghỉ làm tài xế để ở nhà chuyên tâm cho việc nuôi bò sữa. Nhận thấy, nếu chỉ với vốn kinh nghiệm sẵn có của mình thì không thể mang lại hiệu quả cao, anh đã chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi bò sữa từ kinh nghiệm của những người chăn nuôi khác, tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân xã tổ chức… từ đó việc chăn nuôi của anh ngày càng thuận lợi hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, điều mà anh nông dân trẻ Lê Thành Long tâm đắt nhất là việc học được cách xử lý nước thải và dùng nước thải để tưới cỏ mà không gây ô nhiễm môi trường, lại tiết kiệm được một khoảng chi phí đáng kể. Với số lượng bò trên 20 con, bên cạnh việc cho bò ăn các loại thức ăn như: hèm, cám, xác mì, rơm… anh còn thuê 7.000m2 đất để nuôi cỏ bổ sung thức ăn tươi cho bò. Thay vì mua phân hóa học để bón cỏ, anh sử dụng nước thải đã qua xử lý trong hầm để tưới cho cỏ. Việc dùng nước thải chăn nuôi làm phân bón cho cỏ, hoa màu đã được nhiều hộ chăn nuôi thực hiện. Cỏ được trồng gần chuồng thì mới có thể xả nước thải để tưới cỏ trực tiếp. Việc xả trực tiếp nước thải ra cỏ thay cho bón phân hóa học cũng tốt, nhưng nếu xả một cách tự nhiên thì sẽ không tưới đều hết cho cỏ, cỏ phát triển không đồng đều. Mặt khác, việc xả nước thải chăn nuôi tùy tiện sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, nhất là các hộ chăn nuôi trong khu dân cư. Thế nhưng, do nhà anh ở trong khu dân cư, muốn dùng nước thải thay thế phân bón thì phải vận chuyển nước thải ra ruộng để tưới cỏ. Nếu việc vận chuyển nước thải không khéo sẽ gây ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường. Lúc này, anh được một người anh bày cho cách vận chuyển nước thải bằng một bồn chứa. Anh Long dùng số tiền gia đình tích góp được đặt làm một bồn chứa loại 3.500 lít và xe vận chuyển bồn với chi phí hơn 100 triệu đồng. Bồn chứa đạt tiêu chuẩn, đảm bảo không thoát ra mùi hôi, nước thải không bị rò rỉ trong quá trình vận chuyển. Cứ sau 3 đến 5 ngày, anh rút nước thải trong hầm đem tưới cỏ một lần. Nhờ vậy, anh tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng/năm chi phí mua phân bón hóa học để bón cho đồng cỏ. Theo anh, so với phân hóa học, dùng nước thải chăn nuôi tưới cỏ giúp cỏ tăng trưởng mạnh hơn, chất lượng cao hơn, bò ăn vào sẽ tốt hơn. Lợi ích lớn nhất từ việc sử dụng bồn rút nước thải để tưới cỏ là giúp làm sạch môi trường chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con xung quanh. Đồng thời, giúp giảm chi phí mua phân bón hóa học, tăng chất lượng cỏ, mang lại lợi nhuận cao hơn trong chăn nuôi. Nhưng do chi phí đầu tư tương đối cao nên mô hình này chỉ nên áp dụng đối với những chuồng trại nuôi từ 10 con bò trở lên sẽ có lợi hơn.

Tuy không phải là người đầu tiên sáng tạo ra mô hình này, nhưng chính sự chủ động tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đầu tư, áp dụng tốt cách làm mới, phù hợp đã giúp anh Lê Thành Long thành công. Hiện nay, đàn bò của anh đã lên đến 22 con, trong đó có 8 con đang cho sữa. Trung bình, mỗi ngày anh lấy được 120kg sữa. Trừ các khoảng chi phí chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh kiếm được hơn 100 triệu đồng. Thấy được lợi ích trên, nhiều hộ chăn nuôi trong xã đã tìm đến nhà anh Long tham quan, học hỏi cách làm này của anh. Anh Long cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tế của bản thân, hướng dẫn bà con cách làm đơn giản mà hiệu quả nhất.

Có thể nói, mô hình xây hầm xử lý nước thải, dùng bồn rút nước thải tưới cỏ, hoa màu là một cách làm hay giúp giảm chi phí trong chăn nuôi mà không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi trong khu vực dân cư thì việc áp dụng cách làm này rất cần thiết. Hy vọng trong thời gian tới mô hình này sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, không chỉ trong xã Tân Thạnh Tây mà còn lan rộng sang các địa phương khác.

ĐẶNG THẢO


Số lượt người xem: 4201    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Bản tin Hoạt động Quận 4-13-19/12/2010
  • Bản tin Hoạt động Quận 4-15-21/12/2010
Tìm kiếm